Ô kìa, đời bỗng dưng vui… (*)
Tôi mà có đập bàn dộng ghế mừng vui trước sự phát triển của mối quan hệ Việt – Mỹ thì cũng chẳng hề sợ bị quy chụp là mất lập trường, bị suy thoái đạo đức, bị diễn biến hòa bình. Bởi lẽ mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời mới giành độc lập cách đây 70 năm. Chỉ vì tuy có cơ duyên nhưng chưa tới cơ hội phát nợ nên cả hai đất nước ở hai bên bờ Thái Bình Dương đã phải trải qua nhiều nỗi truân chuyên như Thúy Kiều – Kim Trọng trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. (Chẳng hề vô duyên cớ mà các nhà lãnh đạo Mỹ, từ Tổng thống Bill Clinton hồi thập niên 1990 tới Phó Tổng thống Joe Biden ngày nay đều khoái lẩy Kiều khi cao hứng về mối quan hệ Mỹ – Việt).
Ý NGUYỆN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Đâu phải vô duyên cớ mà Hồ Chủ tịch đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng câu trích từ bản Tuyên ngôn Độc lập (the Declaration of Independence) bất hủ của Hoa Kỳ năm 1776. Đó là: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Trong thời bôn ba xứ người tìm đường cứu nước, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành sau khi theo tàu vượt biển qua Pháp năm 1911 một thời gian đã sang Mỹ. Nguyễn Tất Thành đã in dấu chân ở New York, Boston,… Riêng tại Boston (bang Massachusetts), chàng trai Việt làm việc ở Khách sạn Omni Parker House (hoạt động từ năm 1855) vào năm 1911 với chức vụ cuối cùng trước khi rời đi vào năm 1913 là trưởng bộ phận làm bánh. Cho tới nay, khách sạn này vẫn lưu giữ chiếc bàn mà Nguyễn Tất Thành từng làm việc. Khách có thể đọc trên tấm biển lịch sử dòng chữ: “Tại Khách sạn Omni Parker, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc như một người chạy bàn, Tổng thống J.F. Kennedy đã tuyên bố tranh cử tổng thống, nhà văn Charles Dickens đã viết những tác phẩm nổi tiếng…”.
Cũng chẳng phải là ngẫu nhiên mà tuy từng bôn ba ở nhiều nước lớn như Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Hoa,… nhưng Hồ Chủ tịch chỉ đưa vào bản Tuyên ngôn Độc lập 2 câu trích từ bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 1776 và dẫn ý từ Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Trong khi trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ với ý nghĩa một chuẩn mực thế giới, Hồ Chủ tịch dẫn ý Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp như một đòn gậy ông đập lưng ông.
Trong 2 năm 1945 và 1946, Hồ Chủ tịch đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman, 3 thư và điện gửi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ James Byrnes để chủ động đặt mối quan hệ ngoại giao. Trong lá thư đề ngày 16-2-1946 gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman, Hồ Chủ tịch viết: “Chúng tôi thỉnh cầu Hoa Kỳ như người giám hộ và nhà dẫn đầu công lý hoàn cầu có một bước quyết định trong việc hỗ trợ sự độc lập của chúng tôi. Chúng tôi thỉnh cầu những gì đã được ân cấp cho Philippines. Như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác đầy đủ với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để kiến tạo độc lập và hợp tác ích lợi cho toàn thế giới.”
Tiếc là vì những lý do nào đó, chính quyền Mỹ thời đó đã không đáp lại đề nghị từ Hồ Chủ tịch cho dù trước khi Việt Nam giành được độc lập, trong năm 1945, cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS (tiền thân của CIA) đã nhiều lần cử người sang huấn luyện quân sự cho quân Việt Minh, thậm chí vào tháng 8-1945 đã thành lập cả một trung đội Bộ đội Việt – Mỹ chống quân phiệt Nhật.
Vậy mà 70 năm đã trôi qua từ đó.
DÍNH DÁNG TỚI CẢ 3 “ÔNG LỚN” TOÀN CẦU
Việt Nam chẳng hề có mối thù hận lịch sử nào với Mỹ kể từ khi Hoa Kỳ giành độc lập vào năm 1776. Hai nước ở cách một Thái Bình Dương. Mọi chuyện chỉ xấu đi sau khi Mỹ trực tiếp đưa quân vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam, bắt đầu từ cuộc đổ quân đầu tiên lên bờ biển Đà Nẵng ngày 8-3-1965. Nhưng uýnh thì uýnh tới “cái lai quần” cũng uýnh tới bến (như Chị Út Tịch từng hồn nhiên nói), chỉ có điều là uýnh quân xâm lược mà thôi. Điều này đã được ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng CSVN đầu tiên trong lịch sử đến thăm chính thức nước Mỹ theo lời mời của Chính phủ Mỹ, lặp lại – lần này ngay trên nước Mỹ trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington chiều 8-7-2015: “Đối với nhân dân Việt Nam, đó là cuộc kháng chiến để giành độc lập, tự do cho dân tộc mình, giải phóng, thống nhất đất nước mình; không phải là cuộc chiến tranh nhằm chống lại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, càng không phải để chống nhân dân Hoa Kỳ”.
Cho dù nói gì thì nói, thế giới hiện nay có 3 “ông lớn” đang ở thế kiềng ba chân. Và như một định mệnh “tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà hồi thế kỷ thứ 10 và 11), Việt Nam dính líu với cả 3.
Mối quan hệ với Trung Quốc là không thể lựa chọn, vì nằm ngay bên cạnh Việt Nam. Đây là mối quan hệ láng giềng phức tạp nhất. Gốc người Việt là những người trốn thoát khỏi ách thống trị của tổ tiên Hán tộc mà chạy dạt xuống phương Nam. Xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm của Việt Nam là những cuộc kháng chiến chống lại hàng loạt cuộc xâm lược từ phương Bắc mà đỉnh điểm là 1.000 năm chịu sự đô hộ của Hán tộc. Lịch sử không thể nào thay đổi được. Và cho tới ngày hôm nay, trong sử sách mà các thế hệ con cháu ở hai nước láng giềng này học, chiến thắng của nước này là thảm bại của nước kia. Biết cơ man nào là quân tướng phương Bắc vùi thây trên đất Việt. Người Hán vốn khét tiếng là thâm và thù dai. Vì thế, đừng quá ngây thơ mà không nhận ra bên dưới những chữ vàng hữu hảo là những mưu toan trừng trị, báo thù – mối hận thù dân tộc. Vốn hiểu vị thế và lòng hiếu hòa, vị tha, người Việt luôn sẵn sàng bỏ qua quá khứ để cùng nhìn tới tương lai. Chỉ ngặt là phía bên kia biên giới luôn ghim gút, khắc ghi vào sổ “thù hận”. Khi có độ lùi thời gian để nhìn lại lịch sử, ta dễ dàng nhận ra ngay cả chuyện Bắc Kinh giúp Hà Nội trong thời chiến tranh chủ yếu cũng chỉ để chống Mỹ, đề phòng từ xa viễn cảnh thế lực Mỹ áp sát nước họ. Đó là lý do mà sau khi bắt tay được với Mỹ, người ta bèn tạt ngang, ôm cầm sang thuyền khác.
Cái khó là Việt Nam không giống như các nước khác đang bị Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ. Chỉ có Việt Nam là có đường biên giới đất liền tiếp giáp Trung Quốc. Nhìn lên bản đồ, người ta sẽ phải giựt mình khi thấy cả miền bắc Việt Nam xuống tới Hà Tĩnh nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Rồi còn hai nước láng giềng phía dưới là Lào và Campuchia cũng là những ẩn số X. Cả hai đều có những lấn cấn lịch sử đất đai với Việt Nam. CPC thì đã rõ với sự chi phối quá nặng từ Bắc Kinh. Còn Lào thì vừa sát bên Trung Quốc, vừa đang được Bắc Kinh đổ tiền của vào mua chuộc. Rõ ràng, dù muốn hay không, Việt Nam chỉ còn có thể dựa vào Biển Đông, nhưng với lưng và nách đều bị lạnh.
Vì tình thế buộc Việt Nam phải cố gắng tới mức tối đa có thể được để duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng. Ông bà mình dạy: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Người ta có thể chọn nhà láng giềng, nhưng không thể chọn nước láng giềng. Bởi vậy, người ta phải chọn giải pháp cùng tồn tại bằng cách chấp nhận thực tế của nhau, nương nhẹ nhau. Có lẽ kiếp trước tu dữ lắm nên bây giờ mới gặp được láng giềng “tối lửa tắt đèn” có nhau. Còn lỡ gặp người láng giềng xấu tính, hay tìm cách gây hấn thì cũng phải đau đầu tìm kế gỡ rối tơ lòng. Nếu xui tận mạng gặp phải gã láng giềng có mưu đồ thâm độc, luôn tìm cách dòm ngó để chiếm đoạt đất hương hỏa của mình, người ta bắt buộc phải bảo vệ giang sơn gấm vóc và người thân của mình bằng mọi giá (mà choảng nhau luôn là hạ sách, chuyện bị đẩy tới đường cùng). Trong thời đại mà thế giới liên lập với nhau, một nước có thể kêu gọi sự hỗ trợ và bảo vệ từ cộng đồng quốc tế, dĩ nhiên bản thân nước đó vẫn phải giữ thế chủ động.
Còn với Nga thì sao? Chắc chắn không ai ngộ nhận Nga bây giờ là Liên Xô ngày xưa. Trong khi Nga đang tìm cách xóa đi quá khứ với Liên Xô thì chuyện khơi gợi lại truyền thống càng khiến họ thêm khó chịu. Cứ coi cách Nga sống với các nước từng chung một bóng cờ Liên Xô thì rõ ra nhiều điều. Anh em từng chung một nhà mà còn vậy, huống chi một nước xa lắc xa lơ. Cách đối xử đáng buồn của nhà chức trách những địa phương Nga đối với người Việt cũng chẳng phải không có duyên cớ. Đối với Nga, bây giờ các mối quan hệ quốc tế chỉ đơn thuần là làm ăn, lợi ích. Việt Nam còn có giá trị chủ yếu là nhờ những mỏ dầu khí liên doanh khai thác tài nguyên của Việt Nam vốn là một nguồn thu ngoại tệ đáng kể đối với nền kinh tế Nga, đặc biệt là trong thời kỳ đầu khi Nga mới tách khỏi Liên Xô, cũng như những hợp đồng mua khí tài quân sự của Nga.
Nào, đọc báo nhé:
+ Vào hạ tuần tháng 5-2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm Thượng Hải (Trung Quốc) để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thắt chặt hợp tác giữa hai nước. Cũng trong dịp này, hai nhà lãnh đạo Nga – Trung đã dự cuộc tập trận hải quân chung giữa hai nước mang tên “Tương tác hải quân” tại Biển Hoa Đông – nơi đang có căng thẳng vì Trung Quốc tranh chấp nhóm đảo Senkaku lâu nay do Nhật Bản làm chủ. Ngay trong cuộc gặp Nga – Trung này, Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) ngày 21-5 đã ký kết hợp đồng mua bán khí đốt lịch sử được thương thảo suốt 10 năm qua. Theo đó, Trung Quốc mua của Nga mỗi năm 38 tỷ mét khối khí đốt trong vòng 30 năm (kể từ năm 2018) với tổng số tiền Nga nhận được của Trung Quốc lên tới 400 tỷ USD.
Trong lúc hai nhà lãnh đạo Nga – Trung đang tay nắm tay nhau ở Trung Quốc, Việt Nam đang vất vả đối phó với việc Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong vòng hai tháng rưỡi (kể từ ngày 2-5-2014). Moscow như cuộc tình vờ.
+ Trong ba ngày từ 8 đến 10-7-2015, Tổng thống Nga Putin chủ trì hai hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) tại thành phố Ufa (miền nam nước Nga). Ngay trong ngày 8-7, Tổng thống Nga đã hội đàm song phương với Chủ tịch Trung Quốc. Ông Putin đã nói với ông Tập: “Khi kết hợp các nỗ lực, chúng ta sẽ cùng giải quyết được tất cả các vấn đề trước mắt.” Báo Anh Guardian cho biết lãnh đạo hai nước Nga – Trung đã luôn thận trọng nhấn mạnh họ sẽ trở thành các đối tác chứ không phải đồng minh, và họ thực sự muốn như vậy. Bởi lẽ, cả hai đều muốn làm ăn riêng lẻ với phương Tây và Mỹ. Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Đảng CS Trung Quốc nhấn mạnh: “Mối quan hệ chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh là một kết quả mang tính hoàn cảnh, và hoàn toàn khác với mối quan hệ đồng minh như quan hệ Mỹ-Nhật”.
Hai nhà lãnh đạo Nga – Trung tay trong tay ở Nga đúng vào lúc Tổng bí thư Đảng CSVN đang sang thăm Hoa Kỳ.
Quả là những sự trùng hợp dễ khiến người ta suy diễn. Bắt ghét!
Nói thì nói vậy để tránh tự ảo tưởng dẫn tới tai ương khôn lường. Tốt nhất cho tất cả là Việt Nam vẫn phải cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với cả Trung Quốc lẫn Nga cho tới tận khi nào anh chàng bán chiếu phải ngửa mặt lên trời ai oán ca câu vọng cổ: “bậu phụ ta chớ ta không bao giờ bội bạc”. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Giỏi cũng chết, dở cũng chết, chỉ có biết là sống.” Làm sao được khi mình vẫn còn ở chiếu dưới, ở thế nước yếu trên bàn cờ quốc tế.
CƠ HỘI VÀNG RÒNG SAO LẠI CÓ THỂ BỎ QUA
Việt Nam từ lâu đã chọn cho mình một lối đi đúng và hợp thời đại: mở rộng kết bạn với các nước để làm đối tác tốt của nhau, nhưng không liên minh với bất cứ nước nào để chống lại một nước thứ ba. Trong số bạn bè, có bạn thân, bạn sơ; có những bạn chết sống với nhau, cũng có những bạn mang tính xã giao. Chẳng ai cấm người ta có thể dành tình cảm nồng đậm cho những người mà mình nhận ra là bạn tốt của mình. Thật ra, cũng chẳng cần phải triết lý cao siêu gì đâu, chỉ cần đôi bên chịu hiểu nhau, biết tôn trọng nhau và cùng hưởng lợi bình đẳng với nhau.
Hình ảnh Tổng bí thư Đảng CSVN bắt tay và tươi cười thân thiện với Tổng thống Mỹ ngay giữa Nhà Trắng có sức biểu tượng mạnh mẽ. Có thể nói rằng chuyến thăm lần đầu tiên trong lịch sử của Tổng bí thư Đảng CSVN đến Hoa Kỳ này mang ý nghĩa một sự tháo gỡ ở cái nút chốt chặn cuối cùng. Ngay cả ngoại giao nhân dân là quan trọng nhất trong các mối quan hệ từ cổ chí kim lâu nay cũng bị lấn cấn phải dòm trước ngó sau.
Thật ra, điều mà những người bảo thủ hay còn lừng khừng ở Việt Nam quan ngại đã được gỡ rối tơ lòng ngay từ ngày 25-7-2013 khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng đã quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Nghĩa là Mỹ chấp nhận tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Và điều này được cụ thể hóa ở mức cao nhất là chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ.
Có thể nói rằng trong 3 “ông lớn” toàn cầu, Mỹ có nhiều sự kết nối nhất với Việt Nam. Biến động lịch sử trước và sau 1975 càng làm cho những kết nối giữa hai nước tuy thêm phức tạp, nhưng cũng dày đặc hơn. Bức tường tưởng niệm ở thủ đô Washington DC ghi tên 58.300 quân nhân Mỹ chết ở Việt Nam trong cuộc Chiến tranh Việt Nam trước 1975. Có nghĩa ít nhất là ngần ấy linh hồn người Mỹ đã phiêu du trên đất nước này và hàng trăm ngàn người thân của họ trở thành những người có mối ràng buộc với Việt Nam. Trong số hơn 4,5 triệu Việt kiều trên thế giới, cộng đồng lớn nhất là ở Mỹ. Theo Điều tra Dân số năm 2012 của Mỹ, số lượng người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American) là 1.860.069 người, trong đó có tới 1.675.246 người thuần Việt (Vietnamese alone), trở thành cộng đồng người Mỹ gốc Á lớn thứ 4 ở Mỹ (sau Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc). Gần 2 triệu Việt kiều Mỹ đó có ông bà tổ tiên và cả chục triệu người thân ở Việt Nam. Chẳng có Trung Quốc hay Nga có được mối quan hệ ràng buộc đặc biệt về lịch sử, tâm linh và con người như Mỹ và Việt Nam.
Chẳng ai cho không ai cái gì cả. Ngay cả hiệp sĩ thi ân bất cầu báo đối với người thì cũng mong được Trời ghi sổ. Hai nước chơi với nhau vừa “thêm 1 người bạn là bớt 1 kẻ thù”, vừa cùng đem lại lợi ích cho nhau (đáng quý là khi không ai chơi gác kèo ai). Bất cứ nước yếu nào cũng cần phải tìm cho mình chỗ dựa – vừa là những tập thể, vừa là những cá nhân. Cái sự biết và cái khôn thể hiện ở chỗ biết chọn ai.
Cho tới nay, Việt Nam có 2 đối tác chiến lược toàn diện (Nga và Trung Quốc); 11 đối tác chiến lược (Anh và Bắc Ireland, Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha, Thái Lan và Ý), 11 đối tác toàn diện (Argentina, Brazil, Chile, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Malaysia, Nam Phi, New Zealand, Úc, Ukraina, và Venezuela); 1 đối tác chiến lược lĩnh vực (Hà Lan); và 3 quan hệ đặc biệt (Campuchia, Lào và Myanmar). Đài BBC Anh hồi tháng 4-2013 từng “khều” rằng Việt Nam bị lạm phát “đối tác chiến lược”. Thây kệ tui, quan hệ kiểu nào miễn là hai bên cùng cảm thấy hạnh phúc là được. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng sau cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Obama, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Điều quan trọng là từ hai nước cựu thù với nhau, ngày nay đã trở thành bạn, trở thành đối tác mà hơn thế là đối tác toàn diện. Sắp tới trong tương lai còn phát triển tốt hơn nữa.”
Chắc chắn là sau chuyến đi thăm để cả hai bên cùng cầm trong tay câu password thần thánh của chàng Alibaba “Vừng ơi, hãy mở cửa ra”, nhiều điều sẽ phải được nhìn nhận lại và thay đổi. Đây là phần kết trong bài phát biểu ngày 7-7-2015 của Tổng bí thư Đảng CSVN tại Nhà Trắng: ” Tôi đã trân trọng mời ngài Tổng thống và phu nhân sớm sang thăm Việt Nam và ngài Tổng thống cũng đã vui vẻ nhận lời. Một lần nữa tôi xin cảm ơn ngài Tổng thống và Chính quyền Hoa Kỳ mời tôi sang Hoa Kỳ, đất nước rất là tươi đẹp và chúng ta đã có cuộc trao đổi sâu sắc và thú vị. Cũng cho tôi gửi lời hỏi thăm đến cộng đồng bà con Việt Nam ta đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hoa Kỳ và chúc cho quan hệ hai nước chúng ta ngày càng phát triển tốt hơn nữa.”
Đó đó, đâu phải chỉ có tôi bấy lâu nay uống mật gấu khen “Hoa Kỳ, đất nước rất là tươi đẹp” đâu. Quả là được lời như mở tấm lòng.
Bởi vậy, tôi nghêu ngao bài hát Ô Kìa Đời Bỗng Dưng Vui của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và cảm ơn tất cả mọi người đã cùng chung tay xây dựng “khiến đời bỗng thành vui”. Tôi không nghĩ mình lạc quan tếu. Những con cháu Vua Hùng thật sự thông minh và biết nhìn xa trông rộng vì dân, vì nước chắc chắn không chỉ biết kiến tạo mà còn biết không bỏ lỡ cơ hội khi nó đến.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 10-7-2015)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
—
(*) Bài hát Ô Kìa Đời Bỗng Dưng Vui của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ