Thứ Năm ngày 02 tháng 1 năm 2025

Tản mạn từ triệu phú tới tỷ phú

 

Matt Miller, biên tập viên của Bloomberg Billionaires Index, bảng xếp hạng các nhà thế giới, khi công bố kết quả mần ăn trong năm 2012 của những người giàu nhất hành tinh có cho biết: ước tính có tới 3 phần 4 số nhà tỷ phú trên thế giới là từ tay trắng làm nên sự nghiệp (self-made).

Ngay cả ông Amancio Ortega, nhà sáng lập đại tổ hợp (conglomerate) bán lẻ Tây Ban Nha Inditex SA, nhà tỷ phú thành công nhất trong năm 2012, đã tăng thêm được 22,2 tỷ USD cho tài sản của mình cũng là một “tỷ phú khu ổ chuột” (chớ hỗng phải chỉ là “Slumdog Millionaire” đâu), khởi nghiệp thương hiệu thời trang Zara tại nhà mình, tự thiết kế và may các mẫu y phục với sự trợ giúp của các thành viên trong gia đình.

Như vậy liệu có thể giống như ông đầu bếp người Mỹ gốc Hoa lừng danh Martin Yan – người có bằng cao học về khoa học thực phẩm, host của chương trình dạy nấu ăn “Yan Can Cook” với câu nói nổi tiếng “Nếu Yan có thể nấu được, bạn cũng có thể nấu được” (If Yan can cook, so can you!), ta có thể nói rằng “họ có thể là tỷ phú, tui cũng có thể là tỷ phú”. Thiệt ra, hỏi chỉ là để hỏi chơi mà thôi (nên cũng chẳng thèm bỏ cái dấu hỏi). Nhưng sao vẫn cứ ngoan cố vớt vát rằng “làm người, ai lại chẳng có ước mơ”.

Đi ra nước ngoài, thỉnh thoảng tôi vẫn đùa với mấy người bạn xứ người khi họ hỏi về cuộc sống ở Việt Nam rằng: “Ở xứ tui, hễ ra cửa là đụng… triệu phú”.

Mà thiệt, tui chớ hề nổ à nghen. Các từ điển tiếng Việt (như của Thanh Nghị, Hoàng Phê,…) đều giải thích “triệu phú” là “người giàu, có hàng triệu đồng”. Vậy thì tôi nói cách sách mách có chứng đó ghen.

Chính nhờ “may mắn” có đồng nội tệ rớt giá như xe đạp đổ dốc không thắng, xứ mình là một trong vài nước có nhiều “triệu phú” nhất thế giới. Thậm chí trẻ sơ sinh mới cất tiếng khóc chào đời cũng đã có tài sản đầu đời bạc triệu rồi – cứ tính giá trị của các tã lót, quần áo, mũ nón,… đi mà. Đi ngoài đường thấy ai đó cỡi “xế điếc”, xin chớ coi thường nghen, “triệu phú” đó. Chiếc xe đạp Martin 107 tầm tầm đi được cũng cả triệu đồng rồi mà. Có nước nào mà “triệu phú” đạp xích lô không? Việt Nam ta đó.

Còn tỷ phú ư? Xứ Đại Cồ Việt nhà ta cũng “thiên hạ vô đối”. Ngay cả tỷ phú Amancio Ortega và hầu hết tỷ phú khác thường là tỷ phú “tiến giấy” (paper money), tài sản đều nằm trong cổ phần chứng khoán. Trong khi đó, mỗi ngày xứ ta “sản xuất” ra thêm hàng chục nhà “tỷ phú” tiền tươi (cash) hẳn hòi. Từ xổ số đó, mỗi ngày có 3-4 tỉnh thành mở xổ số, giải đặc biệt 6 con số lên tới 1,5 tỷ đồng – tiền vật lý chớ hỗng phải tiền ảo như các đại gia chứng khoán.

Ở xứ ta, cứ hễ lao động là trở thành “triệu phú” ngay. Toàn bộ các cơ quan nhà nước tới các cơ sở kinh doanh đều là “workplace of millionaires”. Trong năm 2012, mức lương tổi thiểu chung do nhà nước quy định là 1.050.000 đồng (triệu phú cơ bản). Từ ngày 1-7-2013, tăng thêm được 100.000 đồng (triệu phú cập nhật). Nếu xưng hô như trong phim Hong Kong thì có lẽ phải nói là Phạm Triệu phú đang tám với các Trần Triệu phú, Nguyễn Triệu phú, Lê Triệu phú, Dương Triệu phú,….

Chẳng trách mà hồi giữa năm 2012, truyền thông rùm beng lên cái tin có một tổ chức ở Luân Đôn (Anh) có cái tên là Quỹ Kinh tế Mới (New Economics Foundation – NEF) đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (Happy Planet Index – HPI) của năm 2012. Tiêu chí để tính HPI gồm mức độ hài lòng với cuộc sống (experienced well-being), tuổi thọ trung bình (life expectancy) và dấu chân sinh thái (Ecological Footprint). Và xin lưu ý, cái HPI là của một cái anh chàng Nic Marks nào đó sáng tạo mà thôi (trang web chính thức của HPI – www.happyplanetindex.org ghi rõ như vầy “the Happy Planet Index – the leading global measure of sustainable well-being – by its creator, Nic Marks”). Hai tiêu chí kia thì có số liệu cụ thể để so sánh, còn cái tiêu chí quan trọng nhất là mức độ hài lòng của người dân thì quá mông lung bởi đầy tính cảm tính và chủ quan. Người Việt mình vốn có truyền thống “lạc quan trên mức lạc quan” mà, nhu cầu đa dạng nhưng nói chung là “dễ nuôi”, chỉ cần có cái gì bỏ bụng, ai khen cho một câu là đã “hạnh phúc tới Cung Trăng” rồi. Người Việt mình còn có cái thuộc tính thâm căn cố đế là “sĩ diện hão” và cái máu cha truyền con nối là “chẳng chịu để bị người khác coi là thua kém”. Tôi thường “khôi hài mếu”, mình thì cái gì cũng nhất, nếu không thể tốt nhất thì cũng phải… xấu nhất. Cái gì cũng khoái có, cái hay thì gom tuốt, mà cái tệ cũng chẳng tha.

Theo cái bảng xếp hạng của NEF, Top 5 thế giới HPI năm 2012 là Costa Rica (64 điểm); Việt Nam (60,4); Colombia (59,8); Belize (59,3); và El Salvador (58,9). Nói thiệt bụng đừng có cho tôi này nọ nghen, chỉ nội cái vụ được xếp ngồi chung chiếu “TOP VIP” với 4 ông bạn cùng hành tinh kia thì cũng đủ “mệt dài lâu” rồi – chẳng tìm đâu ra lý do gì để mà lấy làm hả hê!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 6-1-2013)