Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Nga di tản công dân khỏi Damascus: một dấu hiệu sắp kết thúc cuộc chiến Syria?


 

Cuối cùng, Nga cũng đã phải tiến hành sơ tán các công dân nước mình ra khỏi Syria. Động thái này có thể khiến người ta suy diễn là Nga đã không còn tin rằng chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad có khả năng tồn tại lâu hơn. Thực tế là chiến sự đang ngày càng leo thang khốc liệt với đà thắng đang nghiêng về quân nổi dậy. Hiện nay quân nổi dậy đã kiểm soát các vùng ngoại ô phía đông và tây, và đang tiến về trung tâm thủ đô Damascus. Đêm 20-1-2013, lần đầu tiên thành phố 2,5 triệu dân bị mất điện hoàn toàn. Phải chăng quyết định của Nga là một dấu hiệu cho thấy sắp đi tới hồi kết cuộc của cuộc chống đối ông Assad biến thành nội chiến từ tháng 3-2011 tới nay theo Liên hiệp quốc đã khiến hơn 60.000 người chết?

Nga xác nhận mình đã bắt đầu sơ tán công dân từ ngày 22-1-2013. Ngày hôm đó, hai Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Denisov và Mikhail Bogdanov cùng nói rằng Nga không có kế hoạch sơ tán toàn bộ người khỏi Syria mà chỉ sơ tán những người Nga muốn đi. Có một chi tiết trùng hợp là Nga bắt đầu dùng xe khách để vận chuyển công dân Nga từ Syria qua nước Lebanon láng giềng để từ đó bay về Nga khi ông Michel Suleiman, Tổng thống Lebanon, đang có mặt tại Moscow hội đàm với các nhà lãnh đạo Nga. Do sân bay Damascus quá nguy hiểm, các công dân Nga đã phải ngồi xe 112km vượt biên giới sang Lebanon.   

Ngày 22-1, hai chiếc máy bay hàng không của Nga do Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cử đến đã đáp xuống Lebanon để thực hiện kế hoạch sơ tán công dân Nga từ Syria. Bộ Ngoại giao Nga cho biết tới nay có 5.300 người Nga đã đăng ký với tòa Đại sứ Nga ở Damascus để sơ tán. Tổng số người Nga ở nước này ước tính gần 30.000 người, hầu hết là vợ con người Nga có chồng và cha người Syria.

Có tin nói rằng từ tháng trước, Nga đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng sơ tán công dân nước mình khỏi Syria, cử một đoàn tàu, trong đó có 2 tàu chiến, 1 tàu chở dầu và 1 tàu hộ tống, từ một cảng ở Biển Baltic tới Địa Trung Hải.

Nga không chỉ có những quyền lợi kinh tế ở Syria mà còn có một căn cứ hải quân nhỏ tại cảng Tartus trên bờ Địa Trung Hải của nước này. Trong suốt thời gian nổ ra nổi chiến ở Syria, cùng với Trung Quốc, Nga là chỗ dựa lớn nhất cho Tổng thống Assad, từng 3 lần dùng quyết phủ quyết để ngăn Hội đồng Bảo an LHQ ra những nghị quyết buộc ông Assad phải từ chức.

Trong thời gian gần đây, Moscow đã ủng hộ những nỗ lực của Lakhdar Brahimi, đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Arập về Syria, nhằm hình thành một thể thức chuyển giao quyền lực ở Syria. Nga cũng ít nhất 2 lần tham dự thảo luận với Mỹ về cuộc khủng hoảng Syria. Hồi tháng 12-2012, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Bogdanov, phái viên về Trung Đông của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã nói rằng quân nổi dậy Syria có thể đánh bại các lực lượng trung thành với Tổng thống Assad và Nga đang chuẩn bị cho kế hoạch sơ tán công dân Nga khỏi Syria. Ngay cả Tổng thống Nga Putin hồi tháng trước cũng nói ông hiểu Syria cần có sự thay đổi và khẳng định ông không bảo vệ cho nhà cầm quyền nước này. Ngày 22-1, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng không có nhiều triển vọng cho một kết thúc mang tính ngoại giao của cuộc khủng hoảng Syria.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 23-1-2013)

 

Các công dân Nga ngày 22-1-2013 bắt đầu được sơ tán bằng xe bus từ thủ đô Damascus (Syria) sang Lebanon để từ đó đáp máy bay Nga về nước. (AP Photo/Bilal Hussein)

Các công dân Nga ngày 22-1-2013 bắt đầu được sơ tán bằng xe bus từ thủ đô Damascus (Syria) sang Lebanon để từ đó đáp máy bay Nga về nước. (AP Photo/Bilal Hussein)

Binh lính Lebanon tại cửa khẩu Masnaa (miền đông Lebanon) canh gác khi đoàn xe chở nhóm công dân Nga đầu tiên vừa từ Syria sang. (AP Photo/Bilal Hussein)

VIDEO CLIPS

Russia began to Evacuate Citizens from Syria

 

Russia says Syrian rebels may be victorious