Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Nhật Bản và Đông Nam Á xích lại gần nhau trước hiểm họa chung từ Bắc Kinh

japan-navy-ships

 

Dù chỉ diễn ra trong một ngày ngắn ngủi, nhưng chuyến thăm của Tổng thống Philippines, Benigno Aquino tới Tokyo ngày 24-6-2014 đã thắt chặt hơn nữa mối quan hệ liên minh giữa Nhật Bản và nước láng giềng này. Và nhìn rộng ra, cuộc họp giữa Tổng thống Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một sự khẳng định nữa sự xích lại gần nhau hơn giữa Nhật Bản và nhiều nước ở Đông Nam Á trước hiểm họa chung tới từ Bắc Kinh.

Từ lâu nay, sự hiện diện của Nhật Bản ở Đông Nam Á chủ yếu là về kinh tế và thương mại. Nhật Bản đầu tư, cung cấp công cụ và hàng hóa, là thị trường cho hàng hóa và nơi làm việc cho lao động của các nước này.

Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho biết: vốn đầu tư của các công ty Nhật Bản vào Đông Nam Á trong năm 2013 tăng gần gấp 3 lần số vốn đầu tư ở Trung Quốc. Cụ thể, các công ty Nhật Bản trong năm 2013 đã đầu tư 2.330 tỷ yen (22,8 tỷ USD) vào Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam, so với 887 tỷ yen ở Trung Quốc. Hãng tin Anh Reuters hồi tháng 4-2014 giải thích răng nguyên nhân chính là do mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh trở nên xấu hơn từ năm 2012 và công lao động ở Trung Quốc tăng lên.

Đây là một xu thế chuyển dòng đầu tư của Nhật Bản. Ngay trong năm 2012, các công ty Nhật Bản đã tăng gấp đôi vốn đầu tư ở Đông Nam Á và giảm 18% ở Trung Quốc. Trong một cuộc thăm dò các công ty Nhật Bản do JETRO thực hiện, số vốn đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giảm xuống dưới 55%. Chủ tịch JETRO Hiroyuki Ishige nói với các nhà báo rằng: các ông chủ ở Nhật Bản nhìn thấy nền kinh tế và chính trị của Trung Quân đầy dẫy những nguy hiểm.

Ngoài lợi thế là thị trường lớn nhất hành tinh, với số dân đông hơn 1,3 tỷ người, Trung Quốc giờ đây đã giảm lợi thế cạnh tranh về kinh tế ở nhiều lĩnh vực quan trọng. Ưu thế về giá nhân công rẻ không còn nữa. Tiền lương bình quân ở Trung Quốc đã vượt qua Thái Lan. Giá nhân công ở Philippines và Indonesia chỉ bằng 1 phần 3 của Trung Quốc. Giá nhân công ở Việt Nam bằng phân nửa Trung Quốc.

Những bất ổn chính trị trong nội bộ Trung Quốc và cách hành xử kiểu “bành trướng, nước lớn” của Bắc Kinh đối với các nưóc láng giềng, đặc biệt là dùng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ và thái độ bất chấp luật pháp quốc tế, đã làm Trung Quốc trở nên xấu đi và nguy hiểm hơn trong mắt cộng đồng quốc tế. Từ đó, các sản phẩm nước ngoài gia công ở Trung Quốc bị giảm sức cạnh tranh, thậm chí có khi bị người tiêu dùng tẩy chay, khi mang cái nhãn “sản xuất tại Trung Quốc”. 

Việc Nhật Bản tăng cường hợp tác quân sự với những nước Đông Nam Á vì thế còn được nhìn dưới góc độ Tokyo muốn bảo vệ tốt hơn các thị trường và hoạt động làm ăn của các công ty mình ở khu vực này. Tháng 12-2013, Nhật Bản đã cung cấp cho lực lượng Tuần cảnh Philippines 10 chiếc tàu tuần tra và loan báo sự trợ giúp tương tự cho Việt Nam. Hồi thượng tuần tháng 6-2014 tàu chở xe tăng đổ bộ JS Kunisaki (LST 4003) của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (Japan Maritime Self-Defense Force) chở hàng trăm quân nhân ba nước Nhật Bản, Mỹ và Úc tới Việt Nam thăm viếng giữa lúc Biển Đông đang nổi sóng với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam. Sự kiện này cũng được coi là một dấu chỉ cho vai trò quân sự của Nhật Bản đang gia tăng trong khu vực.

140606-N-QW372-023

Tàu chở xe tăng đổ bộ JS Kunisaki (LST 4003) của Lực lượng Phòng vệ Biển (hải quân) Nhật Bản chở hàng trăm quân nhân Nhật Bản, Mỹ và Úc tới thăm Đà Nẵng ngày 6-6-2014.

140606-japan-JS Kunisaki 4003 at Danang-02

Tàu chở xe tăng đổ bộ JS Kunisaki (LST 4003) của Lực lượng Phòng vệ Biển (hải quân) Nhật Bản chở hàng trăm quân nhân Nhật Bản, Mỹ và Úc tới thăm Đà Nẵng ngày 6-6-2014.

 

Các chuyên gia nhận định rằng Tokyo đang muốn sắp xếp lại sự cân bằng quyền lực ở khu vực Biển Đông của Đông Nam Á giữa lúc Bắc Kinh đang thực hiện mưu đồ thống trị khu vực này. Biển Đông rộng 1,4 triệu dặm vuông vốn là một vùng biển nhạy cảm với vị trí địa chính trị của mình. Nó là tuyến hàng hải tấp nập thứ hai trên thế giới (sau Eo biển Malacca). Có tới 50% chuyến tàu chở dầu của thế giới đi qua Biển Đông (nhiều gấp 3 lần so với Kênh đào Suez và gấp 5 lần qua Kênh đào Panama). Hơn một nửa trong 10 cảng biển lớn nhất thế giới nằm trong và chung quanh Biển Đông. Theo Ngân hàng Thế giới, Biển Đông có trữ lượng mỏ dầu khí lớn với ít nhất 7 tỷ thùng dầu và 900.000 tỷ feet khối khí tự nhiên. Biển Đông cũng là nơi sinh sống của 1 phần 3 tổng số sinh vật biển trên thế giới.

Trong cuộc họp ngày 24-6 tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Philippines, Aquino cùng nhấn mạnh tới việc các nưóc phải sử dụng “các điều luật của luật pháp” để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Về phần Nhật Bản, với tư cách một trong những cường quốc kinh tế, Thủ tướng Abe cam kết: “Nhật Bản sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ để hòa bình có thể được duy trì” ở khu vực đang bị Bắc Kinh áp đặt quyền thống lĩnh này.

japan-navy-ships

Lực lượng Phòng vệ Biển (hải quân) Nhật Bản ngày càng tăng cường vai trò trợ giúp và bảo vệ các nước đối tác ở khu vực Đông Nam Á.

Nhật Bản xưa nay vốn là một đồng minh chiến lược của Mỹ trong khu vực. Mỹ cũng đã xoay trục, chuyển trọng tâm đối ngoại của mình từ Trung Đông sang châu Á – Thái Bình Dương, nơi họ không chỉ có nhiều quyền lợi mà còn có nhiều nước đồng minh và đối tác quan trọng. Mỹ thì ở xa, Nhật Bản thì ở gần. Hai cường quốc này đang kết hợp với nhau trở thành một đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông và Đông Nam Á, không để cho Bắc Kinh có thể muốn làm gì thì làm, o ép các nước láng giềng là đối tác hay bạn bè của cả Mỹ lẫn Nhật Bản.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 26-6-2014)

+ Có thể đọc bản rút gọn in trên báo CA.TPHCM ngày 26-6-2014.

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.