Vì sao thủ đô Baghdad ngày nào cũng bị đánh bom khủng bố?
Thành phố Baghdad của Iraq đã trở thành thủ đô chết chóc nhất thế giới khi hầu như ngày nào cũng xảy ra những vụ tấn công bạo lực và đánh bom khủng bố.
Ngày 19-12-2013 có ít nhất 49 người chết và 100 người bị thương trong các vụ tấn công khủng bố trên khắp Iraq. Nổi cộm nhất là làn sóng đánh bom chống những người hành hương thuộc phái Hồi giáo Shiite.
Đẫm máu nhất là vụ đánh bom liều chết vào trưa ngày 19-12 trên một xa lộ ở quận Doura (phía nam Baghdad). Một gã khủng bố đã cho nổ chiếc áo bom của mình giữa đám đông những người hành hương Shiite giết chết 17 người và làm bị thương 35 người.
Một kẻ đánh bom liều chết khác cũng đã kích hoạt chiếc áo thuốc nổ của mình giữa những người Shiite hành hương gần thị trấn Yousifiyah (cách Baghdad khoảng 20km về hướng nam), giết chết 8 người và làm 32 người bị thương.
Trong một vụ đánh bom liều chết tương tự tại Latifiyah (cách Baghdad 25km về hướng nam), có 10 người Shiite hành hương bị giết chết và 20 người khác bị thương.
Hôm 19-12, những người Shiite hành hương đã kéo nhau về thành phố thánh địa của người Shiite là Karbala, cách Baghdad 110km về hướng nam, để tham dự nghi thức tôn giáo Arbaeen chuẩn bị cho ngày chính lễ sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba tới đây 24-12. Sự kiện Arbaeen là để tưởng nhớ ngày thứ 40 sau ngày tuẫn tiết của Imam Hussein, cháu trai của nhà tiên tri Muhammad và là nhân vật linh thiêng thứ ba của người Shiite. Ông này đã chết trong trận chiến ở Karbala năm 680 sau công nguyên.
Trước đó, những vụ đánh bom khủng bố xảy ra khắp nước này trong ngày Chủ nhật 8-12 đã khiến ít nhất 39 người chết và 123 người bị thương. Mục tiêu là những đường phố buôn bán tấp nập và chung quanh thủ đô Baghdad, và vũ khí tấn công là những chiếc xe hơi chở bom.
Bạo lực khủng bố hiện nay đã lên tới mức cao nhất trong vòng ít nhất là 5 năm qua và thủ đô Baghdad là nơi hầu như ngày nào cũng xảy ra những vụ đánh bom. Liên Hiệp Quốc cho biết từ đầu năm 2013 tới nay đã có hơn 8.100 người bị giết bởi bạo lực khủng bố ở Iraq. Báo The Christian Science Monitor (20-12) cho biết tình hình bạo lực khủng bố ở Iraq năm 2013 đã hơn gấp đôi năm trước. (Theo số liệu của LHQ, số người Iraq chết vì bạo lực khủng bố trong những năm qua là năm 2008: 6.787 người; năm 2009: 3.056; năm 2010: 2.953 người; năm 2011: 2.771 người; và năm 2012: 3.238 người).
Vụ đánh bom đẫm máu nhất hôm 5-12 xảy ra tại quận Bayaa của người Hồi giáo phái Shiite ở Baghdad, một quả bom giấu trong một chiếc xe đang đậu gần các cửa tiệm sửa xe đã phát nổ giết chết 7 người và làm bị thương 14 người. Vào buổi tối, thêm một vụ đánh bom tại tiệm sửa xe khác đã xảy ra, lần này tại quận Taji của người Hồi giáo phái Sunni, giết chết 3 người và làm bị thương 10 người. Tại Radhwaniya, một khu do người Sunni chiếm đa số, một quả bom gài ven đường đã giết 2 người và làm bị thương 8 người. Hàng loạt vụ đánh bom xe hơi khác đã xảy ra tại các quận Amel, Ghadir, Sadr City, Ameen và Hussainiya vốn là những nơi người Shiite tập trung sinh sống.
Mặc dù chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom khủng bố ngày 8-12 ở Iraq, nhưng rõ ràng đây lại là những vụ bạo lực ăn miếng trả miếng giữa hai phái Hồi giáo có mối hận thù truyền kiếp với nhau là Shiite (chiếm khoảng 65% số tín đồ Hồi giáo ở Iraq) và Sunni.
Dưới chế độ cầm quyền cứng rắn của Tổng thống Saddam Hussein, một tín đồ phái Sunni, hai phái Hồi giáo này chỉ dám nuôi dưỡng mối hận thù trong lòng. Sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq bắt đầu cuộc chiến tranh Iraq mới từ tháng 3-2003 để lật đổ chế độ Saddam, bên cạnh bạo lực chiến tranh, các giềng mối xã hội cũng bị phá tung. Iraq bị nhận chìm trong bạo lực chết chóc không chỉ giữa các nhóm nổi dậy chống quân đội nước ngoài và chính phủ mới, cũng như bởi những phần tử khủng bố lợi dụng thời cơ để lộng hành, mà còn giữa các bộ tộc, các tôn giáo. Và tất nhiên khốc liệt nhất là sự đối đầu giữa hai phái Hồi giáo với những vụ tấn công, bạo lực ăn miếng trả miếng xảy ra hầu như mỗi ngày. Từ khi Mỹ rút hết quân khỏi Iraq vào cuối năm 2011, tình trạng người Iraq tự giết chóc lẫn nhau hầu như bị thả nổi, ngày càng leo thang đẫm máu hơn.
Cho dù Tổng thống Iraq hiện nay Jalal Talabani (cầm quyền từ năm 2005) cũng là một người thuộc phái Sunni, nhưng các nhóm nổi dậy nguy hiểm nhất lại thuộc phái Hồi giáo này. Các nhóm Sunni này, hầu hết có liên hệ với hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda, đã nhận trách nhiệm gây ra nhiều vụ đánh bom lớn. Gây chấn động gần đây nhất là một loạt vụ đánh bom lớn xảy ra ngày 21-11 ở phía bắc Baghdad. Từ đó tới nay, những vụ đánh bom khủng bố nhỏ đã xảy ra liên tục, chủ yếu nhằm vào các cộng đồng người Hồi giáo Shiite.
Giới quan sát quốc tế cũng nhận xét rằng làn sóng bạo lực khủng bố ở Iraq đang gia tăng phần nào còn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm nay ở nước Syria láng giềng – nơi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad do phái Shiite kiểm soát. Khác với Iraq, Syria có tới 60% số dân là người Hồi giáo phái Sunni lại do phái Shiite (chỉ chiếm 13% số dân) cầm quyền.
Từ thực trạng ở Iraq và Syria, người ta đang lo ngại cho tương lai của Afghanistan sau khi liên quân NATO rút khỏi vào cuối năm 2014. Ở đất nước Nam Á có tới hơn 99% số dân là người Hồi giáo này, phái Sunni chiếm tới 85%. Không chỉ có phong trào Hồi giáo Taliban khét tiếng cực đoan, mối hận thù giữa hai phái Hồi giáo, Afghanistan còn là nơi lộng hành của những tổ chức khủng bố Hồi giáo.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 22-12-2013)
Một vụ đánh bom bằng xe hơi tại thành phố Sadr ở Baghdad ngày 8-12-2013. (Ảnh: Reuters/Wissm al-Okili).
Xác một chiếc xe hơi mà bọn khủng bố dùng để đánh bom tại Baghdad ngày 8-12-2013. (Ảnh: Reuters/Ahmed Saad)
Vụ đánh bom bằng xe vào trụ sở tình báo cảnh sát tại thành phố Kirkuk (cách thủ đô Baghdad 250km về phía bắc) ngày 4-12-2013 đã giết chết 6 người và làm bị thương hàng chục người. (Ảnh: Reuters/Ako Rasheed).
Vụ đánh bom bằng xe vào trụ sở tình báo cảnh sát tại thành phố Kirkuk (cách thủ đô Baghdad 250km về phía bắc) ngày 4-12-2013 đã giết chết 6 người và làm bị thương hàng chục người. (Ảnh: Reuters/Ako Rasheed).
Hiện trường vụ đánh bom xe hơi gần một quán cà phê tại Buhriz (cách Baghdad 60km về hướng đông bắc) ngày 9-12-2013. Có 11 người chết và 23 người bị thương. (Ảnh: Reuters/Mohammed Adnan).
An ninh được thắt chặt khi diễn ra cuộc hành hương của người Hồi giáo Shiite tại quận Dora của thủ đô Baghdad ngày 19-12-2013. (Ảnh: AP/Khalid Mohammed).