Những chiếc ruybăng màu vàng tràn ngập xứ Hàn
Chiều hôm qua mở kênh truyền hình Arirang của Hàn Quốc, tôi thấy xuất hiện một cửa số pop-up nhỏ ở góc trên màn hình thông báo rằng chiến dịch “chiếc nơ vàng” (yellow ribbons) đang lan rộng khắp cả xứ Hàn.
Những chiếc ruybăng vàng đó chuyên chở biết bao tâm trạng, tâm tình và cảm xúc của những người Hàn đang sống gửi gắm tới đấng Tối cao và tới 302 nạn nhân chết và mất tích trong thảm kịch chìm phà biển Sewol sáng 16-4-2014 trên biển Hoàng Hải.
Từ mấy ngày nay, ngày càng có thêm nhiều chiếc ruybăng vàng giăng mắc khắp nơi, từ thành phố Jindo – nơi gần chỗ chiếc phà gặp nạn và nơi hàng trăm thân nhân nạn nhân đang chờ tin (giờ là tin dữ rồi) của người thân đang nằm trong lòng phà dưới đáy biển, giăng tới thủ đô Seoul rồi nhiều địa phương khác. Những chiếc ruybăng vàng được cột trên những cành cây, những lancan, hàng rào, hay bất cứ chỗ nào có thể cột được. Những chiếc hàng rào ở cầu cảng trên đảo Jindo giờ hực lên sắc vàng của vô số những chiếc ruybăng.
Những người cột ruybăng vàng gửi gắm vào đó tình cảm của mình, như lời vĩnh biệt với những người đã chết và niềm hy vọng những người mất tích có thể trở về an toàn. Trên những chiếc ruybăng vải đó là những dòng chữ mang tên nạn nhân hay lời nhắn gửi của người còn sống.
Không chỉ có ruybăng vàng mà còn là những mảnh giấy note cũng màu vàng với chúc năng tương tự.
Ban đầu nhiều người nghĩ rằng những chiếc ruybăng vàng đó là một truyền thống của người Triều Tiên. Nhưng nhật báo Hàn Quốc Korea Herald (23-4-2014) cho biết: cuộc vận động thắt ruybăng vàng này được truyền cảm hứng từ phong trào của những gia đình người Mỹ có người thân đi lính đang đóng trên các chiến trường hải ngoại như Afghanistan (từ 2001) và Iraq (từ 2003 tới hết năm 2011). Họ đã cột những dải ruybăng vàng quanh những thân cây chung quanh nhà với niềm tin sẽ giúp cho người thân của mình trở về nhà an toàn.
Những người Hàn Quốc tham gia cuộc vận động thắt ruybăng vàng trên Internet là để thể hiện niềm hy vọng rằng vẫn còn có một số nạn nhân sống sót. Họ muốn gửi tới thân nhân các nạn nhân đang chờ tin người thân một sự chia sẻ, cảm thông, an ủi và thậm chí ủng hộ niềm hy vọng có người còn sống của các gia đình bất hạnh kia.
Ngày càng có thêm nhiều người dùng Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác thay đổi ảnh profile và ảnh đại diện của mình bằng hình ảnh chiếc ruybăng vàng.
Hình ảnh chung là một chiếc nơ màu đen được vẽ thật đơn giản bằng 2 nét bút trên một nền màu vàng có dòng thông điệp bằng chữ Hàn bên dưới: “Một phong trào nhỏ, những phép mầu lớn”.
Chiến dịch “ruybăng vàng” đã càng sôi nổi hơn khi nhiều ngôi sao show-biz của Hàn Quốc tham gia, như Jo Kwon, một thành viên của nhóm nhạc nam K-pop 2AM, người mẫu Hye Park,…
Cuộc vận động “ruybăng vàng” này do câu lạc bộ học sinh địa phương ALT khởi xướng trên Internet từ ngày 19-4, tức 3 ngày sau khi phà Sewol gặp nạn. Các bạn trẻ muốn thông qua đó ủng hộ tinh thần cho các gia đình của những nạn nhân đang mất tích và đưa ra một thông điệp hy vọng cho công chúng Hàn Quốc rằng có thể vẫn còn có hành khách còn sống trên phà.
Câu lạc bộ học sinh này cũng tập hợp khoảng 50 người để ngày 20-4 đi gắn những dải ruybăng vàng tại nhiều nơi ở thủ đô Seoul, trong đó có Tòa Thị sảnh và Ga Sinchon.
Trong khi đó, câu chuyện về cậu học sinh tên Choi làm xúc động lòng người. Khoảng 3 phút sau khi phà bị nghiêng, cậu đã là người đầu tiên trên phà gọi điện thoại cấp báo tới số cấp cứu 119. Do đây là số của sở cứu hỏa, 2 phút sau cuộc gọi cấp cứu của cậu được chuyển tới lực lượng tuần duyên. Sau đó có thêm khoảng 20 cuộc gọi cầu cứu khác từ các học sinh trên phà gọi tới số 119.
Mãi tới ngày 23-4, đúng một tuần sau thảm kịch, người ta mới tìm được thi thể của Choi ở phía sau tầng 4 của phà. Cậu không có mặc áo phao cứu sinh. Do Choi không có được áo phao hay không kịp mặc?
Cha của Choi kể rằng, do dành thời gian cho việc gọi điện cấp cứu, con trai của ông không kịp gọi điện lần cuối cho cha hay mẹ mình. “Tôi rất tự hào về nó”, người cha đau khổ nói như vậy.
Chua chát thay khi bọn nhỏ đã làm được những việc mà nhiều người lớn trong thảm kịch này phải đập đầu vào tường nếu như họ còn có chút lương tâm và lòng tự trọng.
Nhiều phụ huynh của những học sinh chìm trong con phà tin tưởng rằng con em mình vẫn còn có thể sống sót suốt mấy ngày sau đó trong những góc cạnh nào đó trên phà để rồi phải chịu chết oan ức khi không được cứu kịp thời. Họ nghĩ rằng trên phà có những chỗ có thể giữ được không khí một thời gian sau khi chìm.
Ngày 24-4, khoảng 20 người thân của các nạn nhân đã nổi trận lôi đình xông vào văn phòng làm việc của Choi Sang-Hwan, Phó Giám đốc Lực lượng Tuần duyên Hàn Quốc, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc cứu hộ phà Sewol. Họ đã lôi ông này ra ngoài, xé áo và trút những cú đánh đấm vào mặt và cổ ông ta. Họ cáo buộc ông ta đã dối trá, thổi phồng những nỗ lực cứu hộ của lực lượng này. Những người thân này nói rằng khi được một chiếc tàu chở ra tận hiện trường ngay trước đó trong ngày 24-4, họ phát hiện mọi việc không đúng như những lời ông Choi nói với công chúng. Họ nói rằng mình đã nhìn thấy sự chậm chạp trong cứu hộ và thiếu các nguồn lực cần thiết.
Khi được một chiếc tàu nhỏ chở ra nơi phà chìm, một người mẹ hét lên: “Hãy cho tôi nhảy xuống. Con tôi đang nằm trong làn nước lạnh giá đó.”
Một người mẹ đã ân hận tột cùng khi thuyết phục con gái mình tham gia chuyến dã ngoại của trường cho dù cô bé không muốn đi. Bà nói mình sẽ tự sát sau khi tìm được thi thể và an táng con.
Hãng tin Anh Reuters cuối buổi chiều 26-4-2014 cho biết tổng số thi thể tìm được cho tới hôm nay là 187 người. Còn 115 nạn nhân khác vẫn chưa tìm thấy. Trong tổng số 476 người trên chiếc phà định mệnh Sewol chạy từ cảng Incheon gần thủ đô Seoul đi tới đảo du lịch Jeju ngày hôm đó chỉ có 174 người được cứu sống. Trong tổng số 325 học sinh 16-17 tuổi thuộc năm thứ 2 của trường trung học Danwon tại thành phố Ansan, ngay phía nam thủ đô Seoul đi dã ngoại, chỉ có 75 em sống sót trở lại trường. Trong số 14 thầy cô đi cùng các học sinh, chỉ có 3 người sống sót. Và trong số 29 người thuộc đội phà, có 22 người sống sót, trong đó có thuyền trưởng và các thuyền phó, nhờ nhanh chân bỏ phà, bỏ hành khách ở lại mà nhảy lên chiếc thuyền cứu sinh duy nhất được thả ra trong tổng số hơn 40 chiếc có trên phà.
Ngày 25-4, thợ lặn đã tìm được một trong những phòng ngủ tập thể – nơi nghẹt cứng thi thể nạn nhân. Khi phà bắt đầu nghiêng, 48 nữ sinh đã nghe lệnh của đội phà mặc áo phao và ở nguyên trong phòng. Có lẽ do quá sợ hãi mà 48 em đã nhét vào trong một căn phòng chỉ dành cho 30 người. Và không một nữ sinh nào sống sót.
Cũng trong ngày 25-4, lực lượng cứu hộ thừa nhận đã có một số trường hợp giao nhầm thi thể cho gia đình. Để khắc phục, họ tiến hành kiểm tra mã di truyền ADN và dấu vân tay để nhận dạng chính xác hơn.
Công việc tìm thi thể các nạn nhân đang gặp khó khăn vì thời tiết ở khu vực đảo Jindo đang trở nên xấu hơn. Ngày 26-4, trời mưa lớn, sóng cao và hải lưu chảy mạnh. Nhiều thân nhân đã nổi giận khi nghe tin công việc tìm kiếm có thể phải tạm dừng lại.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 26-4-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks