Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Chuyến bay AH 5017 của Air Algerie rơi ở miền bắc Mali

140724-ah5017-algeria-crashed-03

 

Cho tới 8g sáng 25-7-2014, thông tin trên các trang tin thời sự của các cơ quan truyền thông quốc tế lớn xác nhận chuyến bay AH 5017 của hãng hàng không Ari Algerie (Algeria) bị mất tích từ sáng 24-7 trên đường bay từ Ouagadougou (Burkina Faso) ở miền tây châu Phi tới thủ đô Algiers (Algeria) đã rơi ở miền bắc Mali.

Hãng tin Mỹ AP dẫn lời Tướng Gilbert Diendere, phụ tá thân cận của Tổng thống Burkina Faso, Blaise Compaore, và đứng đầu ủy ban khủng hoảng vừa được thành lập để điều tra về chuyến bay này, cho biết xác chiếc máy bay McDonnell Douglas MD-83 do hãng Air Algerie thuê của hãng hàng không tư nhân Tây Ban Nha Swiftair đã được tìm thấy ở vùng Gossi (miền bắc Mali). Ông này nói: “Chúng tôi đã phái người theo thỏa thuận với chính phủ Mali tới hiện trường và họ đã tìm thấy xác chiếc máy bay với sự giúp đỡ của các dân cư trong vùng. Họ đã tìm thấy những thi thể và xác chiếc máy bay bị cháy hoàn toàn và vỡ nát.”

Hãng tin Anh Reuters (25-7-2014) cho biết: hai chiến đấu cơ Mirage của Pháp và nhiều trực thăng của Liên Hiệp Quốc đã quần đảo suốt nhiều giờ ở khu vực héo lánh của miền bắc Mali để tìm kiếm dấu vết chuyến bay. Đài truyền hình quốc gia Mali đưa tin xác máy bay đã được phát hiện ở giữa thị trấn Gossi của Mali và biên giới Burkina Faso. Tướng Diendere cho biết lực lượng tìm kiếm của Burkina Faso đã tìm được xác máy bay gần làng Boulikessi, cách biên giới 50km. “Đáng buồn là họ không nhìn thấy một ai sống sót.”

Thị trấn Gossi nằm cách thành phố Gao của Mali gần 200km. Vùng sa mạc mênh mông và núi non hiểm trở ở đây là nơi hoạt động của quân ly khai bộ tộc Tuareg và các phần tử cực đoan Hồi giáo chống chính phủ Mali. Cả hai lực lượng này đều thù ghét Pháp do nước này hồi năm ngoái đã đưa quân vào can thiệp bảo vệ chính phủ Mali. Khu vực máy bay rơi là vùng sa mạc xa xôi, khó tiếp cận.

Theo hãng tin truyền hình Mỹ NBC, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết: “Tất cả mọi nỗ lực sẽ được dùng để tìm chiếc máy bay này. Tôi đã huy động tất cả lực lượng quân sự của Pháp trong khu vực này.” Pháp hiện có 1.600 quân đóng ở Mali trong khuôn khổ Chiến dịch Operation Serval từ năm ngoái. Trong bản thông cáo sau một cuộc họp khẩn cấp tại Paris với các quan chức cao cấp, Tổng thống Pháp nói rằng: “Mọi điều cho phép chúng ta tin rằng chiếc máy bay này đã rơi ở Mali.” Ông cũng cho biết đội bay đã thay đổi đường bay vì thời tiết khó khăn.

Báo Mỹ USA Today lúc gần 7g sáng 25-7 (giờ VN) cho biết trang web của sân bay Ouagadougou – nơi chuyến bay AH 5017 xuất phát – báo tin quân đội Pháp đã “dò tìm” được xác chiếc máy bay này. Tuy nhiên tin này chưa được phía Pháp xác nhận.

Nhiều nguồn cho rằng nguyên nhân máy bay lâm nạn là do bão.

Chiếc máy bay lâm nạn là 1 trong 4 chiếc MD-83 của hãng Swiftair. Hãng Air Algerie đã “thuê ướt” (wet lease basic) chiếc máy bay này, có nghĩa là thuê cả máy bay lẫn đội bay của Tây Ban Nha. Chiếc MD-83 này đã 18 năm tuổi. Nó từng bị mất lực ở động cơ bên trái trong một chuyến bay hồi tháng 6-2004. Sáu tháng sau, động cơ bên trái lại hỏng trong khi đang lên tới độ cao 15.000 feet (4.572 mét). Patrick Gandil, người đứng đầu cơ quan hàng không dân sự Pháp, cho biết chiếc MD-83 này đã được kiểm tra kỹ thuật tại Marseille (Pháp) trước đó 2 hay 3 ngày và được xác nhận trong tình trạng tốt. Nó đã bay được hơn 37.800 giờ và thực hiện hơn 32.100 lần cất cánh, hạ cánh.

140724-ah5017-algeria-crashed-02

Hãng hàng không tư nhân Tây Ban Nha Swiftair cho biết, chuyến bay AH 5017 cất cánh lúc 1g17ph giờ quốc tế GMT (8g17ph sáng giờ VN) ngày 24-7 và dự định hạ cánh lúc 5g40ph GMT (12g40ph VN) cùng ngày, sau hơn 4 giờ bay qua các không phận Burkina Faso, Mali và Algeria. Nhà chức trách hàng không khu vực cho biết họ đã mất liên lạc với chuyến bay này vào khoảng 1g55ph GMT (8g55ph VN).

Kara Terki, một đại diện hãng Air Algerie tại Burkina Faso, nói trong một cuộc họp báo ngày 24-7 rằng tất cả hành khách trên chuyến bay đều là hành khách quá cảnh (transit), hoặc đi châu Âu, hoặc Trung Đông hay Canada. Theo danh sách đã được cập nhật sáng 25-7, có 51 người Pháp, 27 người Burkina Faso, 8 người Lebanon, 6 người Algeria, 5 người Canada, 4 người Đức, 2 người Luxembourg, 1 người Bỉ, 1 người Thụy Sĩ, 1 người Nigeria, 1 người Cameroon, 1 người Ai Cập, 1 người Ukraine và 1 người Mali. Nghiệp đoàn phi công Tây Ban Nha SEPLA cho biết: toàn bộ đội bay 6 người là người Tây Ban Nha. Như vậy có 116 người trên chuyến bay AH 5017.

140724-ah5017-algeria-crashed-01

Chị chồng của nữ hành khách Randa Daher, người Lebanon, cho thấy trên smartphone ảnh em dâu mình chụp cùng con tại nhà ở làng Srifa (Lebanon) ngày 24-7-2014. Randa đang cùng 3 con trở về Beirut mừng lễ hội Hồi giáo Eid El-Fitr cùng gia đình.

Ban đầu có tin từ sân bay nói rằng trong danh sách hành khách có bà Mariela Castro, con gái của Chủ tịch Cuba Raul Castro. Những thông tin mới đây cho biết phóng viên hãng tin Mỹ AP ở Cuba nói rằng bà vẫn đang dự một cuộc họp tại Havana (Cuba).

Ông William J. McGee, một chuyên gia hàng không và cựu quan chức Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), nói rằng: Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một tuần nào như thế này.” Ông là tác giả cuốn sách: “Tất cả hành khách lưu ý: Sự thật về ngành công nghiệp hàng không” (Attention All Passengers: The Truth About the Airline Industry). Kể từ thứ Năm 17-7-2014 tới thứ Năm 24-7-2014, trên thế giới xảy ra 3 vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng. Chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị tên lửa bắn rơi chiều 17-7 trên không phận miền đông Ukraine chỉ 4 giờ sau khi rời Amsterdam (Hà Lan) bay về Kuala Lumpur (Malaysia), giết chết toàn bộ 298 người trên máy bay. Tối 23-7, chuyến bay GE 222 của hãng hàng không Đài Loan TransAsia Airways của Đài Loan rơi trên đảo Penghu vì bão làm 48 người chết. Và sáng 24-7 là số phận của chuyến bay AH 5017 của hãng hàng không Algeria Air Algerie với 116 người trên máy bay. Có 3 châu lục: Âu, Á và Phi vừa xảy ra thảm kịch máy bay.

Tính từ đầu năm 2014 tới nay, trên thế giới có 7 vụ tai nạn máy bay thương mại, trong đó có 4 vụ nghiêm trọng (ngoài 3 vụ xảy ra trong tuần qua, có thêm vụ chuyến bay MH370 cũng của hãng Malaysia Airlines với 239 người bị mất tích bí hiểm sáng 8-3 mà tới nay chưa tìm được vết tích). Nhưng hàng không vẫn được coi là phương tiện giao thông an toàn hơn cả. Không tính những vụ khủng bố, bình quân trong 10 năm qua, số người thiệt mạng trong các chuyến bay thương mại chỉ có 2 người trên mỗi 100 triệu hành khách. Mỗi năm ở Mỹ có hơn 30.000 người chết vì tai nạn xe cộ, có tỷ lệ tử vong cao gấp 8 lần máy bay.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 25-7-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.