Chủ nhật ngày 30 tháng 3 năm 2025

Phổ cập chuyển đổi số tới tận từng nhà

Bài học về việc triển khai định danh điện tử công dân trong thời gian qua cho thấy các địa phương trên cả nước còn quá nhiều những người dân không thể tiếp cận với công nghệ. Sau một thời gian vận động tự đăng ký mà không thể phủ rộng được việc cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2, các địa phương đã phải tổ chức những tổ đội tới tận từng khu phố, thậm chí từng nhà, để tận tay giúp người dân hoàn tất thủ tục.

Trong khi đó, công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia càng trở nên bức thiết hơn khi Việt Nam tiến hành việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy quản lý hành chính. Vai trò của chính quyền số, với các thủ tục hành chính công trực tuyến, càng thúc bách hơn trong hoàn cảnh mới. Theo yêu cầu của Chính phủ, trong năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Cũng trong năm 2025, Việt Nam sẽ hoàn thành cung cấp toàn bộ 76/76 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Đề án 06. Theo báo cáo, tính đến tháng 8-2024, có 45/76 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; trong đó có 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06; đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm.

Rõ ràng, không thể tiến hành chuyển đổi số toàn diện, xây dựng nền hành chính công số nếu như người dân không thể tiếp cận hay sử dụng được các dịch vụ hành chính công số và các ứng dụng số cần thiết cho cuộc sống hằng ngày.

Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tới tận nhà hỗ trợ người dân. (Ảnh: DP/Internet. Thanks).

Từ những tổ công nghệ số cộng đồng…

Từ sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông hồi đó vào tháng 3-2022, toàn bộ 63 tỉnh thành trong cả nước đã nhanh chóng thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 yêu cầu: Tổ chức các tổ công nghệ số cộng đồng đến từng khối phố, thôn, bản với các tổ viên là cán bộ kiêm nhiệm và các thành viên tại chỗ năng nổ, nhiệt tình, được đào tạo về kỹ năng số để phổ biến hướng dẫn, trợ giúp người dân sử dụng công nghệ số và các nền tảng số “Make in Việt Nam”, hình thành mạng lưới triển khai công nghệ rộng khắp trên toàn quốc.

Chỉ sau hơn một năm triển khai, cả nước đã có được hơn 74.000 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 340.000 thành viên. Mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn quốc được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đánh giá là đã đạt được nhiều dấu ấn, đem lại những kết quả thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số cho người dân. Đó chính là những là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo chuyển đổi số từ cấp tỉnh thành đến cơ sở.

Anh Sình Dỉ Gai, dân tộc Lô Lô, Trưởng thôn, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), cho biết tổ đã giúp cư dân thôn biết tận dụng tốt công nghệ số để thúc đẩy du lịch thông minh. Các hộ kinh doanh trên địa bàn thôn đã cài đặt và sử dụng dịch vụ VNeID trong công tác khai báo khách lưu trú; đồng thời hướng dẫn các hộ kinh doanh quảng bá, bán phòng qua các trang web và mạng xã hội như: Agoda, Booking.com, Facebook, Zalo,… Tổ cũng tuyên truyền hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, cán bộ và hộ dân trên địa bàn thôn cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID nhằm hỗ trợ định danh điện tử cho công dân và có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống.

Còn chị Trần Thị Thu Giàu, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng phường 1 (thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), chia sẻ: Với sự kiên trì và phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các thành viên trong tổ đã trực tiếp đến từng nhà, tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng lợi ích của tỉnh Đồng Tháp như: Ứng dụng e-Đong Thap liên quan đến chính quyền điện tử; ứng dụng Y tế Đồng Tháp nhằm giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh; ứng dụng VNeID của Bộ Công an nhằm sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống.

… Đến những đội “Bình dân học vụ số”

Từ đầu năm 2025, nhiều địa phương đã chính thức phát động phong trào “Bình dân học vụ số” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát động nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 2024. Mục tiêu là xóa mù công nghệ cho cộng đồng, đặc biệt là những người dân yếu thế về công nghệ, những người ở vùng sâu vùng xa. Các tổ chức thực hiện cũng đẩy mạnh các hoạt động phổ cập tri thức qua Internet, tận dụng các nền tảng học trực tuyến để cung cấp kiến thức, kỹ năng cho mọi người. Chẳng hạn các đội “Bình dân học vụ số” sẽ tới tận cơ sở, thậm chí từng nhà, hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị, công cụ kỹ thuật số.

TP HCM hiện đã hình thành được hơn 300 đội “Bình dân học vụ số” tới tận cấp cơ sở để giúp đưa công nghệ số tới cộng đồng rộng khắp. Nòng cốt là Câu lạc bộ Các Nhà khoa học trẻ (trực thuộc Hội LHTN Việt Nam TP HCM). Như huyện Bình Chánh đã thành lập được 16 đội “Bình dân học vụ số” tại tất cả 16 xã, thị trấn. Các thành viên đã tới tận từng khu dân cư, khu trọ để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng Công dân số TP HCM. Cách làm này rõ ràng đem lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nó góp phần đưa chuyển đổi số đến từng nhà, từng người dân.

Cần có sự tiếp sức

Cộng đồng rộng rãi, cụ thể là những người dân không quen thuộc với thiết bị công nghệ và ứng dụng số, là đối tượng chính để phổ cập công nghệ. Vì thế, cần phải có hai yếu tố chính. Một là lực lượng tham gia là những người tình nguyện, có nhiệt huyết và đặc biệt là có kiến thức, kỹ năng về công nghệ. Hai là cần soạn thảo các tài liệu mang tính đại chúng, dễ hiểu, dễ thực hành để các đội, tổ có thể “cầm tay chỉ việc” cho người dân. Với mỗi ứng dụng số, tài liệu hướng dẫn cần phải cụ thể, trực quan, ai cũng có thể làm được.

Các đội, tổ công nghệ cộng đồng không thể chỉ hoạt động chung chung. Nhiệm vụ chính và cụ thể của họ là giúp người dân sử dụng thành thạo thiết bị thông minh để truy cập thông tin, sử dụng dịch vụ số thiết yếu, các dịch vụ số khác được tích hợp vào nền tảng VNeID cũng như các ứng dụng chính quyền số của địa phương. Họ cũng đồng thời giúp trang bị kiến thức, kỹ năng số cho người dân, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số.

Từ những kinh nghiệm thực tế, nỗ lực phổ cập công nghệ cho cộng đồng chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu được xã hội hóa, huy động chính công chúng để hỗ trợ cộng đồng. Một giải pháp khả thi và hữu hiệu là huy động các tổ chức xã hội của địa phương. Chúng ta có thuận lợi là  Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã chủ động tham gia, triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”. Các cấp Hội tổ chức đội hình thanh niên và mở các lớp học nâng cao nhận thức, kỹ năng số thiết yếu cho người dân, nhất là người cao tuổi, người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc người ít tiếp xúc với công nghệ. Mỗi cơ sở Hội thành lập ít nhất 1 đội hình với những thanh niên có kiến thức tốt về công nghệ làm nòng cốt. Anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch T.Ư. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho biết: “Các thành viên tham gia tự nguyện được trang bị các kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin, được tập huấn, trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân và có thể được hỗ trợ kinh phí hoạt động, tùy theo tình hình địa phương.”

Ngoài ra, khi tiến hành triển khai các ứng dụng chính quyền số, nhiều địa phương đã bố trí cán bộ túc trực tại trụ sở để hướng dẫn người dân làm các thủ tục hành chính online. Cách làm này cho thấy tính hữu hiệu cao.

Từ thực tế hoạt động, các tổ quần chúng này kiến nghị cần phải được cơ quan chức năng hỗ trợ tiếp sức để có thể duy trì hoạt động một cách có hiệu quả lâu dài. Chẳng hạn, chính quyền địa phương có thể làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để hỗ trợ cước viễn thông cho các thành viên của tổ; cũng như tiếp tục quan tâm hỗ trợ đào tạo và cập nhật kỹ năng sử dụng các nền tảng số, dịch vụ hành chính công số cho các thành viên của tổ theo hướng đơn giản, thuận tiện nhất có thể.

Và nhìn rộng ra cả nước, các tổ công nghệ số cộng đồng cũng như các đội “Bình dân học vụ số” chỉ có thể hoạt động tốt nhất khi được các lãnh đạo địa phương quan tâm, theo dõi để chỉ đạo và có được sự phối hợp hiệu quả từ các ban ngành có liên quan. Tất nhiên, vai trò của các tổ chức quần chúng tại địa phương, đặc biệt là của giới thanh niên, trong việc chung tay, thậm chí làm nhân tố, với các tổ đội phổ cập công nghệ cộng đồng này là rất quan trọng.

Bài đã in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 23-3-2025 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN