Đi bộ, ngắm đủ thứ đẹp và exercise trên Đường Hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Ngọ 2014
Rút kinh nghiệm những năm trước, sáng sớm 29 Tết Giáp Ngọ (29-1-2014), tôi lò dò có mặt tại Đường Hoa Nguyễn Huệ mới khai mạc tối qua vào lúc chưa 7 giờ 40 sáng. Tưởng đi sớm ít người, dè đâu cái “good idea” của mình cũng bị quá chừng người khác “vi phạm bản quyền”. Vậy là phải chen lấn nhau mà đi, ngắm đầu người là chính.
Đây là một trong những điểm đến văn hóa truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán ở Saigon. Toàn bộ trục đường Nguyễn Huệ từ vòng xoay góc Lê Lợi tới đường Tôn Đức Thắng trên bến Bạch Đằng bên sông Saigon dài chừng 900m được chuyển thành phố đi bộ từ ngày 28-1 đến 3-2 (tức 28 Tết tới mùng 4 Tết) để mở Đường Hoa. Riêng trong hai ngày khai mạc (28 Tết) và bế mạc (mùng 4 Tết), làn ôtô và xe gắn máy trên đường Lê Lợi từ góc Pasteur tới Đồng Khởi bị tạm dừng lưu thông từ 17g tới 22g. Còn vào các ngày khác và giờ khác, khách có thể đi xe taxi, xe hơi hay xe gắn máy tới tận cổng chính (chỗ Thương xá Tax ở góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ) và cổng phụ (cuối đường Nguyễn Huệ giáp bến Bạch Đằng). Công ty công ích Thanh niên xung phong có mở những bãi giữ xe chung quanh, nhưng đi bộ khá là xa. Nếu ai may mắn gởi xe được trong bãi của Thương xá Tax thì gần hơn. Giá gởi xe chính thức là 4.000 đồng (xe dưới 175cc), 5.000 đồng (xe trên 175cc và xe tay ga), và 2.000 đồng (xe đạp và xe đạp điện) – sau 21g, giá có cao hơn một vài ngàn.
Khác với năm ngoái Quý Tị với con rắn cầm tinh khó bề mà vẽ vời, năm nay Giáp Ngọ với hình ảnh con ngựa thỏa sức cho các nhà thiết kế sáng tạo. Chẳng biết Đường Hoa và Hội Hoa Xuân Tao Đàn có chung nhà thiết kế không mà hình ảnh con ngựa được gắn với chiếc đồng hồ? Phải chăng lấy ý tứ từ “thời gian như bóng câu qua cửa sổ” để nhắc nhở mọi người chớ có câu giờ mà lãng phí thời gian, hãy đồng cảm với nhà thơ Xuân Diệu mà í ới gọi nhau “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ”?
Nhìn chung là Đường Hoa năm nay thưa thớt hoa cảnh bày biện hơn mọi năm và không có những cảnh vật hoành tráng bằng. Hy vọng rằng nó không phải là bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế vẫn còn bê bết, mà do nhà thiết kế không muốn nhồi nhét hoa cảnh tới tức mắt người xem như mọi năm. Đa phần vẫn là những mô-típ cũ “đến hẹn lại lên”.
Đoạn cuối ở xa nhất là khu tái dựng cảnh đồng quê với những đám ruộng lúa trỗ bông, cầu khỉ bắc qua ao sen,nhà tranh với giàn bầu hồ lô,… Có một cái chõng bày biện những thứ để gói bánh tét.
Năm nay vẫn tiếp tục có khu trưng bày các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật bằng rau củ hạt của các khách sạn ở Saigon. Đây là một cuộc trưng bày phối hợp với Hội Giao lưu Văn hóa Nhật – Việt. Phần trưng bày của các bạn Nhật Bản là một hình tháp và bức tranh ghép bằng hoa với chủ đề “Tokyo hiện đại”. Riêng phần của các khách sạn, nếu như năm ngoái là các mâm ngũ quả, năm nay là các tác phẩm nghệ thuật: tranh và mô hình được xếp bằng những loại rau, củ, quả, hạt rất đẹp và độc đáo.
Năm nay không thấy gian hàng thắt các con vật bằng lá dừa của những nghệ nhân miệt Củ Chi, Hóc Môn. Trong khi đó loại hình nặn đồ chơi, con giống bằng bột màu tò he của bà con xứ Bắc lại nở nồi tới 3-4 điểm. Ông đồ viết liễn, câu đối thư pháp vẫn có một gian, nhưng nhỏ hơn năm ngoái. Điểm bày bán các mặt hàng thổ cẩm của người dân tộc Tây nguyên năm nay không có những khung dệt thổ cẩm với những phụ nữ ngồi dệt cho mọi người thưởng lãm. Điều đáng mừng (hay hơi bị buồn) là trong khi mọi thứ khác đều lên giá trong một năm qua, giá viết thư pháp, nặn tò he vẫn giữ nguyên như năm rồi. Một bức thư pháp 150.000 đồng, 1 viên sỏi có viết thư pháp giá 20.000 đồng, tò he có 2 loại 15.000 đồng và 20.000 đồng.
Tôi gặp khá nhiều khách nước ngoài, trong đó có những con dâu, con rể Tây về quê chồng, quê vợ ăn Tết. Ai cũng lộ rõ vẻ thú vị trên gương mặt. Nhưng một anh bạn Mỹ có vợ Việt bồng nhóc con trai than “terrible” (khủng khiếp) rồi bập bẹ tiếng Việt “nóng quá”. Tôi bữa nay cũng học đòi mần “giai đẹp” mặc áo sơmi dài tay đóng thùng chỉn chu nên tới 11g là mồ hôi mẹ rủ rê mồ hôi con đầm đìa. Ngặt một cái là tôi quên thủ theo chiếc nón nên nắng chói chang cứ xỉa xói vào cái mỏ ác bây giờ đã bị “sa mạc hóa” của tôi.
Phải công nhận rằng bà con người Việt mình, từ trẻ măng tới già háp khá là điệu đàng, chưa Tết mà đã ăn diện thiệt đẹp và nhiều màu sắc để tới Đường Hoa chụp ảnh. Tôi gặp một nhóm hơn 10 bạn trẻ nam nữ hùn tiền nhau thuê áo dài khăn đống từ dịch vụ áo cưới để mặc đi chụp ảnh. Có một lady tuổi tứ tuần mặc áo dài đã thuê nguyên một nhóm chụp ảnh chuyên nghiệp đi chụp cho mình. Gây chú ý là một nhóm 4-5 bạn trẻ nữ mặc đồ hóa trang thành nàng Bạch Tuyết và những nhân vật cổ tích. Có một nàng chơi nguyên một chiếc áo dài dạ hội với cái đuôi áo dài lượt thượt mà nàng phải khổ sở luôn dùng tay túm đuôi áo kéo lên khi di chuyển. Xúc động nhất vẫn là cảnh những người ngồi trên xe lăn do người thân đẩy đi ngoạn cảnh, ngắm hoa.
Sau 4 tiếng đồng hồ quần tới đảo lui trên Đường Hoa Nguyễn Huệ trọn buổi sáng 29 Tết Giáp Ngọ, phải nói rằng tôi quá đã: no nê mắt với vô vàn người đẹp và rất nhiều cảnh vật đẹp, hoa xinh tươi. Hai cái cẳng muốn rã rời, nhưng cái vòng 2 hình như có cảm giác slim được chút đỉnh. Bởi vậy tôi xin quảng cáo không công rằng: Đường Hoa Nguyễn Huệ là nơi để bạn ngắm hoa xinh, cảnh đẹp giữa vô vàn người đẹp tươi rực sắc màu; cũng là chỗ để bạn có cơ hội exercise sau một năm hễ ra khỏi cửa là phóc lên yên xe. Người Saigon mà!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 29 Tết Giáp Ngọ, 29-1-2014)