Thứ Năm ngày 20 tháng 2 năm 2025

Làm sao có thể quên ngày 17-2-1979 đã ghi tạc vào lịch sử

Sáng thứ Hai 17-2-2025, A Phủ nhớ lại tờ báo Nhân Dan ra ngày Chủ nhật 18-2-1979 mà mình từng đọc khi đang làm ở báo Long An. Hồi đó, A Phủ 22 tuổi, ngay sau khi Chủ tịch nước Trường Chinh ngày 5-2-1979 ký lệnh tổng động viên cả nước, đã cùng anh chị em ở tòa soạn viết quyết tâm thư sẵn sàng tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Trưa ngày 5-3-1979, giới cầm quyền Trung Quốc đã tuyên bố rút quân. Và chiều cùng ngày, quân đội Trung Quốc bắt đầu rút khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nhưng chiến sự vẫn dai dẳng, tiếp diễn ở một số cứ điểm biên giới suốt nhiều năm sau, mãi tới tận tháng 10-1989 mới được coi là chấm dứt cuộc chiến tranh vệ quốc của Việt Nam. Tuy không tham gia cuộc chiến vệ quốc ở phía Bắc, nhưng ngay tại tỉnh nhà Long An, A Phủ đã tham gia tác nghiệp làm báo trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam chống lại quân Pon Pot từ Campuchia. Cũng từng trải nghiệm chiến tranh biên giới.

Ngay dưới manchette tờ báo Nhân Dân ngày 18-2-1979 năm ấy là Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam được mở đầu bằng thông tin: “Ngày 17 tháng 2 năm 1979, những người cầm quyền Trung Quốc đã ngang nhiên bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chúng đã dùng nhiều sư đoàn bộ binh, thiết giáp. pháo binh có không quân yểm trợ, mở cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc”.

Còn nhớ, hôm 17-2-2021, A Phủ từng viết trên blog: “Tôi luôn ghi nhớ những sự kiện như thế này không phải để nuôi giữ lòng thù hận cho nó luôn ám ảnh và làm nặng lòng chính mình. Nhưng tôi không có quyền quên bất cứ ai đã hy sinh thậm chí cả mạng sống mình để bảo vệ giang sơn Tổ quốc mà ông cha ta đã đổ máu xương và dày công xây dựng từ ngàn xưa rồi trao lại cho các thế hệ con cháu. Tôi luôn hiểu rằng mình còn tồn tại tới hôm nay và sống an lành tại đây chính là nhờ những hy sinh của những người bảo vệ non sông, cho dù họ chiến đấu với lý tưởng nào. Tôi chỉ cần biết họ là những người Việt, và cả người nước ngoài, đã đổ máu để bảo vệ giang sơn Việt Nam.”

Và: “Nói vậy không phải để tôi nuôi lòng thù ghét gì người Trung Quốc. Tôi được những bậc trưởng thượng dạy để biết phân biệt đâu là người dân, đâu là nhà cầm quyền. Tôi chỉ nhận thức để không bị huyễn hoặc, tự ảo tưởng trước một nước láng giềng cực lớn mà đầy những mưu bá đồ vương. Người thức thời là phải biết người biết ta.”

Báo Điện tử Chính phủ ngày 5-2-2025 đưa tin: “Trong chuyến công tác tại Hà Giang, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025), với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chiều 5/2, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã tới dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ và tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang).”

Báo Tin Tức của TTXVN cho biết: Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) được khởi công xây dựng từ năm 1990, là nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ và một mộ tập thể các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Nơi đây có một bia đá khắc 9 chữ vàng: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Đây cũng là dòng chữ được khắc trên báng súng của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh (người dân tộc Mường, quê ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) và là lời thề của thế hệ những người lính đã chiến đấu can trường trên mảnh đất này.

Vậy mà tới hôm nay đã 46 năm kể từ cái ngày lịch sử của dân tộc 17-2-1979 đó. Trong một bài blog khác, A Phủ viết: “Người ta cần phải buông bỏ quá khứ chớ không phải là xóa bỏ quá khứ. Quá khứ chính là nền tảng của hiện tại và tương lai. Buông bỏ quá khứ như là để lại gánh nặng sau lưng hầu ta có thể nhẹ nhàng tiến bước tiếp trên con đường đời vạn dặm. Xóa bỏ quá khứ hàm chứa nguy cơ ta sẽ lại phải gặp nó trong tương lai.”

A.P.