Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Úy Trời, Mùng 8 rồi sao…

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ:

 

Tôi phải nhéo bắp vế mình mấy cái mới biết là mình tỉnh khi nhìn bên dưới tờ lịch bloc thấy ghi bữa nay là Mùng 8 Tết Đinh Dậu (thứ Bảy 4-2-2017). Mừng quá sá quà sa khi chỉ còn 376 ngày nữa là ta lại có thể ăn Tết Mậu Tuất 2018 rồi. Lẽ ra ta không phải chờ lâu đến như vậy đâu, do năm Đinh Dậu nhuận 2 tháng 6 nên có tổng cộng 384 ngày. Nghĩ mà ứa gan!

Một nỗi giận vô cớ, biết vậy, nên tôi lôi cây bút S Pen ra gạch mấy cái đầu dòng trên ứng dụng S Note:

+ Năm mới âm lịch Đinh Dậu tới bữa nay đã xài hết 8 ngày. Thứ Bảy cách đây đúng một tuần còn đang tưng bừng Mùng Một Tết kia mà. Năm dương lịch 2017 chỉ còn 10 tháng + 24 ngày nữa để ai muốn làm gì trong năm này thì lo mà làm. Đó là số ngày lý thuyết thôi. Còn ngày nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ thì dân xứ Việt luôn rủng rỉnh dư thừa.

Các doanh nghiệp, nhất là những nơi của nước ngoài hay có mần ăn với nước ngoài, chưa kịp hoàn hồn với kỳ nghỉ Tết dài bắt rầu rụng rún thì vội thất kinh khi nghe nói Bộ Nội vụ vừa ăn Tết vô đã gửi Công văn 5039/BNV-TCCB cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thống nhất các dịp nghỉ lễ trong năm 2017. Gần nhất là dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, 93 triệu con cháu trong nước ăn đám giỗ tập thể lớn kéo dài tới 4 ngày liên tục. Do ngày chính nhựt của đám giỗ Tổ mùng 10-3 vào ngày thứ Năm nên bộ đề nghị cho nghỉ luôn ngày thứ Sáu kế đó để làm bù vào ngày thứ Bảy tuần sau hay tuần trước. Gọi là làm bù cho nó hợp thức hóa dễ quyết toán thôi chớ ai cũng biết ngày đó có làm cũng như không vì… không như lệ thường cả quan lẫn dân đều không quan tâm.

Sau đợt nghỉ ăn đám giỗ Tổ từ ngày 6 tới ngày 9-4, không lâu sau đó, người lao động lại được nghỉ tiếp một đợt 4 ngày nữa trong dịp 30-4 và 1-5. Rồi dịp 2-9 lại được nghỉ thêm 3 ngày nữa.  

Cái này phải quy trách nhiệm là lỗi của… ông thần quản lịch thôi, cớ sao lại để những ngày lễ của xứ Việt trùng với dịp nghỉ cuối tuần thế kia. Bộ Ngài ta hỗng có hiểu người xứ Việt vốn ham vui bẩm sinh từ trong gien, ham chơi, biếng làm; chơi tới bến, làm tới giờ?

Xin nói cho rõ là ở trên, tôi chỉ nói giùm bà con doanh nghiệp thôi. Chớ ở phía người làm công như tôi, nói nghe mắc cỡ thiệt á, nghỉ càng nhiều càng sướng! Đó là lý do mà trước sau như một, tôi ủng hộ giải pháp gộp vô ăn tết một lần, nghỉ từ tết Tây tới hết tết ta. Ây da! Thiện tai thiện tai!

 

+ Có bạn thắc mắc vì sao Tết Đinh Dậu 2017 này tôi không gáy gọi mọi người tỉnh dậy đi làm sau Tết?

Thú thiệt, tôi tôn trọng quyền tự do nghỉ ngơi của mọi người, bởi nếu có ý thức về bản thân mình, người ta ắt biết lúc nào cần phải làm việc.

Thứ tới là tôi cũng đang bận… ngủ. Thay vì gáy ò ó o, tôi cũng đang ngáy khò khò khò… Chí có điều, tôi ngủ đúng quy trình, theo cơ cấu, ngủ một cách có trách nhiệm, không quất mã truy phong…

Thiệt tình, chưa hết Rằm tháng Giêng – ấy là dân nghiêm túc đó, chớ lẽ ra phải lầy cho tới hết tháng Giêng là tháng ăn chơi… như ông bà ta đã chuẩn hóa thành ca dao, tôi có thức thì có việc gì đâu để làm, mà làm thì làm với ai?

 

+ Sáng nay mới đọc báo thấy vị Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết Chính phủ chưa nhận được đề xuất từ cả tổ chức hay cá nhân nào về chuyện gộp Tết ta vào Tết Tây và chính phủ cũng chưa bàn về chuyện bỏ Tết ta. Thôi à nghen. Ai đó ỷ mình có trí khôn hơn người, có thời gian quởn thì làm ơn tập trung suy nghĩ những chuyện có lợi thiết thực cho quốc kế dân sinh, giúp cho dân giàu nước mạnh thiệt sự, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đừng ai manh động mà động chạm tới cái Tết của dân tộc Việt à nghen.

Tết là một trong những di sản thiêng liêng và quan trọng nhất mà tổ tiên từ thời 18 đời vua Hùng Vương dựng nước truyền lại và được bao thế hệ cháu con bảo tồn tới tận ngày nay. Tết có bề dày bằng cả lịch sử văn hóa dân tộc Việt. Người Việt ăn Tết suốt hơn 4 ngàn năm rồi, có sao đâu mà ai đó quởn quá kiếm chuyện với Tết.

Tôi nói cho đơn giản nghen. Tết là ngày đầu năm mới. Dân tộc nào trên thế giới cũng ăn mừng vào ngày này. Tùy theo dân tộc mình xài loại lịch nào, mà mỗi dân tộc có ngày Tết khác nhau. Suy ra, xứ Việt ta đang xài song song cả dương lịch lẫn âm lịch, chung sống hòa bình ấm êm nhiều trăm năm nay, nên cứ mừng cả hai dịp đầu năm như hàng trăm năm nay vẫn vậy. Đâu phải do ăn mừng cả Tết Tây Tết ta mà nước Việt mình sinh ra chiến tranh, cứ mãi nghèo một cách ổn định. Ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào cộng đồng thế giới thì dịp người ta ăn Tết dương lịch, ta cũng mừng theo. Mừng Tết Tây thì có chết “thằng tây” nào đâu mà lăn tăn. Hơn nữa, vào dịp thiên hạ nghỉ tết, ta có làm thì làm với ai?

Còn Tết ta là tết của ta, là lễ hội truyền thống quan trọng nhất và thiêng liêng nhất trong các thể loại lễ hội của người Việt. Vậy nên, ta phải giữ gìn, bảo tồn Tết ta cho tới tận khi nào ta không còn cảm thấy mình là người Việt nữa.

Thiệt ra vấn đề của mọi vấn đề không phải ở chỗ ai đó cảm thấy quởn hay muốn câu like, câu view mà nảy nòi ra cái vụ bàn về số phận của ngày Tết. Cái cốt lõi và cần phải bàn liền là ăn Tết như thế nào cho nó hợp thời và đúng đắn. Chớ cứ cái kiểu ăn tết nhây, ăn tết lầy, dùng tết làm vật chủ cho hàng lô lốc các thứ ký sinh gọi là lễ hội văn hóa mà bầy hầy, bát nháo như không ít năm qua lẫn năm nay thì thiệt là có tội với Tổ phụ Lạc Long Quân và Tổ mẫu Âu Cơ, cho dù cả hai đã nửa đường bỗng dưng đứt gánh, chia đều 100 người con, người lên non, kẻ xuống biển khiến cho dân tộc Việt có huông phải trải qua những cuộc phân ly đứt ruột đứt gan tứ tán tứ xứ.

Ghét ghê vậy đó!

PHẠM HỒNG PHƯỚC