Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Hà Thanh giờ thì là “Tiếng Xưa”

ca-si-hathanh-02

 

Bây giờ thì mới thật là “Đêm Tàn Bến Ngự” khi “Hải Ngoại Thương Ca” một “Cô Nữ Sinh Đồng Khánh” trong “Tà Áo Tím” đã “Dứt Đường Tơ” xuôi theo dòng “Suối Mơ” trở về “Bến Xuân” để chỉ còn lại một “Tiếng Xưa” nức nở nhưng thánh thót và thướt tha mà hễ cất lên là ru lòng người chìm vào cõi mộng tình diễm ảo nơi xứ sở Thần kinh. Nữ danh ca Hà Thanh – người từng được gọi là “Con chim oanh số 1 của xứ Huế” – đã ra đi lúc 7g27 đêm 1-1-2014 (giờ địa phương, tức sáng 2-1 giờ VN) tại thành phố Boston (tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ) sau thời gian bị ung thư máu.

csi_ha_thanh

Vậy là thêm một ca sĩ mà tôi yêu thích đã hoàn tất cái quy luật “sinh-lão-bệnh-tử” của một kiếp người “sinh ký tử quy” (sống gửi, thác về). Cả đời mình, tôi chưa hề suy tôn ai sống trên cõi đời này là thần tượng cả. Tôi chỉ có đem lòng mến mộ và yêu thích một số ít những người mà mình gọi là “hiền tài” (người hiền và người tài), người hiền có thể kém tài cũng được, nhưng hễ là người tài thì phải đi đôi với người hiền. Ca sĩ Hà Thanh là một trong số đó. Và tôi đã mở đầu những dòng tản mạn này bằng cách ghép tên một số bài hát từng gắn với tên tuổi của bà.

Vào năm 1970-1971, khi đó tôi đang học lớp đệ Thất, đệ Lục (lớp 6, lớp 7 bây giờ) tại trường Trung học công lập tỉnh Kiến Tường (một tỉnh lẻ biên giới ở vùng Đồng Tháp Mười, nay thuộc tỉnh Long An), vào dịp nghỉ hè, nhà trường có tổ chức biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy dạy Anh văn và Quốc văn đứng ra dàn dựng tiết mục múa trên nền bài hát Tiếng Xưa của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Tôi được chọn vào tốp múa tiết mục đó của lớp A3. Do phải học thuộc và nhập tâm bài hát Tiếng Xưa, tôi cũng đồng thời khắc sâu vào tâm khảm mình tiếng hát của ca sĩ Hà Thanh, người biểu diễn ca khúc đó. Từ đó, tôi bắt đầu tìm nghe những bài hát do bà trình bày. Cái cơ duyên của tôi với ca sĩ Hà Thanh là như vậy. Sau này, tôi cũng thường được nghe tiếng hát của bà qua những băng đĩa ca nhạc hải ngoại. Từ khi có Internet, tôi càng có thêm điều kiện để nghe bà hát. Chỉ tiếc rằng, sau 1975, ca sĩ Hà Thanh rất hiếm khi xuất hiện trở lại trên sàn diễn.

Sáng nay khi được tin ca sĩ Hà Thanh qua đời ở tuổi 75 giữa những ngày tuyết mùa đông phủ trắng thành phố miền Đông Hoa Kỳ mà tôi từng đặt chân đến hồi giữa năm 2013, tôi đã lần giở lại những trang đời của bà giữa tiếng hát của bà qua những ca khúc vang bóng một thời và thành bất hủ.

Ca sĩ Hà Thanh tên thật là Trần Thị Lục Hà chào đời năm 1939 tại Hương Trà (Huế), là con thứ tư trong một gia đình gia giáo có 10 anh chị em. Bà là người duy nhất trong gia đình theo nghiệp văn nghệ. Với một chất giọng thiên phú đưọc đánh giá là “trong sáng, êm ái, ngọt ngào, cao sang, mượt mà, bóng bẩy, tình tự quê hương”, bà đã hát trong chương trình Tiếng nói Học sinh Quốc Học – Đồng Khánh trên Đài Phát thanh Huế từ thời còn là học sinh trường Nữ Trung học Đồng Khánh.

Sự nghiệp ca nhạc của ca sĩ Hà Thanh bắt đầu từ năm 1955 (ngày ấy mới 16 tuổi) khi bà doạt giải nhất trong cuộc thi tuyển lựa ca sĩ do Đài Phát thanh Huế tổ chức. Dưới cái tên Hà Thanh (từ đó là nghệ danh của bà), bà đã dự thi với 6 bài hát thuộc loại rất khó hát là Dòng Sông Xanh (Le Beau Danube Bleu) của J.Strauss, lời Việt của Phạm Duy, Nhạc Buồn (Tristesse) của Chopin, lời Việt của Anh Ngọc, Đêm Tàn Bến Ngự và Áng Mây Chiều của Dương Thiệu Tước, Được Mùa của Phạm Đình Chương, Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Đoàn Chuẩn – Từ Linh, và được ban giám khảo cho tới 19/20 điểm. Năm 1963, trong chuyến vào thăm Sài Gòn, Hà Thanh đã được các trung tâm đĩa nhạc Continental, Tân Thanh, Sóng Nhạc, Asia, Việt Nam mời thu thanh nhiều nhạc phẩm chọn lọc. Và rồi từ năm 1965, ca sĩ Hà Thanh chính thức gia nhập làng ca nhạc Sài Gòn. Rất nhiều ca khúc mới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã được giới thiệu với người ái mộ cả hai qua tiếng hát bàng bạc chất Huế của một người con gái mang đậm nét Cố đô.

ca-si-hathanh-03

Qua Mỹ định cư đoàn tụ gia đình năm 1984, ca sĩ Hà Thanh ít xuất hiện trên sân khấu ca nhạc. Có lẽ do sống ở Bờ Đông cách xa trung tâm văn nghệ của người Việt hải ngoại ở Bờ Tây và phần chính là gánh nặng cơm áo gạo tiền phải sớm hôm “cày sâu cuốc bẫm” nơi đất khách quê người, con chim oanh hay con chim họa mi của khoảng trời âm nhạc ngày xưa đã lặng lẽ trôi theo dòng đời. Người mến mộ chủ yếu còn nghe được tiếng hát của Hà Thanh qua những đĩa CD mà bà thu khi có dịp sang thăm Nam California. Những năm sau này, trải qua bao biến cố hồng trần, ca sĩ Hà Thanh đã tìm tới cõi thiền làm chỗ dựa tâm hồn. Bà đã hát nhiều bài thiền ca. Bà sống cuộc đời trầm lặng, mộ đạo Phật và rất hiếu thảo với mẹ già tuổi đã cửu tuần. Nghe nói những năm cuối đời, bà tu tại gia và chuyên hát nhạc Phật giáo (thuở nhỏ bà đã được quy y với Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết). Ca sĩ Hà Thanh đã phát hành CD Ngát Hương Đàm gồm 12 ca khúc mang màu sắc Phật giáo, ngợi ca đức tin, lòng yêu thương, huyền nhiệm cao cả giữa đạo và đời. Sau đó có thêm CD Nhành Dương Cứu Khổ cũng thuộc dòng nhạc đạo.

ca-si-hathanh-05

Chuyện đời riêng của ca sĩ Hà Thanh chìm trong “Khúc Ca Tình Sầu” giữa những cơn “Mưa Buồn” và “Sương Lạnh Chiều Đông”. Dường như hai bài hát “Mấy Dặm Sơn Khê” và “Chinh Phụ Ca” đã vận vào số phận của hồng nhan đa truân này. Mãi tới năm 1970, vừa bước sang tuổi “tam thập nhi lập”, Hà Thanh mới lập gia đình. Sau năm 1975, người trung tá binh chủng Thiết giáp này đã phải đi cải tạo lâu tới 13 năm trời. Năm 1990, khi Hà Thanh đã 54 tuổi, hai vợ chồng mới được đoàn tụ bên nhau sau 15 năm chia xa và cách trở cả một đại dương. Đáng tiếc là họ không có được một “happy-end” khi phải chia tay nhau chỉ sau 2 năm sum họp, cho dù lúc tuổi đã ngấp nghé lục tuần. Hai người chỉ có một người con gái là Kim Huyền, nghe đâu cũng nối nghiệp cầm ca của mẹ.

Những người yêu Huế và thích nghe giọng ca Huế khó lòng mà quên được ca sĩ Hà Thanh. Theo tài liệu của tác giả Trần Kiêm Đoàn, ông thầy dạy nhạc ở trường Hàm Nghi Huế là nhạc sĩ Văn Giảng (cũng ký tên là Thông Đạt, tác giả Ai Về Sông Tương…) đã nhận xét: Hà Thanh là một ca sĩ tiêu biểu của Huế. Bà có một giọng hát thanh tao, quý phái với mức thể hiện cường độ và trường độ âm thanh vừa vặn, diễn cảm tuyệt vời. Đặc biệt là những luyến láy mềm mại rất có hồn và gợi cảm trong tiếng ca. Luyến láy mà không làm điệu tới mức uốn lượn quanh co thành ra làm dáng trình diễn là nét độc đáo nhất trong tiếng ca Hà Thanh.

ca-si-hathanh-04

Tạm biệt ca sĩ Hà Thanh. Bây giờ chỉ còn lại tôi với Tiếng Xưa “…man mác khói hương bay dịu dàng / như tóc mây vương / dáng liễu mơ màng / cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương / ai đó tri âm biết cùng…”  

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 3-1-2014)

+ ẢNH: Ca sĩ Hà Thanh. (Ảnh tư liệu từ Internet. Thanks)