Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Nhà báo làm cho ai?

phamhongphuoc_tanthanh_longan_041983_01

 

Báo YY là của cơ quan ZZ. Phóng viên XX của báo YY đương nhiên là làm cho cơ quan ZZ – chủ quản và người trả lương cho mình (cho dù lương do báo YY trả, nhưng báo này là một đơn vị của ZZ). Chỉ có điều, để có thể tồn tại và phát triển bền vững, cả phóng viên XX lẫn báo YY không thể viết bài cho cơ quan ZZ. Họ phải phục vụ cho người đọc. Với người làm báo chân chính, phục vụ người đọc mới chính là mục đích tối thượng.

Hiện nay, trong làng báo tồn tại những dạng: làm báo cho cơ quan quản lý hài lòng, làm báo cho đồng nghiêp nể, làm báo cho bạn đọc khoái. Người làm báo có nghề là phải biết trộn cả ba thành phần đó lại với những tỷ lệ nêm nếm tùy theo bản lĩnh và tay nghề của mình.

Nhà báo chân chính thì thà “báo nhà” còn hơn “báo đời”. Diễn nôm thì như vầy: khi cơ nhỡ thà giở chiêu nịnh nọt xin vợ cứu trợ, xin bồ cứu bồ, chứ kiên định khí tiết không kiếm tiền bằng mọi giá.

Nghĩ một chút về cái danh xưng.

Nhiều phen đi event chung với nhau, tôi quý mấy bạn trẻ ở Tinh Tế – diễn đàn công nghệ số 1 của Việt Nam (đó là với cách nhìn của tôi) cứ bài hãi thanh minh thanh nga rằng: em ở diễn đàn chớ hỗng phải nhà báo. Ngược lại, tôi thấy ngày càng nhiều bạn trẻ viết về công nghệ lại cứ selfie xưng danh mình là nhà báo. Họ không hiểu rằng để trở thành một nhà báo, người viết báo phải vượt qua biết bao chặng đường đầy chông gai. Tấm thẻ nhà báo do bộ chuyên trách cấp hay tấm thẻ hội viên của hội nhà báo cũng chỉ có giá trị danh nghĩa – và thực chất đó chỉ là chiếc thẻ hành nghề hay chứng nhận hội viện. Nhà báo “genuine” chỉ có một nơi đủ thẩm quyền xác thực, đó là bạn đọc nói riêng và xã hội nói chung. Cho dù từng là chủ biên những tờ báo, phó tổng biên tập phụ trách tạp chí,… tôi vẫn luôn răn mình đó chỉ là công việc, có hạn kỳ, và tôi luôn nung nấu trong lòng một ước mơ là cho tới tận khi mình bị chuyển hộ khẩu tới Bình Hưng Hòa, tôi vẫn được mọi người ghi nhận là một nhà báo (ít ra là do tôi tự nhận và cả đời nỗ lực cho xứng).

Thật ra, tất cả chỉ là những cái tên gọi cho công việc của một người truyền tin thôi. Nhà báo (journalist) là một danh từ chung chỉ những người làm công việc đưa tin. Còn cụ thể là những công việc như phóng viên (reporter), biên tập viên (editor), thư ký tòa soạn (manaing editor), chủ biên (chief-editor), tổng biên tập (chief-in-editor hay executive editor). Đó là những chức danh của nghề báo.

Hồi trước, mà ngày ấy cũng chưa xa, người ta quá phụ thuộc vào cái gọi là chính danh, là danh chính ngôn thuận. Nó là một thành phần của cái gọi là hành chính quan liêu. Còn bây giờ, xu hướng thế giới coi thực chất công việc mới là vấn đề của vấn đề. Nhà báo hay nhà gì đó suy cho cùng vẫn chỉ là người đưa tin. Và cái để đánh giá họ và làm cho họ có giá trị cao thấp chính là những bài viết mà họ ký tên tác giả.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn (trước đây là một nhà lãnh đạo của VTV) nhân ngày 21-6-2015 đã viết trên trang Facebook của mình rằng: “Hoạt động báo chí trước đến nay không chỉ do các nhà báo “trong biên chế” cơ quan báo chí thực hiện, mà còn có sự đóng góp bằng trái tim, khối óc bao cộng tác viên tài năng. Đến nay, với việc xã hội hóa sản xuất sản phẩm báo chí, với hình thức liên kết thực hiện chương trình phát sóng, không chỉ các cá nhân đơn lẻ mà rất nhiều tập thể tại các công ty truyền thông đã đóng góp lượng sản phẩm khổng lồ cho báo chí, nhất là cho truyền hình… Hàng trăm, có thể cả ngàn người tài năng, hành nghề đích thực, đứng ngoài đội ngũ nhà báo ở đất nước này. Kể cả người từng là nhà báo do có trong biên chế, nếu ra ngoài biên chế, hay do nghỉ hưu, dù vẫn viết, vẫn làm nghề, thì đột nhiên không là nhà báo nữa trên giấy tờ. Liệu như thế có công bằng? Liệu như vậy chúng ta có tự lấy cái thước biên chế của cơ quan để đo tư cách làm nghề?… Bao người không trong biên chế báo chí nhưng về sức viết, về số lượng sản phẩm báo chí được sử dụng, có lẽ nhiều người có biên chế khó so. Còn nhà báo “rởm” thì không có thẻ hay có thẻ cũng không khác…” (Xin lỗi anh Tuấn cho tôi được share một phần post của anh mà không có điều kiện xin phép anh trước, nhưng mà có Like bài anh đó nghen). Nhân tiện, xin phép suy diễn thêm rằng: nhà báo “rởm” có thẻ còn nguy hiểm gấp bội lần không có thẻ.

Những năm sau này khi Internet không chỉ là kho dữ liệu toàn cầu mà còn là một phương tiện truyền thông, các trang blog mọc lên như nấm sau mưa, đặc biệt là khi các mạng truyền thông xã hội ra đời, ai cũng có thể là người viết tin, xuất bản bài. Những “nhà báo công dân” ngày càng lấn lướt những “nhà báo truyền thống”. Và điều thú vị là ngày càng có thêm nhiều “nhà báo truyền thống” tham gia đạo quân “nhà báo công dân”. Người ta gọi chung những người viết báo, đưa tin là “media” (truyền thông).

Đó là lý do mà trong mấy năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều sự kiện quốc tế, chẳng hạn như Diễn đàn các nhà phát triển Intel IDF, Triển lãm máy tính và công nghệ thông tin COMPUTEX Taipei,… mà tôi nhiều lần được tham dự đã thay cái tên gọi Press Center (trung tâm báo chí) thành Media Center (trung tâm truyền thông).

Cách đây mấy hôm, tôi đọc trên trang nhà Facebook của một cô nhà báo, thấy than rằng: khi còn làm ở một tờ báo lớn với cương vị một phóng viên, cô ấy được săn đón như siêu mẫu; tới chừng chuyển về một tờ báo nhỏ làm chức lớn, cô ấy bị quăng cục lơ như chưa từng có mặt trên cõi đời ô trọc này. Bởi vậy trong giang hồ mới tồn tại cái câu này: “nhà báo nhỏ ở báo lớn hơn vạn lần nhà báo lớn ở báo nhỏ”. Âu cũng là cái sự đời. Cho dù thật sự với người đọc và xã hội thì một nhà báo lớn hay nhỏ là ở cái tầm cỡ của người đó chứ không phụ thuộc vào cái kích cỡ tờ báo người đó làm.

Cũng may cho tất cả là bây giờ ở trong Thế giới phẳng nhờ có Internet mà mọi tờ báo đều có nền tảng như nhau, ai cũng chỉ nằm gọn trong một cái màn hình với độ phủ rộng trên mạng giống nhau. Không còn khái niệm báo lớn hay báo nhỏ mà là báo hay hoặc báo dở.

Nếu không lấy bạn đọc làm đối tượng tối thượng mà mình phải phục vụ trong sứ mạng làm báo, người làm báo dễ tự huyễn hoặc mình về cái sức mạnh và cái quyền của báo chí. Thay vì lăn xả vào tìm kiếm các nguồn tin để phục vụ cho nhu cầu được biết thông tin chính đáng của bạn đọc, người làm báo dễ có quan niệm chỉ ai mời mình thì mình mới đưa tin. Các tờ báo và các hãng tin lớn trên thế giới đạt tới thanh danh và sự thành công ngày nay là nhờ họ hiểu được chân giá trị của một tờ báo là chất lượng và số lượng của thông tin. Tôi vẫn còn nhớ hồi thập niên 1980, khi cùng tôi làm tờ báo Long An Cuối Tuần, anh Trần Từ Duy (Đông Ki Rét) mới từ quê miền Trung vào kiếm sống ở Saigon cứ đạp chiếc xe đạp cà tàng trên đường, hễ thấy ở đâu có sự kiện, có hội họp là nhào vào năn nỉ xin được tham dự để đưa tin. Lúc đó anh chỉ là một cộng tác viên chớ hề có thẻ hay giấy giới thiệu. Nhiều lần tôi nói đùa: “Ông quả là đệ nhất liều và lì”. Cứ nhờ vậy mà anh có chất liệu để đưa tin, viết bài, vừa có được những mối quan hệ có lợi cho nghề nghiệp sau này, vừa khẳng định được mình trong bạn đọc.

Cũng như vậy, người làm báo dễ coi mình là kẻ nắm thế thượng phong (tôi không dám nói là bề trên) trong mối quan hệ với đối tác, mà lẽ ra là mối quan hệ ngang bằng, win-win. Tôi không ít lần chứng kiến cảnh một vài phóng viên do may mắn được nhận vào một tờ báo lớn (về vị thế cơ quan chủ quản hay về số lượng bạn đọc) làm chảnh, hành hạ mấy bạn PR của doanh nghiệp lên bờ xuống ruộng. Mấy bạn đó chắc biết mà tỉnh bơ rằng người ta chỉ vì qua sông mà phải lụy đò, chớ trong bụng họ chất chứa mấy terabyte tiếng… Đan Mạch. Tôi mừng vì đại đa số người làm báo mà mình biết hiểu rõ bản chất cái nghề của mình: đối tác cần được thông tin, tờ báo cần thông tin để đăng. Nhờ vậy mà các mối quan hệ nhẹ nhàng, đôi bên cùng có lợi, thiên hạ thái bình thịnh trị.

Bất luận được gọi là gì, nhiệm vụ hay sứ mạng của người viết báo vẫn luôn là để phục vụ người đọc nói riêng, phục vụ xã hội nói chung. Muốn giúp cho người đời và cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn, trước hết bản thân người viết báo cần phải giữ mình cho tốt đẹp.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 21-6-2015)

+ Ảnh: Những năm đầu sau thống nhất đất nước, mọi thứ rất khó khăn và thiếu thốn. Tòa soạn báo Long An mà tôi làm việc từ năm 1976 chỉ có 1 chiếc xe gắn máy cũ (ai đi công tác xa mới được xài) và 3 chiếc xe đạp mua của thương nghiệp. Trong ảnh chụp hồi tháng 4-1983 này, tôi đang trên đường đi công tác từ huyện Tân Thạnh về Tân An. Đứng trên Tỉnh lộ 49 (nay là Quốc lộ 62) làm màu để chụp ảnh lấy le vậy thôi, chớ lúc đó do bạn chở, tôi đâu có biết chạy xe gắn máy (nhưng chạy được xuồng gắn máy đuôi tôm à nghen).