Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Bigo Live, xài càng nhiều càng thêm lo

bigo-live-02

Ảnh: Internet. Thanks.

Từ ít tháng nay, ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ bỗng dưng ngoan một cách đáng… sợ và cũng biếng nhác việc ở nhà một cách đáng… lo. Họ giảm bớt la cà đi chơi mà cố thủ nhiều hơn trong phòng. Mỗi tối, sau khi đi làm hay đi học về, cơm nước tắm rửa xong, họ bắt đầu làm đẹp cái dung nhan của mình (o bế tóc tai, nữ thì thêm khoản trang điểm như sắp lên sân khấu), diện bộ đồ ngủ hay đồ mặc trong nhà thiệt bảnh toỏng, không ít bạn nữ chọn những bộ đồ càng “gây hấn” càng tốt, nhưng thường thì không quá phản cảm. Xong xuôi, họ ngồi trước camera trước của smartphone để bắt đầu buổi trình diễn trực tiếp truyền hình (live stream) qua mạng Internet với vai trò host (người điều khiển chương trình) hay diễn viên chính.

Họ trình chiếu trực tiếp lên mạng Internet những gì?

Phổ biến nhất là tâm sự đời tôi và tiếp chuyện bạn xem đài. Nhiều người phát những gì đang diễn ra ở nơi làm việc, lớp học, chốn vui chơi của mình. Có người hướng dẫn làm cái gì đó như nấu ăn, pha chế thức uống, trang điểm,… Có cô làm cả một talk-show giải đáp những “thắc mắc biết hỏi ai” về chuyện tình dục. Nhiều dịch vụ xăm mình phát trực tiếp cảnh đang xăm cho khách để quảng cáo. Một số bạn trẻ phát cả cảnh mình đang hút những bình shisha điện tử cá nhân như để thể hiện cá tính. Nói chung là sau khi đã lậm cũng như để câu thêm nhiều khán giả và kiếm thêm được nhiều quà tặng, những thành viên phát sóng đủ thứ trong cuộc sống của mình. Đánh răng, tập thể dục, ăn uống, chải tóc, trang điểm, trong nhà hàng, trong vũ trường,… thậm chí có người phát cả lúc mình đang nằm truyền dịch trong bệnh viện. Có bạn còn vừa chạy xe gắn máy đi làm, vừa phát live. Ngay cả những “hoạt động riêng tư và cần kiểm duyệt” cũng có những người vô tư phát. Đã xảy ra không ít trường hợp đang phát trong phòng ngủ thì bạn ấy lăn ra ngủ và mặc cho cảnh mình ngủ cả đêm được truyền phát trên mạng cho mọi người xem.

Nãy giờ là tôi muốn nói tới ứng dụng Bigo Live của nước ngoài vừa được đưa vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút đông đảo người đăng ký làm thành viên.

bigo-live-01

Ảnh: Internet. Thanks.

Bigo Live là một ứng dụng di động của Công ty TNHH Bigo Technology Pte. Ltd. đăng ký hoạt động từ tháng 9-2014 ở Singapore. Trên trang web của mình, công ty này giới thiệu họ chuyên phát triển phần mềm về digital media tương tác. Tự giới thiệu mình là công ty phát sóng video trên mạng và là một công ty Internet đang phát triển nhanh đặt tại Singapore, Bigo nói họ muốn xây dựng một nền tảng cho thế giới. Tầm nhìn của họ là tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ có liên quan tới phát sóng video và điện thoại Internet VoIP hoạt động trên khắp thế giới. Bigo giới thiệu sản phẩm phát sóng video di động hàng đầu của mình ở Thái Lan là Bigo Live với ứng dụng được đưa ra hồi tháng 3-2016, có thể tải miễn phí trên Apple App Store và Google Play. Họ nói ứng dụng di động đã nhanh chóng vọt lên hạng 1 ở Thái Lan này hấp dẫn những người mê thời trang và trẻ tuổi năng động nhất kết lại với nhau để chia sẻ những gì mình quan tâm. Bigo cho biết họ đang đưa ứng dụng này tới các nước khác để thực hiện mục tiêu của họ là “Đem thời trang tới Live” (Bring Fashion to LIVE). Họ hy vọng mọi người có thể chia sẻ các giây phút của mình mọi lúc, mọi nơi một cách dễ dàng nhất.

Bigo Live cũng tương tự như tính năng Live Stream của Facebook, YouTube. Nhưng nó vui mắt, hấp dẫn, trẻ trung hơn. Nó cho phép “diễn viên” và “khán giả” tương tác trực tiếp với nhau qua tin nhắn chat với text và có những biểu tượng cảm xúc hình trái tim vui mắt nhiều màu sắc. Bigo Live cũng được liên kết với Facebook, YouTube,… cho phép bạn có thể Live ngay trên các tài khoản của mình ở những mạng xã hội khác.

Nhưng phải nói rằng Bigo Live hấp dẫn hơn nhiều cả về công nghệ lẫn nội dung được phát. Hệ thống chạy rất nhẹ nhàng và ngọt, ngay cả trong thời gian người dùng Internet Việt Nam đang khốn khổ do đường cáp quang biển phải bảo trì. Chẳng hiểu các nhà phát triển Bigo Live có tích hợp vào ứng dụng thuật toán làm đẹp như ở những hệ thống máy ảnh selfie không, nhưng thực tế là hình ảnh của người phát live đẹp, lung linh ấn tượng. Chẳng hạn, da láng o, mắt to ra, mặt đầy đặn và tròn trịa lên. Mà người ta, nhất là các bạn gái, ai chẳng thích mình lên hình thật là đẹp – cho dù biết là đẹp ảo.

Với tính năng tương tác theo thời gian thật, ứng dụng cho phép các thành viên được xem hình ảnh đang phát của bất cứ người phát live nào (chỉ cần lướt chọn trên danh sách tên “chủ thớt” có kèm hình đại diện kích thước lớn và thường là những ảnh “nóng mắt” để thu hút khách). Khán giả có thể xem video, nghe tiếng nói của người phát live và đọc các comment của các khán giả đang trôi trên màn hình và  gửi ý kiến của mình dưới hình thức các comment dạng text như đang chat. Hiện nay, ứng dụng chỉ cho phép truyền hình ảnh và tiếng nói của người phát live. Người phát live có thể đọc các comment của khán giả và trực tiếp trả lời bằng tiếng nói cho mọi khán giả cùng nghe.

Bigo Live thật sự là một ứng dụng được thiết kế cho giới trẻ, đặc biệt là những người ham vui, khoái khoe bản thân, thể hiện cá tính. Nhà cung cấp dịch vụ Bigo Live nói rõ là họ có ý muốn mọi người có thể chia sẻ cho nhau về ca hát, khiêu vũ, nhảy múa, làm bếp, làm đẹp,…, đặc biệt là khuyến khích thực hiện những video clip hướng dẫn cách thực hiện những công việc ấy.

Tất nhiên, Bigo Live chỉ là một công cụ công nghệ trong thời Internet với sự lên ngôi của các mạng xã hội. Nó đánh trúng ý thích và nhu cầu được chia sẻ của mọi người. Có tin nói rằng Bigo có kế hoạch liên kết với một trường đại học quốc tế ở Việt Nam để phục vụ cho việc học trực tuyến. Ứng dụng này cũng hữu dụng trong mua sắm online khi người bán có thể phát hình sản phẩm cho người mua và hai bên có thể tương tác thời gian thực với nhau, chẳng hạn như trả giá. Nói chung Bigo Live là một công cụ ứng dụng di động có thể đem lại nhiều lợi ích nếu như được sử dụng đúng đắn. Thì nó cũng như con dao thôi mà.

Vấn đề khiến cho Bigo Live trở thành nguy cơ làm ảnh hưởng xấu tới lối sống của giới trẻ chính là do cách con người sử dụng nó, và thực tế là nó đã bị lạm dụng biến thái.

Bên cạnh yếu tố người dùng, Bigo Live rõ ràng còn nhiều bất cập (hay là nhà cung cấp dịch vụ muốn vậy) trong việc kiểm soát và quản lý nội dung. Trong khi đó, việc phát live trên Bigo Live đơn giản và dễ dàng hơn Facebook, YouTube và những dịch vụ khác. Cho tới khi tôi viết bài này ngày 28-6-2016, ứng dụng này không có cơ chế để người dùng báo cáo những vi phạm. Một số khán giả có góp ý bằng cách comment thì lập tức bị “đám đông ném đá”. Có lẽ luật chơi ở đây là ta có quyền khoe cái ta có và ai không thích thì… biến.

Không bao giờ là thực tế và hữu hiệu khi nghĩ rằng nhà chức trách có thể kiểm soát (thậm chí ngăn chặn) các ứng dụng, dịch vụ như Bigo Live chỉ bằng các biện pháp kỹ thuật. Càng đặc biệt khó hơn khi nó là một dịch vụ online nước ngoài có tầm hoạt động toàn cầu qua mạng Internet. Tốt nhất là chúng ta chấp nhận luật chơi quốc tế, và ai (người cung cấp và người sử dụng) vi phạm pháp luật nước sở tại sẽ bị xử lý bằng các công cụ pháp luật. Nhưng vấn đề này chỉ làm được nếu nhà cung cấp dịch vụ thật sự muốn hợp tác với nhà chức trách (chỉ xảy ra điều này nếu họ muốn làm ăn chính đáng) và có cơ chế quản lý thông tin định danh của thành viên.

Qua một thời gian khảo sát Bigo Live, chúng tôi nhận ra điều đáng báo động hơn cả chính là nền tảng nhận thức (văn hóa, đạo đức) của người sử dụng Việt Nam. Thực tế là Bigo Live đã bị không ít bạn trẻ sử dụng để chia sẻ những hình ảnh nhạy cảm. Khi lên mạng, thấy người khác làm, người ta dễ nổi máu tự ái mà bắt chước, thậm chí còn làm lố hơn. Nhiều bạn trẻ, phần lớn là bạn gái, quả là lắm chiêu trò để câu thêm nhiều người xem hòng có thể tăng thứ bậc (level) cũng như kiếm được nhiều quà tặng của khán giả mà có lẽ sau này có thể quy đổi được ra tiền thật. Đặc biệt là nguy hiểm khi thông qua tương tác trực tiếp, “diễn viên” dễ bị “khán giả” dụ dỗ, khích tướng để… tới luôn bác tài. Nhiều ý kiến chia sẻ trên các mạng nói rằng ban đầu Bigo Live là một sân chơi thú vị, nhưng sau này đã bị chính các người dùng (cả người chia sẻ lẫn khán giả) làm cho nó biến thái đi, trở thành một mạng chia sẻ “lầy lội”. Số lượng người chia sẻ nghiêm túc rất ít. Tệ nhất là có nhiều bạn nam gửi những lời chat cực kỳ thô lỗ, dung tục. Thậm chí, bây giờ nghe ai là thành viên của Bigo Live, người ta nghĩ ngay đó là “đáng nghi lắm nghen”.

Cũng qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận là nhiều bạn trẻ không hiểu được những cái hại mà Bigo Live có thể gây ra cho mình. Có những bạn nữ “khoe thân” khi quá phấn khích hay bị khích tướng hoặc để tỏ ra mình chịu chơi và không hề thua chị kém em với ý nghĩ là coi xong là… xong. Chắc chắn họ sẽ không dám làm như vậy nếu hiểu rằng có những khán giả dùng những ứng dụng quay phim màn hình để rồi tung lên mạng, phổ biến nhất là đưa lên mạng YouTube cho cả thế giới cùng xem; nhiều nhất là chụp ảnh màn hình những cảnh “nóng” để lưu lại và phát tán. Nhiều bạn tự đẩy mình vào tình thế nguy hiểm khó lường khi vô tư công bố trước nhiều ngàn khán giả tên thật, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản Facebook… của mình. Họ cũng không hiểu mình có thể gặp rắc rối về pháp lý do xâm phạm tới bí mật cá nhân, chuyện riêng tư của những người khác mà mình vô tình hay cố ý đưa vào nội dung phát live. Đây là lý do mà có những cơ quan, nơi làm việc cần phải nhanh chóng đặt ra quy định cấm sử dụng các ứng dụng live stream ở nơi  làm việc và trong giờ làm việc để bảo đảm bảo mật và không ảnh hưởng tới công việc.

Chuyện lậm Bigo Live dẫn tới lãng phí thời gian, xao nhãng chuyện học hay làm việc là điều đã thấy rõ rồi. Đây còn là một ứng dụng hỗ trợ mua sắm trong ứng dụng. Trong khi đang xem ai đó chia sẻ video, các thành viên có thể “tip” hay thưởng bằng cách tặng những món quà ảo trực tuyến, thậm chí có cả xe hơi. Vấn đề là để có được những món quà đó đem tặng “diễn viên”, bạn phải bỏ tiền thiệt ra mua. Các món quà đều được quy giá trị bằng bao nhiên viên kim cương (một dạng ngân tệ). Bạn phải mua các viên kim cương này (qua thẻ tín dụng hay dịch vụ thanh toán online) với giá hiện nay của Thái Lan là 1 baht (gần 650 đồng) được 2 viên kim cương.

Theo chúng tôi nghĩ, nếu cứ chỉ chăm chăm vào việc tìm cho ra những biện pháp để quản lý các dịch vụ online như Bigo Live thì hoàn toàn bất cập. Bởi đó chỉ là cách hành động ở phần ngọn, mang tính đối phó, chữa cháy. Và tương lai sẽ còn có nhiều thứ giống như Bigo Live. Vì thế, điều cần hơn cả là có những giải pháp nào để mở rộng giáo dục cho mọi người biết những tác hại của việc lạm dụng những ứng dụng công nghệ, trang bị cho giới trẻ nền tảng nhận thức và văn hóa, tăng cường khả năng miễn dịch cho mọi người, trao cho họ năng lực để có thể xử lý tốt đẹp những tình huống tương tự. Đây là một tiến trình dài hạn và cần có sự chung tay tham gia của ngành giáo dục, các tổ chức thanh thiếu niên. Sẽ vô cùng có ích cho tất cả nếu những buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, những hoạt động đoàn thể có thêm nội dung trang bị cho giới trẻ những cách ứng xử đúng đắn trong môi trường sống đang ngày càng số hóa và kết nối sâu rộng hơn.

Trong thời gian gần đây, các mạng truyền thông xã hội đang cạnh tranh nhau tích hợp chức năng Live stream vào nền tảng chia sẻ của mình. Đó vừa là một bước tiến bộ mới của công nghệ, vừa đáp ứng nhu cầu hiện đại của người dùng. Sau những dạng chia sẻ bằng chữ, bằng lời nói, bằng hình ảnh, giờ là bằng video trực tiếp truyền hình – mà video thì luôn có tầm ảnh hưởng lớn hơn cả. Chỉ có điều cần hiểu rằng mạng Internet cực kỳ phức tạp (cũng do người dùng) nên không phải bất cứ chuyện gì kể cả của cá nhân lẫn về mọi người chung quanh đều có thể “trình chiếu” trên mạng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Bạn có thể đọc bài in trên báo Người Lao động TP.HCM ngày 29-6-2016 và trên báo Người Lao động Online

160629-baibao-nguoilaodong-02_resize

160612-baibao-tuoitre_resize