Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Món quà vô giá bất ngờ từ thầy cô

150215-thkt-kieunga-catdang-73_resize

 

Sáng Chủ nhật 15-2-2015, chẳng biết bước chân phải hay trái ra khỏi cửa trước, tôi đã được thầy cô Nguyễn Văn Hòa và Nguyễn Thị Ngọc Thủy dành cho một một bất ngờ không hề nhẹ. Đó là tình thầy cũ trò xưa như rượu nho được ủ hơn 40 năm tuổi càng lâu, càng thơm ngon và thêm say.

Sẵn dịp vợ chồng cô em gái của cô Ngọc Thủy, cũng là đồng môn Trung học Công lập Kiến Tường (THKT) với tôi, là Nguyễn Thị Kiều Nga và Olav Larsen từ Na Uy về ăn Tết có mời một số thầy trò THKT tới “ăn sáng nhớ nhau”, thầy cô đã khuân vác từ Thủ Đức xuống quận 10 một món quà cây nhà lá vườn mừng “thôi nôi” sớm lần thứ XX của gã học trò xưa.

150215-phphuoc-quasinhnhat-congocthuy-02_resize

Đó là một bức tranh thêu chữ thập chữ Phước (chữ Hán) kèm thêm hai chữ “toàn gia” (cũng bằng chữ Hán luôn) do chính tay cô Ngọc Thủy thực hiện. Lâu nay, cô vẫn thêu tranh để trưng bày trong nhà và tặng bạn bè, học trò.

Bức tranh khổ lớn được thầy cô đóng khung lộng kính chỉn chu và sang trọng. Nặng chớ hỗng giỡn chơi đâu. Nghĩ mà thương thầy cô hơn.

Hồi xửa hồi xưa, các thầy cô mà tôi từng học, từng biết chẳng có nhận quà cáp “trên mức tình cảm” của phụ huynh, học trò đâu. Họ chỉ nhận những món quà cây nhà lá vườn như nải chuối, con cá, đòn bánh,… như tình cảm giữa những người trong nhà. Và bánh sáp đi, bánh quy lại cho toại lòng nhau, thầy cô cũng tặng lại những món quà nghĩa tình. Đặc biệt là trong những dịp lễ tết, có những thầy cô nấu chè, làm bánh rủ học trò tới cùng ăn. Thầy cô vẫn thường tặng quà cho những học sinh cưng của mình.

Trước năm 1975, nơi tôi sống là tỉnh Kiến Tường, một tỉnh nhỏ, tỉnh lẻ thuộc vùng Đồng Tháp Mười giáp biên giới Cambodia. (Sau 1975, tỉnh sáp nhập với hai tỉnh Tân An và Hậu Nghĩa thành tỉnh Long An; còn mình trở thành huyện Mộc Hóa mãi tới năm 2013 mới được “trả lại tên cho em” là Kiến Tường). Hồi đó, cách đây hơn 40 năm, Kiến Tường là một trong những chiến trường khốc liệt ở miền Tây Nam phần, tỉnh lỵ thường xuyên hứng chịu những quả đạn pháo kích khiến nhà nào cũng phải đào hầm trú ẩn (gọi là tăng-xê hay trảng-xê), có khi căng tới mức phải giăng mùng ngủ luôn trong đó. Mỗi năm có một mùa nước lụt nhận chìm tất cả trong biển nước, có năm ngay chợ tỉnh nước dâng đã sâu tới ngang ngực người lớn. Ra vào giữa tỉnh Kiến Tường với phần còn lại của đất nước là 2 con đường độc đạo nối với Cai Lậy (Định Tường, nay là Tiền Giang). Đường thủy là con Kinh 12 có những trái thủy lôi ẩn mình dưới mặt nước. Đường bộ là Tỉnh lộ 29 với những quả mìn vùi chôn bên dưới mặt đường chờ xe qua lại.

Vì thế, các thầy cô từ Saigon hay những nơi khác đổi về Kiến Tường giống như ra chiến trường. Phải can đảm dữ lắm mới chấp nhận và trụ được. Hầu hết thầy cô vừa mới ra trường hay đang những năm đầu đại học, họ còn rất trẻ, chỉ hơn đám học trò tỉnh lẻ học muộn ít tuổi. Tình thầy trò bởi vậy còn được nêm nếm thêm tình bạn bè đồng trang lứa (thiện tai thiện tai) hay tình anh chị em. Bọn học trò tỉnh lẻ thiếu thốn đủ thứ vốn hiếu học càng siêng năng học thêm để khỏi phụ lòng thầy cô. Còn các thầy cô trẻ tràn đầy nhiệt huyết hăm hở truyền đạt kiến thức cho đám trẻ. Vậy là hòa hợp với nhau và quyện chặt vào nhau thành cái tình nghĩa sâu nặng tới nửa thế kỷ sau vẫn cháy bỏng trong tâm hồn thầy cô và học trò.

Bây giờ, 40 năm sau có được hạnh phúc vui vầy bên nhau, thầy cô thường tấm tắc khen trò giỏi giang làm nên ông này, bà nọ rồi cười mãn nguyện. Thực tế, tất cả đều là do cơm cha, áo mẹ, cơm thầy cả thôi. Nếu ngày nhỏ, đám học trò không được thầy cô hết lòng dạy dỗ thì chẳng thể nào bây giờ làm nên chuyện. Tất cả những gì mà học trò xưa bây giờ có được đều là nhờ công lao và sự hy sinh dạy dỗ của các thầy cô năm nào. Không thầy đố mày làm nên là như vậy.

Bây giờ, 40 năm mới tìm lại được nhau, thầy cô xúc động trước đám học trò biết tôn sư trọng đạo, đầu bạc có cháu, chắt rồi mà vẫn còn khép nép, vòng tay thưa dạ với thầy cô. Thiệt ra, cũng nhờ công lao dạy dỗ của thầy cô thôi. Mà thiệt, ngày xưa thầy cô có sống như thế nào với nghề giáo và học trò của mình nên gần nửa thế kỷ sau, học trò mới vẫn kính trọng và tri ân như vậy.

Tôi chỉ biết cảm ơn thầy cô Nguyễn Văn Hòa – Nguyễn Thị Ngọc Thủy về món quà “thôi nôi” này. Tấm tranh này đã được tôi trân trọng treo ngay phòng khách nhà mình để chuẩn bị đón Tết Ất Mùi 2015. Từ nay, khách tới chơi sẽ được giới thiệu đó là quà tặng của thầy cô xưa dành cho học trò cũ. À há, thầy cô tặng quà cho học trò!

150215-phphuoc-quasinhnhat-congocthuy-07_resize

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 15-2-2015)