Nhà ga Đà Lạt
Theo lịch mần việc thì sáng 24-6-2014, đoàn nhà báo dự Press Tour “Hành trình 930” do Microsoft/Nokia Việt Nam tổ chức sau khi nạp “nhiên liệu” sáng xong sẽ được xe bus chở từ khu resort Ana Mandara Dalat ra nhà ga Đà Lạt. Mọi người sẽ đi chuyến xe lửa Đà Lạt – Trại Mát để tham quan.
Tôi và anh bạn room-mate Nguyễn Đô (tạp chí Thế giới Vi tính) do bận upload “bộ phim bắt ma” lên dịch vụ lưu trữ cloud One Drive của Microsoft nên bị trễ. Vậy là 2 anh em bèn tót lên xe taxi tới nhà ga Đà Lạt chờ các bạn quay về. Tiền xe chỉ có 64.000 đồng. Không chịu theo đoàn mà ngoan cố ở lại lỡ đêm qua “bắt ma” giờ bị “ma bắt” sao? Lỡ xui xẻo không gặp được “ma nữ đa tình” thì lại thêm tiếc hùi hụi!
Khi chúng tôi tới nhà ga, đồng hồ chỉ 8g40; mãi tới 10g, tàu mới từ Trại Mát quay lại nhà ga. Hai anh em tha hồ mà giết thời gian bằng cách lang thang nghiêng ngó nhà ga cổ đã được nhà nước công nhận là di tích kiến trúc quốc gia hồi năm 2001.
Dĩ nhiên đây chớ hề phải là lần đầu tiên một dân làm báo có máu giang hồ lãng tử như tôi tới nhà ga Đà Lạt. Xưa nay, du khách nào lần đầu tới Đà Lạt mà không đi đến địa điểm này thì ra về vẫn thấy thiếu thiếu cái gì đó. Nói chung là “phí của Giời” cho một lần cất công lên xứ sở Ngàn Thông.
Nhà ga Đà Lat đã được người Pháp xây dựng từ năm 1932 tới năm 1938. Đây là ga đầu mối trên tuyến đường sắt Đà Lạt – Phan Rang dài 84km.
Tất nhiên nhà ga mang đậm dấu ấn kiến trúc của Pháp, nhưng có kết hợp với bản sắc địa phương. Chẳng hạn như 3 cái mái hình chóp được cho là cách điệu 3 đỉnh núi Langbiang hay nhà rông Tây Nguyên.
Nhà ga vẫn hoạt động cho tới năm 1972 mới đóng cửa khi tuyến đường sắt Đà Lạt – Phan Rang bị tạm ngưng chạy tàu do chiến tranh vào hồi ác liệt.
Hiện nay, nhà ga này chỉ phục vụ một tuyến đường sắt duy nhất Đà Lạt – Trại Mát dài 7km đưa khách tham quan thị trấn Trại Mát và chùa Linh Phước (còn gọi là chùa Ve Chai). Giá vé khứ hồi 124.000 đồng (hạng nhất) và 85.000 đồng (hạng 2). Mỗi ngày có 5 chuyến khứ hồi từ 7g45 (từ ga Đà Lạt) tới 17g35 (từ Trại Mát), thời gian chạy tàu 25 phút.
Nhà ga Đà Lạt vẫn còn lưu giữ được những di tích, đường nét xưa. Mặt trước nhà ga còn cái thùng thư được đắp nổi chữ Lettres (thư – tiếng Pháp). Phía trên quầy vé có chữ đắp nổi “Cáo thị giờ tàu” (thông báo giờ tàu chạy). Trên sân ga còn 2 đầu tàu xưa.
Tất nhiên tới nhà ga Đà Lạt ngày nay, du khách có thể trải nghiệm được cảm giác ngồi trên toa tàu chạy trên một cung đường sắt. Họ có thể nghe được tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray sắt và trạng thái cơ thể dập dềnh trôi theo nhịp bánh xe lăn. Họ có thể nhìn ngắm cảnh vật hai bên đường chầm chập trôi qua khung cửa sổ của xe lửa. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó, bởi đơn giản đây chỉ là một đoàn tàu phục vụ du khách. Không hề có cảnh sân ga tấp nập, cảnh vui mừng đón người về, cảnh đau buồn tiễn người đi – mà đó mới chính là những thứ làm nên cái hồn của một nhà ga. Thôi thì đành tưởng tượng thêm vậy.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Đà Lạt 24-6-2014)
Xin mời xem video clip: