Trở lại Taipei giữa ngày Tết Mùng Năm
Hì hụi hì hục cả đêm mần được 5 phát… bài cho 5 tờ báo “cưng”, vừa gửi đi, ngó đồng hồ đã gần tới giờ ta bà. Chỉ kịp nấu nước sôi chế vô tô mì ăn liền, tranh thủ trong lúc chờ nó nở, mình nhào vô gột rửa hồng trần, thỉnh xong là tống mọi thứ nhớ được vô valy kéo ra sân bay.
Mấy bạn đời “cưng ơi là cưng” bên Intel Việt Nam rủ rê tôi đi qua Taipei dự triển lãm máy tính và thiết bị công nghệ COMPUTEX 2014. Hỗng nhớ nổi đã dự sự kiện này bao nhiêu lần, mặc dù mấy năm gần đây nó không còn đông vui và hấp dẫn như xưa, nhưng lần nào tôi cũng thiệt là háo hức. Dân viết về công nghệ mà bỏ qua những sự kiện chủ chốt như thế này thì thiệt là uổng ơi là uổng. Nói gì thì nói cũng phải cảm ơn các bạn Intel đã chắp cánh cho tôi đủ sức vượt Biển Đông bay qua đây.
COMPUTEX 2014 diễn ra từ 3 tới 7-6-2014 tại hai địa điểm truyền thống là Trung tâm Triển lãm Quốc tế Taipei (TICC) – nơi chủ yếu diễn ra các hội thảo, trình diễn công nghệ, và Nhà Triển lãm Nangang – nơi trưng bày sản phẩm.
COMPUTEX 2014 là triển lãm công nghệ thông tin lớn thứ 2 thế giới (sau CeBIT ở Đức) và lớn nhất châu Á. Đài Loan đã ví mình là “Sân khấu toàn cầu cho công nghệ thông tin – truyền thông” (The Global Stage for ICT) và COMPUTEX có slogan “Định hình tương lai” (Shaping the Future). Qua hơn chục lần ngao du COMPUTEX, có nhiều lần miệt mài từ ngày khai mạc tới bế mạc đuổi mới về, tôi vẫn phải trầm trồ và tự hỏi vì sao người ta lại có đầu óc sáng tạo siêu tới như vậy. Có những lúc tôi bần thần trước những công nghệ, sản phẩm được chiềng làng ở đây.
Có một chi tiết ngoài luồng nữa, có lẽ không có một triển lãm công nghệ nào trên hành tinh có mặt nhiều người mẫu, PG “hấp dẫn” và có style muốn làm “chết người” như ở COMPUTEX.
Sau đúng 3 tiếng đồng hồ cỡi trên con chim sắt Airbus A340-300 của hãng China Airlines (Đài Loan à nghen), tôi đã có mặt tại Taipei. Lần này xứ sở của văn sĩ Quỳnh Dao không đón tôi bằng những cơn mưa buồn như tiểu thuyết lãng mạn xứ Đài nữa, cho dù lát sau trời vần vũ mây đen. Có lần, tôi chịu trận mưa dai đúng 3 ngày 3 đêm mới dứt. Lần đó, chung khách sạn có một đoàn du khách Việt, họ nhăn trời như bọng vì mưa phải ở trong nhà. Có qua Đài Loan mới biết tại sao những cơn mưa làm ướt đẫm những trang viết của những tác giả xứ này tới như vậy. Trong một khung cảnh cũ kỹ, buồn sẵn, giờ lại giăng giăng mưa rơi, thỉnh thoảng có những cô gái che dù đội mưa lướt qua, buồn nẫu ruột chớ hỗng giỡn chơi đâu. Mà phụ nữ Đài Loan che dù siêu đẳng luôn. Họ không mặc áo mưa, mà che dù, che rất khéo nên dù mưa trong gió, họ vẫn không bị ướt. Người ta chịu đựng cái gì riết cũng quen đi, huống chỉ người Đài Loan mở mắt chào đời đã phải chịu mưa dầm.
Taipei vẫn đón tôi bằng cái vẻ cũ kỹ “người muôn năm trước” của nó. Đài Loan từng là một trong 4 con rồng (hay Tứ Hổ) kinh tế châu Á (cùng Singapore, Hàn Quốc và Hong Kong) và là một trong những cái bệ đỡ của công nghệ toàn cầu. Nhưng cái giàu của Đài Loan không lòe loẹt, phô trương như ở bên Đại lục. Nhiều cao ốc mới xây cũng có màu sắc cổ kính, cũ kỹ, có lẽ để cho phù hợp với môi trường chung quanh. Hiện đại đan xen với cổ kính, cũ kỹ (nhưng không lạc hậu đâu nghen). Còn chuyện có dơ hay không thì bạn cứ vô Chợ Lớn tới những xóm người Hoa ở rồi hình dung Đài Loan cũng kẻ tám lạng, người nửa cân như vậy. Tối nay trong bữa Welcome Dinner của Intel, một cô bạn làm ở Intel Đài Loan khoe với tôi rằng cô đã có một lần sang TP.HCM rồi cô nhận xét: “thành phố thiệt là sạch”. Nên nhớ đó là lời khen của một người Hoa Đài Loan à nghen.
Từ sân bay quốc tế Taoyuan (Đào Viên) đi xe Intel đón về tới khách sạn gần 5 giờ chiều, nhìn thấy thông báo hôm nay COMPUTEX đã cho các nhà báo đăng ký và nhận thẻ tác nghiệp, dòm thấy lịch làm việc của Intel ngồn ngộn từ sáng mai, tôi vừa quẳng hành lý vào phòng xong là ba chân bốn cẳng tới trạm xe điện MRT Zhongshan Junior High School cách khách sạn The Sherwood Taipei chừng 500 mét để đi ra Trung tâm Triển lãm Nangang cách đó 12 trạm. Giá cước 30 Tân Đài tệ (22.000 VND, bữa nay tỷ giá 1 TWD ăn 745 VND).
Các sảnh triển lãm ngổn ngang những gian hàng đang hoàn tất khâu chuẩn bị cho sáng mai khai mạc. Theo ban tổ chức, năm nay có 1.710 đơn vị triển lãm sử dụng tổng cộng 5.069 gian hàng nằm trong 4 sảnh. Có hơn 130.000 khách từ hơn 130 nước đã đăng ký tham dự.
Làm thủ tục nhận thẻ tác nghiệp xong, bận về, tôi tính có thể tiết kiệm được 30 TWD vì thẻ COMPUTEX cho báo chí năm nào cũng có giá trị đi xe MRT miễn phí trên tất cả các tuyến trong mấy ngày triển lãm. Nhưng khi quẹt vào cổng thì nó ré inh ỏi, không chịu mở ra cho tôi qua. Vậy là câu thần chú “Vừng ơi hãy mở ra” bị sai password. Thì ra, phải bắt đầu từ ngày mai, khi COMPUTEX chính thức khai trương, hệ thống Metro mới chấp nhận thẻ này.
Hồi trước, khi thị trường công nghệ còn xôm tụ, cánh báo chí khi nhận thẻ tác nghiệp, còn được ban tổ chức tặng giỏ xách, tặng quà, có cả những coupon khuyến mãi. Mấy năm sau này thì khó khăn kinh tế làm cho người ta phải giảm bớt những thể hiện tấm lòng với nhau bằng vật chất. Tới lần này, mỗi nhà báo chỉ nhận được một chiếc thẻ nhựa. Và bản thân cái miếng badge đeo thẻ cũng teo tóp lại chỉ còn vừa vặn chiếc thẻ nhỏ bằng cỡ chiếc thẻ ATM.
Hôm nay, tôi trở lại Taipei ngay ngày Tết Mùng 5 (tháng 5 âm lịch), mà người Hoa gọi là Tết Đoan Ngọ. Một cột mốc đánh dấu nửa năm đã trôi qua. Nhiều tiệm bên đường treo lủng lẳng những chùm bánh ú nước tro đặc trưng của Tết này.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Taipei 2-6-2014)