Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Liệu một cuộc chiến quốc tế mới có tái diễn ở Iraq?

apache-helicopper-fight-0isis-01

Trực thăng chiến đấu Apache của Mỹ lần đầu tiên tấn công quân ISIS ở Iraq.

 

Mỹ bây giờ đã tung thêm vào chiến dịch quân sự tiêu diệt lực lượng thánh chiến “Nhà nước Hồi giáo” IS loại trực thăng chiến đấu hiện đại Apache AH-64 với giá 64 triệu USD một chiếc. Đây là lần đầu tiên loại trực thăng này tham chiến kể từ khi chúng được đưa tới Baghdad hồi đầu tháng 7-2014, trong đợt Mỹ bổ sung thêm khoảng 700 lính tới Iraq để tăng cường an ninh cho cơ quan ngoại giao Mỹ và sân bay Baghdad.

Hôm 4-10-2014, những chiếc trực thăng Apache này đã tham gia 4 cuộc không kích của Mỹ vào những mục tiêu của IS ở thành phố Fallujah. Phía Mỹ cho biết các cuộc tấn công này được phối hợp với quân đội Iraq để yểm trợ cho các hoạt động của họ. Kết quả là chúng đã tiêu diệt 2 khẩu đội pháo, một đơn vị lớn và hai đơn vị nhỏ của IS.

Loại trực thăng này vốn được dùng để yểm trợ bộ binh dưới đất, nhưng cũng có khả năng bắn tên lửa Hellfire từ xa nhiều dặm. Nhưng chúng có thể bị nguy hiểm với súng cá nhân và tên lửa cầm tay. Trong cuộc chiến ở Iraq trước đây, nhiều chiếc Apache đã bị bắn rơi.

Trong khi đó, quân đội Iraq chỉ có những chiếc trực thăng chiến đấu của Nga. Hồi tháng 1-2014, Mỹ cho biết sẵn sàng bán cho Iraq 24 chiếc Apache trị giá 4,8 tỷ USD, nhưng cho tới nay Iraq vẫn êm ru, báo hại Mỹ phải tự bỏ của ra.

Trước đó, ngày 22-9-2014, chiến đấu cơ mới nhất của Lầu Năm góc là F-22 Raptor đã oanh kích các mục tiêu của IS ngay tại hang ổ của chúng ở bên trong lãnh thổ Syria. Đây là lần đầu tiên loại máy bay F-22 tham gia chiến đấu sau gần 9 năm được chuyển giao cho Không lực Mỹ. Trị giá mỗi chiếc tới 150 triệu USD và quân đội Mỹ chỉ có 183 chiếc.

Người ta nói “lấy thịt đè người”, đó là trong tình huống quân số áp đảo đối phương. Còn bây giờ Mỹ “lấy vũ khí thay con người”, dùng sức mạnh quân sự đế áp đảo quân IS. Dù sao người Mỹ chấp nhận “của đi thay người”, thà tốn tiền nhưng đỡ hao nhân mạng. Hơn nữa, cuộc diễu võ giương oai này còn là một cơ hội để trình diễn với khách hàng năm châu khả năng của các loại vũ khí Mỹ. Nó làm hài lòng các nhà tài phiệt kinh doanh vũ khí, một thế lực đằng sau chính trường Mỹ. Vấn đề là liệu Mỹ có “dùng dao mổ trâu để giết ruồi” lãng phí “chơi sang kiểu Mỹ” hay không lại là chuyện khác.

Ngay từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 7-8-2014 tuyên bố Mỹ bắt đầu tấn công quân IS ở Iraq, người ta đã lo ngại rằng hành động này chỉ có thể gây tổn thất, đặc biệt là về vật lực, cho IS nhưng không thể trừ diệt của hiểm họa này. Thực tế cho thấy bất chấp những cuộc không kích của Mỹ và liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, quân IS vẫn còn mạnh mẽ. Trong những tuần gần đây, chúng mở nhiều cuộc tấn công ở tỉnh Anbar ngay sát thành phố Baghdad. Những chiến thắng của chúng ở chung quanh Baghdad đang đe dọa thủ đô của Iraq. Và cuối tháng 9-2014, quân IS có lúc chỉ cách cửa ngõ Baghdad chừng 1 dặm.

Ngày 7-10-2014, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết quân IS sắp chiếm được thị trấn Kobani của Syria nằm sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này sẽ đe dọa trực tiếp nước này, đặt quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong tình trạng báo động. Ngày 6-10, từ thị trấn biên giới Suruc của Thổ Nhĩ Kỳ, người ta có thể nhìn thấy lá cờ đen của quân IS cắm trên đỉnh ngọn đồi ngoại vi thị trấn Kobani. Xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ đã dàn hàng ngang sẵn sàng ngăn chặn quân IS nếu chúng cả gan vượt qua biên giới.

141006-turky-forces-isis-flag-kobani-town

Từ thị trấn biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ nhìn thấy cờ đen của quân ISIS cắm trên ngọn đồi ở bên lãnh thổ của Syria.

141006-turky-forces-suruc-town

Ngày 6-10-2014, xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ dàn hàng ngang ở thị trấn biên giới Suruc. Bên kia biên giới là thị trần Kobani của Syria đang có nguy cơ bị quân ISIS đánh chiếm.

 

141006-turky-forces-suruc-town-2

Ngày 6-10-2014, xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ dàn hàng ngang ở thị trấn biên giới Suruc. Bên kia biên giới là thị trần Kobani của Syria đang có nguy cơ bị quân ISIS đánh chiếm.

Theo Lầu Năm góc, tính tới ngày 3-10, Mỹ đã thực hiện 334 cuộc không kích chống quân IS, gồm 240 cuộc ở Iraq và 86 cuộc ở Syria.

Hãng tin truyền hình Mỹ CBS News (5-10-2014) cho biết: một số nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đang gây áp lực để Washington đưa lính Mỹ trực tiếp tham chiến chống IS. Cho tới nay, Tổng thống Obama vẫn nhất quyết không sử dụng bộ binh tham chiến. Còn theo báo Anh The Independent (5-10-2014), Tướng David Richards, cựu Tư lệnh lực lượng quốc phòng Anh, nhận định rằng việc chỉ dùng không quân sẽ không đủ sức tiệu diệt IS. Vì thế, Anh sẽ xem xét việc đưa quân đội tới Iraq trực tiếp chiến đấu với IS.

Trong một diễn biến quan trọng khác, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2-10 với 298 phiếu thuận và 98 phiếu chống đã chính thức cho phép quân đội nước này tham chiến chống IS ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia và cho phép quân đội nước ngoài dùng Thổ Nhĩ Kỳ làm căn cứ trong cuộc chiến chống IS. Lệnh này có hiệu lực ngay từ ngày 4-10-2014. Lâu nay, dù là một nước NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đứng ngoài cuộc chiến chống IS vì nhiều nguyên nhân sâu xa. Chắc chắn sự tham chiến của Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng của Iraq, Syria và Iran, sẽ khiến cho cuộc chiến quốc tế chống IS bước vào một giai đoạn mới, quyết liệt hơn và lớn hơn.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 7-10-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM ngày 7-10-2014