Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Giải cứu “con tin” mới nhất là… thịt heo

 

Những ngày cuối tháng 4-2017, giữa thời tiết nắng nóng như đổ lửa, cả nước hừng hực trong cuộc chiến giải cứu… con heo.

Ngày 27-4-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN-PTNN) phát văn bản kêu gọi chính quyền các địa phương vào cuộc giải cứu thịt heo đang tồn đọng và bình ổn giá. Chiều hôm sau, trong buổi làm việc về giải pháp tiêu thụ thịt heo, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng bộ này, cho biết ngành chăn nuôi heo nước ta hiện đang xảy ra tình trạng cung vượt cầu và giá bán heo hơi đã giảm thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất của các hộ chăn nuôi. Giá thịt heo hơi đang lao xuống giống, có lúc chỉ còn 20.000 đồng/kg. Sau đó, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đã có thư ngỏ kêu gọi các doanh nghiệp hội viên trong lĩnh vực kinh doanh và chế biến thực phẩm đẩy mạnh tiêu thụ thịt heo. Cụ thể là có kế hoạch chủ động, tăng cường thu mua, tổ chức giết mổ cấp đông thịt heo, dự trữ cho các tháng sắp tới.

Chuyện giải cứu ngành chăn nuôi heo nói riêng, cũng như nói chung là ngành sản xuất nông sản – thực phẩm là một kế sách lâu dài, có bài bản. Cái này thì chúng ta đang có nhiều bất cập. Có nhiều chuyện để nói, nhưng thấy rõ là chúng ta đã chuyển từ cực này sang cực khác, từ kế hoạch hóa mọi chuyện theo kiểu quản thật chặt cứng nhắc khiến năng lực sản xuất bị kềm hãm, tới buông thả cho ai muốn làm gì thì làm. Ở đây không thể dùng từ thị trường hóa, vì nếu thật sự để cho thị trường quyết định thì cung và cầu đã khó xảy ra chênh nhau. Và trong thời gian qua đâu phải chỉ có thịt heo. Người ta đã phải giải cứu chuối, dưa hấu,… ngay cả hoa nữa. Và cứ theo cái hoàn cảnh này thì chuyện giải cứu sẽ là nhiều tập và danh sách các “con tin” cần giải cứu ngày càng dài thêm.

Người nông dân nếu sản xuất nhỏ, như nuôi trong chuồng nhà vài ba con heo chủ yếu để cải thiện cuộc sống, thì chẳng nói làm gì, bao đời nay vẫn “chạy tốt”. Nhưng một khi đã coi chăn nuôi là ngành nghề kiếm sống rồi lên sản xuất lớn, nhất là khi thành doanh nghiệp hẳn hoi, mọi thứ phải có bài bản, tuân thủ quy luật thị trường. Nếu nhà chăn nuôi quy mô lớn mà cứ kết nối với thị trường chủ yếu qua những người lái buôn như những nông dân nuôi heo cải thiện thì chết là cái chắc.

Khó lòng mà nói rằng người chăn nuôi lớn không có lỗi trong sự thể này khi họ cứ cúi đầu cắm cổ mà chăn nuôi, chỉ chăm bẳm cho lợi ích của mình. Nhưng trách nhIệm thì phải quy cho địa phương, bao gồm bộ máy chính trị chính quyền và các thể loại tổ chức, đoàn thể. Dường như ai cũng muốn đàn heo càng đông càng có báo cáo thành tích đẹp hơn. Mà cũng đúng thôi, các đoàn thể, hiệp hội chỉ quan tâm báo cáo thành tích nuôi heo chứ đâu có quan tâm gì tới chuyện tiêu thụ đàn heo đó ra sao.

Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ chuyện giải cứu thịt heo cũng giống như giải cứu những loại nông sản trước đó. Chủ yếu do nghe lời thương lái Trung Quốc hùng hục sản xuất để xuất khẩu sang nước láng giềng rồi phút cuối bị “xù độ, tình vờ”. Trong buổi họp chiều 28-4-2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện nay Việt Nam mới chỉ xuất được một số ít heo, chủ yếu là heo sữa sang thị trường Malaysia, Hồng Kông. Còn chuyện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng chưa được thực hiện do chất lượng chăn nuôi chưa được bảo đảm. Trong khi đó, nhiều nước vẫn chưa công nhận đàn heo ở Việt Nam đã hết dịch bệnh.

Mà đó là chuyện vĩ mô và lâu dài. Còn trước mắt là chuyện chữa cháy, giải cứu đàn heo đang tồn đọng.

Giải cứu với tính thần chữa cháy này chỉ có hai biện pháp: tăng cường thu mua và khuyến khích người dân mua thịt heo. Có một nghịch lý xảy ra: muốn giải cứu người chăn nuôi thì phải thu mua thịt heo với giá cao hơn, trong khi muốn bán được thịt heo thì phải giảm giá bán. Ai sẽ chịu khoản chênh lệch giá đó? Các doanh nghiệp đâu phải là các nhà từ thiện.

Trong một diễn biến mới nhất, sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng, Bộ trưởng NN-PTNN đã có công văn hỏa tốc kêu gọi các bộ ngành, các địa phương… chung tay chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi bằng những việc làm cụ thể như giảm giá nguyên liệu cho chăn nuôi, hỗ trợ tín dụng cho những đối tượng có liên quan tới ngành chăn nuôi, từ sản xuất tới thu mua, chế biến, trữ đông. Trong đó, chuyện nước sôi lửa bỏng là khuyến khích mọi người… ăn thịt heo. Chiều 28-4, đích thân Bộ trưởng NN-PTNN đã tới nhà máy Samsung Việt Nam SEV ở Bắc Ninh để vận động doanh nghiệp Hàn Quốc này hỗ trợ ngành chăn nuôi, cụ thể là tăng cường các món ăn từ thịt heo. Hiện nay, hai nhà máy Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên có hơn 110.000 người lao động và mỗi ngày đều cung cấp tới 160.000 suất ăn cho người làm việc.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết sẽ vận động lực lượng công nhân lao động đông tới 17 triệu người tăng cường mua ăn thịt heo, gọi là hỗ trợ nông dân lúc ngặt nghèo.

Thật là một điều khó xử cho tất cả khi thịt heo và các thể loại thịt khác lâu nay vẫn là thực phẩm bị các chuyên gia sức khỏe và làm đẹp chẳng “khuyên dùng”. Trong khi có rất nhiều người không có khả năng tài chính để “chung sống” với thịt heo trong bữa ăn hàng ngày, ngày càng có nhiều người từ nghèo tới giàu cố gắng giảm các loại thịt để chuyển sang các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe.

Chuyện này làm tôi nhớ tới bộ phim Saving Private Ryan của đạo diễn Steven Spielberg kể chuyện gần như cả đội quân của Đại úy John H. Miller đã phải hy sinh để cứu binh nhì Ryan an toàn về nhà theo mệnh lệnh từ Bộ Chiến tranh Mỹ. Đơn giản vì tôi liên tưởng tới chuyện để giải cứu “đạo quân” heo, người ta phải hy sinh cái vòng 2 và thể trọng bấy lâu nay đang vất vả kiểm soát mà hễ cứ mất cảnh giác một chút là được bổ sung.

Nói đùa chút cho vui thôi. Thực tế là vụ giải cứu thịt heo này cũng có một điều tích cực là tạo cơ hội cho những người lâu nay không dám ăn thịt heo (vì không có đủ tiền) giờ có thịt heo giá rẻ mà mua về cả nhà cùng “trải nghiệm”.

Nhưng bất luận thế nào, chuyện vận động người dân ăn thịt heo là không ăn thua đâu. Nhà nước phải gồng mình có quyết sách thu mua thịt heo để trữ đông va chế biến đóng hộp. Còn chuyện đóng hộp để làm gì lại là vấn đề khác.

Và chuyện lâu dài là Nhà nước phải rà soát ngay lại thực tế sản xuất nông sản và thực phẩm ở nước ta để tránh xảy ra những sự việc giống như mới nhất là thịt heo.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.