Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Chiếc phong bao nhỏ mà lớn…

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

Khi ta có nhiều con cháu còn nhỏ, cụ thể là dưới 18 tuổi, cũng là lúc ít có người nào, kể cả một số bạn bè, can đảm tới nhà ta chúc Tết trong mấy ngày Tết. Lý do chung mà cả họ lẫn ta đều thống nhất: nỗi ám ảnh mang tên lì xì.

Thời buổi này mà lì xì có giá trị ít thì bị cười. Còn lì xì nhiều thì ta hết cười nổi.

Bọn nhóc tì bây giờ láu lắm. Vừa nhận bao lì xì xong là chúng mở ngay ra kiểm đếm, thậm chí ngay trước mặt khổ chủ, rồi lập tức bình phẩm với nhau và thể hiện thái độ ngay trên khuôn mặt. Báo hại ta ngồi nhắp tách trà ô long nhập từ xứ Đài bạn mời mà nghe cái cổ họng chát đắng.

Từ cái ngày đó chưa xa, cũng giống số phận của chiếc bánh Trung thu trong dịp Tết Nhi đồng tháng Tám, chiếc phong bao lì xì đã bị những người lớn chuyển biến thành một phương tiện để cống nạp và lấy lòng cấp trên hay những ai có thẩm quyền mang lại lợi lộc cho mình.

Bọn trẻ cũng bị lây nhiễm ngay từ cha mẹ mình. Không ít nhóc đã đặt ra chỉ tiêu, target thu hoạch lì xì nữa kìa. Có những phụ huynh cũng tham gia cùng con và có màn tổng kết một mùa thu hoạch nữa.

Tôi có anh bạn là Việt kiều Mỹ về thăm nhà dịp Tết. Đi thăm hoặc được thăm bởi bà con xa gần nào, anh cũng phải lì xì. Ban đầu bỏ phong bao tờ 20 USD, bị bỉu môi, anh phải cắn răng mà rấn thêm thành tờ 50 USD. Sau mùa tết thăm quê nhà, anh về Mỹ cày mệt xỉu với nghề hớt tóc được khách chỉ bo một vài đồng. Có lẽ giờ anh vỡ mộng vì lâu nay người Việt bên Mỹ cứ nghĩ rằng lì xì bằng những tờ 2 USD là may mắn, được nhiều người thích. Mà cũng chẳng trách được gì nhau khi ai lại chẳng thích được càng nhiều may mắn, nhiều phúc lộc càng tốt.

Nhiều nguồn nói rằng tục lì xì xuất phát từ Trung Hoa xưa. “Lì xì” là phiên âm của chữ “lợi thị” trong tiếng Hoa, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Lì xì nguyên thủy là để chúc phúc, chúc điều lành cho trẻ con. Sau nó dành cho cả người lớn với ý nghĩa ban đầu là lời chúc người nhận phát đạt, hạnh phúc. Vì thế tiền lì xì là tiền may mắn, tiền lấy hên đầu năm cho cả năm.

Do là tiền may mắn nên tiền để lì xì ngày xưa chỉ là món tiền nhỏ, nhưng tốt nhất là tiền mới. Cái bao lì xì thường là màu đỏ kế đó là màu vàng vốn là những màu may mắn. Và cái bao lì xì được thiết kế, trang trí sao cho đẹp mà trang trọng. Có lần qua Đài Loan dịp trước Tết âm lịch, tôi đã phải choáng ngợp vì các kiểu bao lì xì bán trong một cửa hàng Tết.

Tết năm nay đã xuất hiện nhiều hơn trước những loại bao lì xì phá cách, tân thời được trang trí và in những câu chữ theo trend thời thượng của giới trẻ, đặc biệt là trên mạng xã hội. Coi cũng vui mắt, nhưng chúng chỉ thích hợp giữa giới trẻ với nhau. Chẳng hạn, mấy cô, mấy chị thuộc nhóm FA lưu niên và bền vững ắt rất phê khi nhận được chiếc bao lì xì in dòng chữ “Lì xì của chế, năm nay thoát ế”. Còn ông bà chắc chết ngất khi nhận từ tay con mình chiếc phong bao in dòng chữ: “Cô là ai? Cháu không biết!” hay “Tết con cờ-hó thuận buồm xuôi gió”. May mắn là các bạn trẻ có văn hóa luôn biết chừng mực, cái nào ra cái nấy.

Trong khi đó, đại đa số người Việt vẫn còn giữ được cái lề thói tốt đẹp là chăm chút cho chiếc phong bao lì xì sao cho bắt mắt mà trang trọng. Hôm đi ngao du ở Phố Ông Đồ Saigon, tôi thấy có không ít người còn mua những chiếc phong bao đỏ hay vàng rồi nhờ thầy cô đồ viết thư pháp những câu chúc lên đó. Tốn thêm tiền mà ưng cái bụng, an cái lòng. Ngày càng có thêm nhiều thương hiệu, nhiều doanh nghiệp in những chiếc phong bao lì xì của riêng mình để tặng khách hàng, đối tác và nói chung là chúng được chăm chút cực đẹp và sang trọng.

Cuối cùng, trở lại sứ mạng chính của tạp ghi này là tôi viết để phân trần với một số bạn bè lý do vì sao Tết năm nay tôi đành hẹn hò họ qua mùng ta hãy gặp ta nhé. Ở tuổi tụi tôi thường mỗi năm một thêm đông con cháu! Ở tuổi tụi tôi thường mỗi năm một giảm đi thu nhập!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh chụp ở Phố Ông Đồ Saigon Tết Mậu Tuất 2018. (Ảnh: PHP)