Bảo mật Touch ID của Apple không được luật pháp bảo vệ
Công nghệ bảo mật khóa iPhone bằng chức năng Touch ID đang gây tranh cãi trong giới bảo vệ pháp luật Mỹ. Theo Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp Hoa Kỳ, công dân được bảo vệ để không lâm vào tình trạng tự mình buộc tội mình bằng cách được quyền từ chối tiết lộ mật khẩu mở máy điện thoại của mình cho cảnh sát, nếu không có lệnh của tòa. Rắc rối phát sinh từ sau khi Apple đưa ra công nghệ bảo mật sinh trắc học bằng dấu vân tay Touch ID và một số hãng điện thoại khác cũng bắt đầu trang bị tính năng bảo mật nhân trắc học cho smartphone của mình. Hóa ra, công nghệ hiện đại này có thể giúp bảo vệ tốt hơn cho người dùng trước những kẻ xấu hay khi bị mất điện thoại, nhưng lại khiến họ trở nên dễ tổn thương đối với nhân viên công lực.
Báo Huffington Post (31-10-2014) cho biết: Thẩm phán Steven Frucci của Tòa án Lưu động Virginia Beach (bang Virginia) ngày 30-10 đã phán quyết rằng: cảnh sát không được quyền buộc người dân cung cấp mật khẩu smartphone của mình, nhưng có thể bắt người dân phải chạm ngón tay lên thiết bị Apple Touch ID để mở khóa nó. Theo quan tòa, dấu vân tay là một đối tượng thể chất nên cảnh sát được phép buộc người dân phải cung cấp cho họ.
Công nghệ bảo mật Touch ID hiện nay đang có trên các thiết bị iPhone 5s, iPhone 6, iPhone 6 Plus, iPad Air 2, và iPad Mini 3.
Tuy nhiên, người dùng điện thoại thì thích, còn nhân viên công lực lại rầu nếu như chủ thiết bị di động “double cẩn trọng” nên ứng dụng kết hợp cả 2 chế độ bảo mật bằng Touch ID và mật khẩu. Trong trường hợp này, nhân viên công lực sẽ không thể mở được thiết bị của đối tượng.
Trong khi đó gần đây hãng Apple đang bị FBI phản đối về chuyện hãng này mở rộng việc mã hóa dữ liệu trên thiết bị càng làm cho nhân viên điều tra gặp nhiều khó khăn hơn khi cần tiếp cận thông tin lưu giữ trên các thiết bị của các đối tượng tình nghi.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 2-11-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
+ Có trên báo Tuổi Trẻ Online (http://tuoitre.vn)