Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Game di động gây chấn động Flappy Bird có thể bị tác giả kết liễu?

140209-flappy-bird-02

 

Con chim “khó chịu” của game di động Flappy Bird sau một thời gian gây chấn động trong cộng đồng di động có khả năng “hạ cánh” sớm. Ngày 9-2-2014, trên mạng Twitter, tác giả Nguyễn Hà Đông, một chàng trai Việt 29 tuổi sống tại Hà Nội, loan báo mình sẽ gỡ bỏ game Flappy Bird ra khỏi App Store, kho phần mềm và ứng dụng của thiết bị iOS, mặc dù game này vẫn đang được xếp số 1.

Hà Đông cho biết quyết định gỡ bỏ Flappy Bird này không phải vì lý do pháp lý (có liên quan tới bản quyền đồ họa) mà chủ yếu do anh không còn muốn phổ biến nó nữa. Anh cũng nói thêm là mình sẽ tiếp tục làm các game mới, nhưng sẽ không còn quan tâm tới tương lai của Flappy Bird, cũng như sẽ không bán ứng dụng này cho nhà phát triển khác.

Tác giả đã lặp đi lặp lại trên Twitter rằng báo chí đã “đề cao quá mức sự thành công” của các game mà anh làm ra, và việc bỗng dưng nổi tiếng và được chú ý như vậy là điều anh không hề muốn. “Hãy cho tôi sự bình an,” – Hà Đông năn nỉ.

Một ngày trước khi loan báo việc gỡ bỏ Flappy Bird khỏi App Store “trong vòng 22 giờ nữa” (kể từ lúc 2g sáng 9-2-2014), Hà Đông đã cập nhật game này với việc gỡ bỏ tất cả các tính năng chia sẻ trên các dịch vụ xã hội của nó.

Theo trang The Verge, mặc dù là ứng dụng miễn phí, game Flappy Bird đã mang về cho tác giả khoảng 50.000 USD mỗi ngày từ nguồn thu quảng cáo kèm theo game. Flappy Bird đã đứng đầu bảng download miễn phí ở cả hai dịch vụ App Store (cho thiết bị iOS) và Google Play (thiết bị Android).

Game Flappy Bird đã được đưa lên App Store từ tháng 5-2013 và tới tháng 11-2013 thì bắt đầu gây “nóng”. Chỉ nội ở thiết bị Android đã có hơn 10 triệu lượt tải nó về.

Trong những ngày qua, sau khi Flappy Bird trở thành “sự kiện hot” trong cộng đồng di động, được giới truyền thông cả thế giới quan tâm, bên cạnh những thông tin về lợi nhuận khổng lồ mà tác giả có thể thu được, người ta bắt đầu nói tới những nguy cơ Hà Đông bị kiện tụng vì bản quyền đồ họa mà anh sử dụng cho game này lấy từ những nhà phát triển khác, đặc biệt là hãng Nintendo với game Mario. Rồi còn cả chuyện có thể bị truy thu thuế từ khoản tiền thu được.

Bất luận thế nào, game Flappy Bird của một nhà phát triển phần mềm Việt trẻ tuổi cũng đã gây được tiếng vang trên toàn cầu và được hơn chục triệu người tải về chơi. Sự việc này đem lại nhiều bài học cho cộng đồng, đặc biệt là giới phát triển phần mềm, ứng dụng di động. Rõ ràng là sự nổi tiếng của Flappy Bird nằm ngoài sự hình dung của chính tác giả. Hà Đông tâm sự: “Công việc của chúng tôi chịu ảnh hưởng nặng bởi các game có đồ họa dựa theo điểm ảnh (pixellated game) cũ trong thời hoàng kim của thể loại này. Mọi thứ đều trong trẻo, rõ ràng và cực kỳ khó nhưng vô cùng vui để chơi.” Anh chủ yếu vẫn phát triển những game đơn giản chỉ mất vài phút để chơi trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, nhưng với yêu cầu là phải “vừa khó vừa vui.” Và với suy nghĩ đơn giản như vậy, Hà Đông thoải mái “mượn” lại một số đồ họa từ nhửng game nổi tiếng trước đây. Như trong Flappy Bird là chiếc ống nước màu xanh lá của trò chơi Super Mario Bros. Các nhà bình luận về công nghệ game nhấn mạnh rằng sự thành công của game Flappy Bird đã cho giới phát triển ứng dụng di động hiểu hơn về nhu cầu và ý thích của người dùng thế hệ mới.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-2-2014)

140209-flappy-bird-down-twitter

Những chia sẻ của Hà Đông trên Twitter.