“Cái để khoe” và “cách khoe”
Trang tin của Yahoo! Việt Nam ngày 1-2-2013 chơi nguyên một slideshow 29 tấm ảnh với tựa đề “Dàn sao Việt hơn cả gợi cảm với thời trang xuyên thấu”.
Biết nói gì đây ta? Bởi có người khoái ngó (như tôi chẳng hạn) thì mới có kẻ hứng chí “khoe hàng”. Tôi cũng xin nói rõ “mất lòng trước, được lòng sau” rằng tôi viết những dòng này chớ hề bởi tại vì là mình có “căn tu”. Xưa nay tôi luôn tự kiểm điểm rằng mình không đủ tốt để lên thiên đàng mà cũng chẳng đủ xấu để xuống địa ngục (hỗng lẽ là “ma lang thang” sao ta?) Tôi đã từng tự trào rằng mình là kẻ “đam mê cái đẹp chẳng thành tăng”.
Nhưng phải công nhận rằng các “sao” trong thế giới “Việt showbiz” của mình lắm “tài”. Hiềm một nỗi “đau lòng con quốc quốc” là phần nhiều đó hỗng phải “tài nghệ thuật”. Hình như tới mức “phi scandal bất thành nghệ sĩ”. Hết vô tình hay cố ý để “hở” chuyện đời tư, tình ái chằng chịt và nhăng nhít, lại khoe ảnh nude, ảnh “lộ hàng”, ăn mặc trống trên hụt dưới. Một vài vụ, một vài cá nhân thì còn có thể gọi là cá biệt, là hiện tượng. Còn khi đã thành “đại trà” rồi thì… trở thành một “lối sống”.
Bởi vậy, chuyện các nàng “sao” có ăn mặc “xuyên thấu” cũng là lẽ thường tình. Ta cứ tự an ủi rằng họ làm theo lời ông bà mình dạy rằng “xấu che, tốt khoe”. Mà quả thiệt, họ cũng có cái để mà khoe đó chớ! Chớ như cỡ tôi mà mặc đồ “transparent” thì bá tánh có nước mà… nổ con ngươi!
Trước nay hễ có ai đó càm ràm chuyện mấy nàng để lộ “nội y”, tôi lại “phân bua” giùm: Hỗng lẽ bỏ ra mấy triệu đồng mua mấy món underwear hàng hiệu về lại giấu kín đi, chỉ có chồng hay người yêu thưởng ngoạn thôi sao? Còn nói theo kiểu “kinh tế thị trường”, biết đâu chừng có nàng lại có giao kèo quảng cáo cho mấy hãng underwear thì sao.
Nói rằng các “sao” loại này “tự tin” cũng đúng, mà biểu là họ “thiếu tự tin” cũng hỗng sai. Chỉ có điều, họ “tự tin” rằng mình không thể lôi cuốn được nhiều người bằng tài năng nghệ thuật “vàng 9999 không sợ lửa”, và họ “thiếu tự tin” vào tài năng nghệ thuật của mình. Và họ cứ nghĩ đơn giản là làm cách nào cũng đặng, miễn là lôi kéo được sự chú ý của công chúng. Dân gian mình xưa nay thay vì nói “nghe nhạc” lại dùng từ “xem hát”. Thực tế là ngày càng nhiều chương trình ca nhạc có vô số cái để “xem” mà chẳng có bao nhiêu điều để “nghe”. Những “sao” này vô tình hay cố ý quên mất tiêu rằng đối tượng công chúng mà họ lôi kéo được qua những chiêu, những trò ấy là ai? Bắt chước một câu danh ngôn hỗng phải của mình, tôi cà khịa rằng: “Hãy nói cho tôi biết fan của bạn là ai, tôi sẽ cho biết bạn là loại nghệ sĩ gì”.
Đứng ở góc độ người ngó, tôi cứ lấy mình ra mần ví dụ cho nó an toàn. Bất luận thế nào tôi vẫn là một con người. Mỗi khi tình cờ hay bị “cưỡng ép” nhìn thấy ai “xấu che, tốt khoe”, phần “con” của tôi chộn rộn “đã cái con mắt”, còn phần “người” lại thấy thương hại, áy náy cho người “tình thương mến thương”.
Suy cho cùng, thời trang “xuyên thấu” cũng giống như khỏa thân, cực kỳ nhạy cảm với cái lằn ranh rất mong manh giữa “nghệ thuật” và “kích dục”, giữa “đẹp” và “xấu”. Lại méo mó câu nói hỗng phải của mình, tôi nghiệm rằng: “cái để khoe không quan trọng bằng cách khoe”.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 1-2-2013)