Công nghệ số lưu giữ lịch sử, lan tỏa văn hóa
Công nghệ số, ở đây là truyền thông đa phương tiện (multimedia) với sự chắp cánh của công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI), là một phương tiện không thể tuyệt vời hơn để lưu giữ và lan tỏa những dấu ấn văn hóa và lịch sử của dân tộc và đất nước.
Sự thành công của MV “Bắc Bling (Bắc Ninh)” do nữ ca sĩ Hòa Minzy thực hiện hiện có tới 166 triệu lượt xem trên kênh YouTube gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về cách quảng bá những nét đẹp văn hóa – lịch sử của địa phương. Từ “quê hương quan họ”, nay Bắc Ninh lại đi ra thế giới năm châu với diện mạo mới tân thời hơn, cuốn hút hơn. Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, viết trên trang cá nhân của mình hôm 25-4-2025 rằng: “Đừng nghĩ giới trẻ không quan tâm tới lịch sử. Là do chúng ta chưa biết cách kể cho phù hợp với lối tiếp cận của họ mà thôi.”
Và ngay từ cách làm mới mẻ của báo Nhân Dân, tờ báo lâu năm và lớn nhất nước vốn nổi tiếng là “chính trị khô khan”, cũng đáng để suy nghĩ. Hôm 17-4-2025, báo công bố Dự án “Yêu lắm Việt Nam”, kết hợp công nghệ kết nối không dây (NFC) và dữ liệu số nhằm lan tỏa tình yêu đất nước, quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch trên mọi miền Tổ quốc. Báo Nhân Dân và đối tác công nghệ Phygital Labs đã lắp đặt miễn phí gần 200 bảng gắn chip NFC tại các địa danh nổi tiếng ở hơn 60 tỉnh, thành nhằm tạo trải nghiệm khám phá độc đáo cho du khách, hỗ trợ, thúc đẩy du lịch các địa phương. Chỉ với một chạm bằng điện thoại hỗ trợ kết nối NFC, du khách có thể mở ra một không gian số với nhiều tính năng thú vị được tích hợp.

Bạn đọc có thể dùng smartphone quét lên mã QR in trên trang báo để có thể xem hình ảnh 3D hay video một sự kiện lịch sử. (Ảnh chụp màn hình)
Đặc biệt, nhân dịp cùng cả nước chào mừng kỷ niệm 50 Thống nhất đất nước (30-4-1975/2025), Báo Nhân Dân đã đầu tư xây dựng trang web https://thongnhatdatnuoc.nhandan.vn/ ứng dụng multimedia cung cấp ngồn ngộn tư liệu về hành trình tiến tới “Đại thắng Mùa Xuân năm 1975”. Những tư liệu chính thống ắt vẫn khô khan, “mốc meo” nếu cứ nằm trong kho lưu trữ, giờ tái xuất hiện đa dạng, thu hút người đọc, người xem.
Công cụ, phương tiện giờ đây đã sẵn sàng. Vấn đề là chỉ cần những ý tưởng và những dự án. Các cơ quan, tổ chức có chức năng, đặc biệt là ở cấp trung ương, phải là những người chủ động và đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ để lưu giữ và lan tỏa các nét đẹp văn hóa và sự kiện lịch sử. Họ nên làm việc và hợp tác với các nền tảng truyền thông xã hội trong nước và xuyên biên giới để xây dựng những dự án bảo tồn và quảng bá văn hóa – lịch sử Việt Nam. Các đơn vị quản lý các di thắng văn hóa – lịch sử cũng cần đề xuất với cơ quan chức năng để phối hợp cùng các đối tác công nghệ thực hiện các dự án như vậy.
Không chịu tận dụng các ứng dụng công nghệ để lưu giữ và lan tỏa về văn hóa và lịch sử quả là “uổng phí” và có lỗi.
Bài đã in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 4-5-2025 và trên báo NLĐ Online.
NGÔ LÊ