Làng Đất Sét Đà Lạt
Chiều 24-6-2014, trên đường ra sân bay Liên Khương để chia tay với “thành phố mộng mơ” Đà Lạt trở về “đô thị phồn hoa” Saigon, đoàn nhà báo chúng tôi được Microsoft Devices Việt Nam đưa tới một khu văn hóa mới tạo tác, gọi là Làng Đầt Sét nằm trong khu vực hồ Tuyền Lâm. Xa xôi hẻo lánh, đường ngoằn ngoèo heo hút, cách sân bay khoảng 20km. Có một cây cầu sắt thời Pháp mà xe phải dừng lại cho người xuống kiểm tra trọng tải mới dám chạy qua.
Làng Đất Sét là công trình tim óc của anh Trịnh Bá Dũng, một người đàn ông tuổi tứ tuần có nickname là “gã ngông Đà Lạt”. Nó được nghĩ ra vào năm 2007 sau khi anh Dũng từ Saigon lên Đà Lạt lập nghiệp và khởi công vào năm 2010. Có tin nói rằng tổng kinh phí lên tới 200 tỷ đồng.
Trung tâm của Làng Đất Sét là con đường hầm điêu khắc tái tạo lại lịch sử hình thành của thành phố Đà Lạt. Anh Dũng cho biết họ đã đào và di dời tới 50.000 mét khối đất để tạo con đường hầm dài 1,2km, rộng 2 tới 10 mét, sâu 1 tới 9 mét. Đường hầm này được khởi công vào năm 2013. Dọc theo đường hầm là những tác phẩm điêu khắc chủ yếu bằng chính chất liệu đất đỏ bazan dựng lại Đà Lạt từ thuở ban sơ tới khi phát triển thành một đô thị hiện đại. Bằng ngôn ngữ tạo hình và những thủ pháp sáng tạo độc đáo, cả phần hồn (những truyền thuyết, đặc trưng văn hóa bộ tộc,…) lẫn phần xác (những công trình kiến trúc, những vật dụng sinh hoạt,…) đã nối tiếp nhau, chen chúc nhau hiện ra như để kể cho khách tham quan những câu chuyện về Đà Lạt. Có một sự thể hiện trái ngược gây ấn tượng. Trong khi những vật dụng sinh hoạt, những sinh vật được phóng lớn với kích thước khổng lồ, những công trình kiến trúc cổ lại được thu nhỏ lại. Bạn có thể nhìn thấy mô hình của trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, ga xe lửa Đà Lạt, những nhà thờ, chùa chiền, biệt thự cổ,…
Một trong những công trình mà “gã ngông” Trịnh Bá Dũng tâm đắc nhất là căn nhà bằng đất sét có tấm bản đồ Việt Nam kích thước 2,75m x 11m với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đắp nổi trên mái nhà. Anh cho biết mình đã phải mày mò suốt 4 năm mới tìm ra công thức làm cứng đất bazan bằng cách pha trộn thêm một số chất phụ gia. Bên trong ngôi nhà, các vật dụng trang trí nội thất cũng đều được làm bằng đất đỏ bazan như giường ngủ, bàn ghế, lò sưởi, nhà tắm,… Nhà rộng 90 mét vuông. Điều đáng nói là ngôi nhà đất sét này được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày như một ngôi nhà bình thường, chớ hỗng phải chỉ “làm kiểng”.
Căn nhà đất sét và đường hầm điêu khắc của Trịnh Bá Dũng đã giành được giải thưởng Kiến trúc Xanh năm 2014 của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Khu văn hóa độc đáo này đã hoàn tất giai đoạn 1 – Đà Lạt từ ban sơ tới năm 1975 và đã mở cửa cho khách tham quan. Giá vé: 50.000 đồng (người lớn) và 30.000 đồng (trẻ em cao dưới 1,2 mét).
Vậy là thành phố du lịch Đà Lạt đã có thêm một điểm đến mới không chỉ cho du khách phương xa mà cho cả những người Đà Lạt muốn làm một chuyến du hành ngược thời gian tìm về lịch sử vùng đất này. Chỉ có một vài giờ ở đó nên tôi cũng đành phải cỡi ngựa xem hoa. Tôi mừng vì tác giả của Làng Đất Sét không để cho bị sa đà vào những di tích chiến tranh để đem súng đạn, chết chóc vào ngôi làng Việt độc đáo – nơi bình minh chim hót. Chuyện đau lòng đó hãy để cho nơi khác thể hiện cho có nơi có chỗ. Tôi chỉ dám mong rằng “gã ngông” Trịnh Bá Dũng đừng bao giờ đánh mất cái chất ngông như thế này. Đừng bao giờ chạy theo những ảo vọng hào quang và đừng bao giờ phủ hơi hướm kim tiền lên đứa con “cầu tự” của mình. Làng Đất Sét cũng đừng sa vào vết chân của những khu văn hóa – du lịch tạo tác tương tự quá tham mà nhồi nhét đến ngộp thở những hiện vật do mình tạo ra.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Đà Lạt 24-6-2014)
Đường hầm điêu khắc.
Nhà vệ sinh nam.
Tac1 giả bên tượng bác sĩ Pháp Alexandre Yersin, người có công khai phá Đà Lạt.
Nhà tắm trong ngôi nhà Đất Sét.
Bộ bàn ghế lấy cảm hứng từ ché rượu cần.
VIDEO CLIP: