Người máy ra đồng làm ruộng
Có một chuyện ngược đời là trong khi hầu hết các ngành nghề khác không thể chen chân tìm được một chỗ làm thì ngành nông nghiệp lại đỏ mắt mà tìm người lao động. Bởi vậy, ngay từ năm 2011, hai chàng trai Mỹ Jorge Heraud và Lee Redden đã nảy ra ý tưởng dùng người máy để ra đồng làm ruộng thay người. Và nó đã trở thành dự án của họ trong chương trình lấy bằng thạc sĩ MBA của Đại học Stanford.
Theo Đài Truyền hình Mỹ CNN (22-10-2014), sản phẩm của bộ đôi này là LettuceBot (người máy trồng rau diếp) – một nông cụ thông minh gắn vào sau một chiếc máy kéo. Dùng những chiếc camera và các thuật toán, cỗ máy này đo kích cỡ cây trồng và màu sắc để ra quyết định nhanh như chớp cần để lại những cây rau diếp nào chưa tới lúc thu hoạch. Chỉ trong 2 năm từ 2012 tới 2014, công ty khởi nghiệp Blue River Technology của họ đã huy động được nguồn vốn 13 triệu USD để đưa chàng nông dân người máy đầu tiên này ra thị trường.
Hai bạn trẻ Mỹ này không bị lẻ loi hay bị coi là lập dị. Lĩnh vực mới “ag tech” (công nghệ nông nghiệp) đang tăng trưởng nhanh chóng. Theo nghiên cứu mới nhất của Quỹ Kauffman, trong thời gian từ năm 2006 tới 2012, bình quân mỗi năm có thêm 132 công ty “ag tech” mới ra đời và vào năm 2010, tổng vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này đã lên tới 10 tỷ USD.
Trong khi đó, năm 2011, hai người bạn trẻ Matija Kopic và Marko Dukmenic đã đưa ra Farmeron, một nền tảng phần mềm dựa theo điện toán đám mây cung cấp dữ liệu thời gian thực về những gì có liên quan tới nông nghiệp. Họ đã gây vốn được 4 triệu USD để khởi nghiệp. Và hiện nay có hơn 100 nông dân Mỹ đang sử dụng phần mềm Farmeron và đã giúp gia tăng sản lượng và hiệu suất lên tới 50%. Tại một số vùng nông thôn, có những nông dân lần đầu tiên trong đời đã có khả năng sử dụng công nghệ cao cho công việc làm ruộng gia truyền của mình.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 23-10-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
+ Có trên báo Tuổi Trẻ Online (http://tuoitre.vn)