Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Thì ra cà phê tích hợp đậu nành là đây

 

 

Sáng nay (9-8-2016) lật trang quảng cáo của báo Tuổi Trẻ, tôi giựt mình ngạc nhiên trước một quảng cáo nguyên trang cho biết từ 1-8-2016, sản phẩm cà phê của Vinacafé hoàn toàn là cà phê nguyên chất. Trong óc tôi lập tức bật ra câu hỏi: hóa ra gần nửa thế kỷ nay, các khách hàng trung thành với thương hiệu cà phê Việt Nam Vinacafé đã vô tư bị cho uống cà phê không nguyên chất?

160809-vinacafe-1_resize

Hãng Vinacafé hoạt động ở miền Nam Việt Nam từ năm 1968 và hiện nay là một doanh nghiệp Nhà nước giữ được thương hiệu nổi tiếng này. Tôi đã đi vào rất nhiều siêu thị, mall, cửa hàng ở Mỹ và khoái cái bụng khi nhìn thấy các sản phẩm của Vinacafé được bày bán. Nhiều người bạn Việt kiều của tôi ghiền Vinacafé. Thậm chí có một người Việt từng là sĩ quan VNCH định cư ở Mỹ tẩy chay tất cả các sản phẩm nhập từ Việt Nam ngày nay, ngoại trừ món cà phê của Vinacafé.

Trong bố cáo trên báo này, Vinacafé trần tình rằng trong suốt nhiều chục năm qua, do phải chiều theo khẩu vị thị trường, họ đã phải quay mặt với triết lý ban đầu “cà phê phải là cà phê” của mình để sản xuất những sản phẩm cà phê mang thương hiệu Vinacafé được trộn với đậu nành. Vinacafé nói rằng bấy lâu nay, họ đã phải sản xuất trong “nỗi day dứt và ám ảnh”.

Cách đây không lâu, trong mạch chủ đề chống thực phẩm bẩn và làm ăn gian dối, báo Tuổi Trẻ đã có một loạt phóng sự điều tra về chuyện sản xuất cà phê bằng hay độn bắp và đậu nành. Do cà phê là thức uống thiết thân với quá nhiều người, có lẽ chỉ thua trà, đề tài cà phê đội lốt này đã lập tức làm bùng nổ những cuộc tranh luận của công chúng và giới chuyên môn.

Trong nhiều năm qua, tôi đã nhiều lần nghe những người chế biến cà phê và bán cà phê (cả bán cà phê và bán quán cà phê) cho biết hầu hết khách hàng “chê” cà phê nguyên chất nhạt nhẽo và xấu nước mà chuộng cà phê “độn” bắp và đậu nành cho nó đậm đà. Quả là một chuyện lạ. Chẳng lẽ trong khi với các thứ khác, ai cũng muốn được hưởng đồ gin (original), nguyên chất, thì với cà phê lại ngược lại?

Tôi nghĩ trong cái chuyện “đẻ ngược” này có sự thêm tay, thêm chân của giá thành. Người bán muốn hàng giá rẻ hơn để bán được nhiều, người mua muốn hàng giá rẻ hơn để dùng cho nó đã. Và giải pháp mà cà người bán lẫn người mua ngầm thỏa thuận với nhau là ra tay ếm xì bùa trong công thức chế biến và thành phần sản xuất để có giá thành càng rẻ càng tốt.

Có lẽ xưa nay, người ta mặc nhiên chấp nhận rằng cà phê quán nhỏ, cà phê quán cóc, cà phê vỉa hè, cà phê vùng quê,… có thể bán cà phê độn bắp hay đậu nành. Chất lượng được dựa trên tỷ lệ độn và những bí quyết từ khâu chế biến tới pha chế. Hồi tôi còn nhỏ kế bên nhà tôi có một người mở xưởng chế biến cà phê và mẻ cà phê nào cũng được họ chế thêm một ít nước mắm cho dậy mùi. Thời làm báo dưới tỉnh, sáng nào tôi cũng cùng mấy anh bạn cánh hẫu “trực” quán cà phê gần tòa soạn. Và tôi được rỉ tai một bí quyết giữ khách của cô chủ quán là nhỏ vài giọt nước vỏ cau hay hột cau sắc vào cà phê cho nước đen sánh lại và có mùi vị đậm đà khó quên.

Nhưng có lẽ ai chấp nhận tốn tiền vào những tiệm cà phê lớn, có thương hiệu hay mua những sản phẩm cà phê của những thương hiệu nổi tiếng cũng đều có ý nghĩ mình được thưởng thức cà phê xịn, cà phê nguyên chất.

Vậy mà với lời tự thú trước bình minh của Vinacafé như sáng nay tôi đọc được, người tiêu dùng đã bị lầm (tôi đã dừng lại khá lâu để suy nghĩ có nên dùng chữ “bị lừa” hay không). Đố ai tìm được trên bao bì sản phẩm cà phê nào có ghi trong thành phần có bắp hay đậu nành. Nhà sản xuất gọi là “trung thực nhất” chắc chỉ ghi chung chung là chất phụ thêm. Tôi mới coi lại bao bì của loại cà phê hòa tan đen đá 2-in-1 ghi là “G7 cà phê thứ thiệt” có thành phần gồm nhiều thứ, trong đó cà phê hòa tan (chỉ chiếm 15%), và càng lạ hơn khi cà phê thứ thiệt còn được ướp bằng “hương liệu cà phê tổng hợp”. Dù sao, ở đây, nhà sản xuất cũng minh bạch thông tin để tùy khách hàng quyết định. Nhưng còn cái chữ “cà phê thứ thiệt” thì sao?

Hèn chi mà bao lâu nay, tôi và nhiều đồng bọn uống cà phê trớt quớt: cứ miệt mại cà chỗ phê mà chẳng hề thấy phê chỗ cà.

160809-vinacafe-2_resize

Vinacafé tâm tình rằng nhân thời điểm diễn ra cuộc tranh luận về cà phê thiệt giả hiện nay, họ đã quyết định: “Từ ngày 1-8 (2016), mỗi dòng sản phẩm từ Vinacafé phải là cà phê. Từ hôm nay, Vinacafé tự hào tuyên bố dòng cà phê Wake-up và Phinn cũng đều là “cà phê phải là cà phê” và đã được chính người tiêu dùng công nhận ngon hơn, cà phê hơn, và Việt Nam hơn so với dòng cà phê này có chứa đậu nành trước đó của chúng tôi.” Cuối cùng, Vinacafé tuyên bố: “Từ ngày 1-8 (2016), Vinacafé sẽ sản xuất và cung cấp ra thị trường sản phẩm cà phê chỉ làm từ cà phê, không pha trộn đậu nành.” Ho cũng “cam kết bảo vệ đến cùng niềm tin ấy”.

160809-vinacafe-3_resize

Thiệt bụng là tôi đâm lo cho Vinacafé. Khẩu vị của người dùng và thị hiếu thị trường bao giờ cũng đa dạng. Chẳng có gì phải ngạc nhiên hay hốt hoảng nếu có người khoái uống cà phê độn đậu nành hay bắp. Thực tế thị trường cho thấy nhà sản xuất thành công là nhà sản xuất có thể phục vụ được các đối tượng khách hàng rộng rãi. Vấn đề cốt lõi ở đây là sòng phẳng và minh bạch thông tin, loại nào ra loại đó, cho người dùng rộng đường lựa chọn. Kế đến là nhà sản xuất bảo đảm được chất lượng và an toàn thực phẩm cho các sản phẩm của mình. Nói thiệt nghe, loại cà phê trộn đậu nành hay bắp của Vinacafé chắc chắn an toàn hơn cà phê độn bắp hay đậu nành được bá tánh bào chế.

PHẠM HỒNG PHƯỚC