Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Đi hành khất, cún vẫn “danh giá” hơn đàn ông

Ở Việt Nam, đàn ông là cây cột cái trong nhà, là chủ hộ, là “number one” theo quy ước truyền thống “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (chỉ cần 1 trự con trai là đủ, có tới 10 con gái thì có cũng như không).

Bởi vậy, quý ông gốc Việt nhà mình qua Mỹ mới bị sốc vì cái gọi là “cultural conflict” (xung đột văn hóa). Trong xã hội Mỹ, thứ tự phẩm trật, ít nhất là ở chốn công cộng, là phụ nữ số 1, người già và trẻ em số 2, chó xếp thứ 3 và sau rốt là… đàn ông. Nóng giận lỡ có độp một gã nào đó thì còn nhẹ tội, chớ mà quen thói ở Việt Nam đá đít một con cún là ở tù như chơi.

Ngay cả khi chủ bị mất job rồi trở thành homeless hay đệ tử Cái Bang, chó vẫn có “vị thế” hơn ông chủ. Nhiều gã hành khất dẫn theo chó dễ khiến bá tánh động lòng thương… chó mà cho chủ nó hưởng ké. Hồi tháng 9-2012, tôi từng chứng kiến ở góc đường Powell – O’Farell (downtown của San Francisco, California) một lão bà bà ngồi co ro trên xe lăn trong khi con cún của bà mặc áo ấm và nằm trên một tấm đệm dành riêng cho chó.

Tôi không hề có ý “bôi bác” gì xã hội Mỹ đâu, vì ở nước nào trên thế giới mà không có các đệ tử Cái Bang. Có lăn tăn chút đỉnh họa chăng là bị ám ảnh về một nước Mỹ là nền kinh tế lớn số 1 thế giới, là đất nước cực giàu mạnh. Tôi chỉ thấy ngồ ngộ ở kiểu cách hành khất rất ư là “US style”, nhất là khi người cùng “hành nghề” với chú cún. Ông bà mình đúc kết cái cảnh cùng khổ rằng “đời đen như mõm chó”, “khổ như chó”, “nhục như chó”…. Tôi chạnh lòng xót cho những “người bạn loài vật tốt nhất và trung thành nhất của loài người”, chúng đâu có quyền chọn chủ…

Đệ tử Cái Bang ở Mỹ cũng lịch sự và tự trọng. Họ thường không ỉ ôi, ca cẩm. Mỗi người có một tấm bìa carton ghi hoàn cảnh, nhu cầu của mình rồi lặng lẽ ra đứng trên đường phố. Ông lão hành khất này ghi trên tấm bìa cứng rằng mình đói và bị gãy (chân), ai cho bất cứ cái gì cùng đều tốt hết, rất cảm ơn. (Ông lão chơi chữ ác liệt à nghen: chữ “broke” là quá khứ của động từ “break” vừa có nghĩa là “gãy”, vừa mang ý là bị phá sản, khánh kiệt, sa sút, suy nhược,… tóm lại nghĩa là “đen như mõm chó”.)

Còn cái ông Cái Bang này mới thiệt là ngầu và bậm trợn. Ông ta thu hút sự chú ý của người qua đường bằng cây đàn guitar. Có tới 2 chú cún, một con nằm ngủ ngon lành bên trong chiếc hộp đàn. Khi thấy tôi từ xa chụp ảnh, ông ta giận dữ giơ cái “ngón tay thối” về phía tôi để chửi rủa. Tôi chỉ biết cười cầu tài, gật đầu chào và chắp tay xá một cái.

Những khi qua Mỹ hay bất cứ nước nào khác, tôi đều có cái thú là lang thang phố xá để tận mắt nhìn thấy và hòa vào cuộc sống của dân sở tại. Nhưng chưa ở đâu tôi bị sốc vì số lượng dân homeless và hành khất như ở Mỹ. Cứ mỗi lần qua, tôi lại thấy hàng ngũ Cái Bang thêm đông hơn. Thật ra, một phần là bởi cái tập quán và lối sống ở Mỹ nó khác thiên hạ. Người ta thà chấp nhận ra đứng đường chớ hỗng thèm hạ mình làm những công việc mà mình chẳng khoái. Có lẽ đó là lý do hàng ngũ Cái Bang Mỹ hiếm có dân gốc Mễ hay gốc Việt. Xã hội Mỹ cũng cực kỳ nghiệt ngã và sòng phẳng, có làm thì mới có ăn, có đóng góp thì mới được hưởng thụ, chính phủ Mỹ không làm thay công việc của các hội đoàn từ thiện vốn nhan nhản và hoạt động rất hiệu quả.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 5-10-2012)