Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Có phải bà Hillary Clinton đã chắc chắn là ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2016?

160606-hillary-clinton-losangeles-2

Bà Hillary Clinton tại sự kiện South Los Angeles Get Out The Vote Rally ở Leimert Park Village Plaza (Los Angeles, California) ngày 6-6-2016. (Photo: David McNew/Getty Images)

Ngày thứ Ba 7-6-2016 là một ngày quan trọng mang tính quyết định đối với cả hai ứng cử viên của đảng Dân chủ còn trụ lại tới giờ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016. Bà Hillary Clinton, 68 tuổi, cựu Đệ nhất Phu nhân, cựu Ngoại trưởng, cựu Thượng nghị sĩ bang New York, đang dẫn đầu trước ông Bernie Sanders, 74 tuổi, Thượng nghị sĩ bang Vermont.

Trong ngày này, cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ diễn ra tại 6 bang California, Montana, New Jersey, New Mexico, North Dakota và South Dakota. Trong số đó, quan trọng nhất là California, bang đông dân nhất nước Mỹ và cũng là bang phức tạp nhất với nhiều nền văn hóa, chủng tộc đan xen. Đây cũng là căn cứ địa của những người theo chủ nghĩa tự do. Ông Sanders hy vọng sẽ giành được chiến thắng tại bang California để có cơ hội tiếp tục ở lại cuộc đua cho tới khi đảng Dân chủ mở đại hội (convention) vào tháng 7-2016 tại thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania) để đề cử ứng cử viên chính thức của đảng tham gia cuộc đua tay đôi với đảng Cộng hòa vào Nhà Trắng.

160606-hillary-clinton-california

Bà Hillary Clinton tại California ngày 6-6-2016 đang vui mừng cùng với 2 nữ dân biểu bang Karen Bass (trái) và Maxine Waters (phải). Cả hai đều là các siêu đại biểu đang ủng hộ bà. (Credit Monica Almeida/The New York Times)

Bà Clinton đang tràn trề hy vọng. Sau chiến thắng mới nhất tại Virgin Islands (4-6-2016) và Puerto Rico (5-6-2016), theo hãng tin AP, ngày 6-6, bà Clinton đã ăn mừng chiến thắng sớm khi đã đạt đủ số đại biểu cử tri (delegate) cần thiết để được đảng Dân chủ đưa ra bầu chọn. Hiện nay, trong tay bà là phần đa số của tổng số đại biểu cử tri. Trong số 2.383 đại biểu ủng hộ bà Clinton có 1.812 đại biểu cam kết – pledged delegate (tức các đại biểu có được dựa trên kết quả các cuộc bầu cử sơ bộ – primary và các cuộc họp nội bộ – caucus), cộng với 571 siêu đại biểu (superdelegate). Trong khi đó, cho tới nay, ông Sanders có được 1.569 đại biểu, bao gồm 1.521 đại biểu cam kết và 48 siêu đại biểu.  Như vậy, cho tới trước cuộc bầu sơ bộ tại 6 bang ngày 7-6-2016, bà Clinton đang dẫn trước ông Sanders hơn 800 đại biểu các loại. Cụ thể, bà Clinton đang dẫn trước ông Sanders Clinton hơn 3 triệu phiếu bầu, 291 đại biểu cam kết và 523 siêu đại biểu. Bà đã giành chiến thắng tại 29 cuộc bầu cử sơ bộ và cuộc họp nội bộ, so với 21 chiến thắng của ông Sanders.

160605-bernie-sanders-california

Ông Bernie Sanders đang nói chuyện trong một sự kiện tranh cử tại Qualcomm Stadium ở San Diego (California) ngày 5-6-2016. (AP Photo/Sandy Huffaker)

Theo quy định, để có thể được các đại hội của đảng mình đề cử làm ứng cử viên chính thức tranh cử tổng thống, ứng cử viên cần phải giành được đa số đại biểu cử tri của đảng, cụ thể là 1.237 đại biểu (với đảng Cộng hòa có tổng cộng 2.472 đại biểu) và  2.383 đại biểu (với đảng Dân chủ có tổng cộng 4.762 đại biểu). Hiện nay, ông Donald Trump của Cộng hòa và bà Clinton của Dân chủ đều đã đạt đủ số đại biểu cần thiết (ông Trump đã có 1.239 đại biểu).

Tuy nhiên, đó là về lý thuyết. Bởi số phận của những ứng cử viên như bà Clinton hiện nay lại tùy thuộc vào “tâm trạng” giờ chót của các siêu đại biểu. Các siêu đại biểu này chính là các quan chức của đảng, các viên chức dân cử thuộc đảng bao gồm cả đương nhiệm lẫn cựu viên chức. Khác với các đại biểu cam kết là phải bầu cho người mình đã hứa trong các cuộc bầu cử sơ bộ, các siêu đại biểu có quyền bầu ai mình thích và có quyền thay đổi ý kiến cho tới tận khi bầu chính thức tại đại hội đảng. Vì thế, họ còn được gọi là đại biểu không cam kết (unpledged delegate). Trong cuộc bầu cử năm 2016 này, đảng Dân chủ có tổng cộng 719 siêu đại biểu.

Trong khi bên đảng Cộng hòa, ông Trump hầu như đã cầm chắc chiếc yên ứng cử viên (người đúng thứ nhì là Ted Cruz chỉ có 559 đại biểu và đã tuyên bố bỏ cuộc), ở đảng Dân chủ vẫn còn là cuộc đeo bám quyết liệt của ông Sanders với bà Clinton. Vì thế, kết quả của cuộc bầu cử sơ bộ ngày 7-6 tại 6 bang này sẽ quyết định số phận của họ. Trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri trước ngày bầu cử sơ bộ tại bang California, tỷ lệ ủng hộ bà Clinton là 46% so với 44% dành cho ông Sanders.

Tình hình đại biểu của bà Clinton và ông Sanders trước ngày 7-6-2016:


Ngoài ra, cũng cần nói thêm, bà Clinton vẫn đang có một lưỡi gươm treo trên đầu do vụ rắc rối bà dùng địa chỉ e-mail cá nhân cho công việc trong thời gian làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Hiện nay, quan tòa liên bang đang tạm hoãn việc phán quyết đối với những cáo buộc không hề nhẹ chống lại bà.

Liệu sau khi năm 2008, cử tri Mỹ đã bầu ông Barack Obama (Dân chủ) là vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử 232 năm của Hoa Kỳ, năm 2016 này họ có bầu bà Clinton (cũng của Dân chủ) là vị nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước mình? Có một sự trùng hợp, ông Obama là thượng nghị sĩ thuộc bang Illinois trước khi vào Nhà Trắng, còn bà Clinton sinh tại bang Illinois.

PHẠM HỒNG PHƯỚC