Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Khi những ông lớn công nghệ nửa đường đứt gánh

 

Chuyện tập đoàn công nghệ Internet Yahoo phải rao bán mảng kinh doanh Internet của mình cho nhà mạng di động Verizon không phải chỉ ảnh hưởng trong nội bộ của họ. Dịch vụ webmail đa ngôn ngữ toàn cầu Yahoo Mail ra đời từ tháng 10-1997 có hơn 1 tỷ người dùng thật sự hàng tháng (số liệu tháng 2-2016). Và đó chính là những người bị “văng miểng” có nguy cơ trở thành những nạn nhân mới của những ông lớn công nghệ chẳng may bị sập tiệm hay sang tay chủ khác.

Thật sự là kể từ tháng 7-2016, khi nhà mạng Verizon loan báo đồng ý mua lại mảng kinh doanh Internet của Yahoo với giá 4,8 tỷ USD, những người bao nhiêu năm nay quen sử dụng tài khoản e-mail Yahoo trên toàn thế giời cũng nhấp nhổm theo. Họ không rõ sau khi đã hoàn tất thủ tục pháp lý vào năm 2017 này, ông chủ mới Verizon sẽ “xử” ra sao với dịch vụ e-mail miễn phí của Yahoo. Ngay cả những người đang sử dụng các dịch vụ có phí như POP3, Business Mail của Yahoo cũng bất an. Ở đây không chỉ nói về thói quen sử dụng nhiều năm đối với một dịch vụ, tới mức có những tác vụ đã trở thành một quán tính, mà còn về cái địa chỉ liên lạc đã gắn với người dùng. Địa chỉ e-mail cũng giống như số điện thoại, đâu phải thay đổi chúng là dễ dàng.

Xét về nhiều khía cạnh, việc mất địa chỉ e-mail còn gây nhiều khó khăn cho người dùng hơn là mất tài khoản một mạng truyền thông xã hội nào đó, ngay cả với Facebook – mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới có tới hơn 1,86 tỷ người dùng thật sự hàng tháng (số liệu ngày 31-12-2016). Ai lỡ mất tài khoản Facebook thì vẫn có thể dễ dàng tạo một tài khoản khác rồi với công nghệ và đặc thù của mạng xã hội này, dần dần các bạn cũ lại Châu về Hợp Phố với nhau. Trong khi đó, thay đổi địa chỉ e-mail có nghĩa là mất các mối liên lạc, phải in lại các name card, giấy tờ,… thậm chí còn phải làm các thủ tục để đăng ký lại với các dịch vụ Internet như ngân hàng, điện lực, bảo hiểm, hàng không,…

Giải pháp nào trong trường hợp cụ thể mất địa chỉ e-mail của Yahoo? May mắn là bạn có các mạng truyền thông xã hội để thông báo cho bạn bè. Nhưng xin lưu ý là chỉ nên cho biết mình đã thay đổi địa chỉ e-mail mới, có gì sẽ inbox từng bạn một, chớ nên công bố địa chỉ e-mail của mình lên mạng xã hội kẻo có thể chuốc lấy lắm muộn phiền sau này.

Nhưng cách tốt nhất và có tính lâu dài nhất vẫn là sử dụng hai dịch vụ e-mail khác nhau song song nhau. Đó là cách giúp những người lâu nay sử dụng cả e-mail Yahoo lẫn e-mail của Google đỡ khốn đốn khi có một địa chỉ e-mail bị mất.

Thật sự thì người dùng e-mail miễn phí ở Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn. Tiện dụng và phổ cập nhất vẫn là hai dịch vụ e-mail miễn phí của Yahoo và Google. Số lượng người dùng webmail của Microsoft (tên trước kia là Hotmail rồi tới năm 2012 đổi thành Outlook.com) không nhiều. Còn tính chung trên thế giới cũng chỉ có khoảng 20 nhà cung cấp dịch vụ webmail có phí và miễn phí có tên tuổi, nhưng không phổ biến bằng Yahoo Mail, Google Mail và Outlook.com, chủ yếu trong phạm vi quốc gia.

Ngoài chuyện đại sự là Yahoo Mail, trong thực tế, người ta vẫn nhiều lần phải thay đổi những dịch vụ công nghệ trên Internet khác do nhà cung cấp ngừng hoạt động hay người dùng chán nên nhảy sang dịch vụ khác. Chuyện này có thể gây bỡ ngỡ lúc ban đầu, thậm chí bị mất một số tính năng cần thiết hay quen dùng, nhưng rồi cũng xong vì người dùng vẫn tiếp tục xài được dịch vụ mà mình cần. Chẳng hạn như chuyển đổi giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet, truyền hình cáp,..

Người dùng công nghệ thường phải ngậm đắng nuốt cay nhất là khi các nhà sản xuất thiết bị, phần cứng bị sập tiệm. Rộ đám nhất là trên thị trường di động khi có hàng lô lốc thương hiệu điện thoại di động – chủ yếu là nội địa – sớm nở tối tàn. Trong trường hợp này, nếu như thương hiệu được bán cho chủ mới, khách hàng còn có khả năng được chủ mới tiếp tục duy trì chế độ bảo hành, hậu mãi. Tình hình cũng tương tự nếu như một hãng công nghệ quyết định ngưng sản xuất một dòng sản phẩm nào đó. Còn trong trường hợp xui xẻo tận cùng mạng, nhà sản xuất không còn nữa, khách hàng coi như bị bỏ rơi, phải chấp nhận thương đau. Cũng có một số nhà phân phối muốn giữ khách hàng đã đứng ra nhận “đổ vỏ ốc”, tiếp tục bảo hành cho người dùng.

Nổi đình đám nhất trong thời gian gần đây là vụ hãng Nokia (Phần Lan) từng là nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới. Năm 2014, mảng sản xuất điện thoại Nokia hoàn tất thủ tục bán cho Microsoft với giá 7,17 tỷ USD. Người dùng sản phẩm Nokia vẫn chưa hết lúng túng với sự thay chủ này thì tới năm 2016, Microsoft lại bán thương hiệu Nokia cho hãng khác. Số phận những người trung thành với thương hiệu Nokia quả là cực kỳ long đong.

Tiếp sau Nokia là những người trung thành với thương hiệu smartphone BlackBerry cũng vang bóng một thời. Điện thoại BlackBerry của hãng RIM (Canada) ra đời từ năm 1999. Sau mấy năm điêu linh lỗ lã như xe đứt thắng lao dốc, thàng 9-2016, BlackBeery chính thức tuyên bố ngưng thiết kế các điện thoại riêng của mình mà chuyển cho các đối tác sản xuất. Mẫu smartphone cuối cùng do BlackBerry thiết kế là Mercury được trình làng tại Triển lãm công nghệ CES 2017 hồi tháng 1-2017 ở Las Vegas (Mỹ) và sau đó do hãng Trung Quốc TCL- một đối tác của BlackBerry – sản xuất và đưa ra thị trường.

Người dùng máy tính IBM một thời lừng lẫy của Mỹ đã lao đao khi hãng IBM năm 2005 bán mảng sản xuất máy tính cho hãng Lenovo (Trung Quốc). Hãng Lenovo giờ chỉ còn giữ lại thương hiệu ThinkPad của IBM mà thôi.

Thương hiệu máy tính Compaq (Mỹ) ra đời từ năm 1982 đến năm 2002 được bán cho hãng đồng hương HP để rồi tới năm 2013 bị cho về hưu mất thương hiệu.

Hãng máy ảnh Mỹ Kodak ra đời năm 1888 tới năm 2012 phải tuyên bố phá sản và không còn sản xuất máy ảnh nữa.

Công ty Samsung Điện tử (Hàn Quốc) năm 2016 đã bán mảng sản xuất máy in lại cho hãng HP với giá 1.05 tỷ USD. Tất nhiên, máy in Samsung sẽ không còn xuất hiện trên thị trường.

Dĩ nhiên, vật đổi sao dời là bình thường, nhất là trong lĩnh vực công nghệ vốn phát triển và thay đổi với tốc độ chóng mặt và có sức cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Chỉ tội cho những người dùng công nghệ, đặc biệt là những khách hàng trung thành xui rủi khi nhà sản xuất hay cung cấp dịch vụ ngừng hoạt động hoặc thay tên đổi chủ. Nếu ở những nước có hệ thống pháp luật mạnh mẽ, họ có thể được bảo vệ khi nhà sản xuất bị ràng buộc bởi những quy định luật pháp cụ thể nhắm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Còn nói chung thì coi như may nhờ, rủi chịu.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks

+ Bạn có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 12-2-2017 và trên báo Pháp Luật TP Online