Thần Tài đến…
Ngày mùng 10 Tết Mậu Tuất là Chủ nhật 25-2-2018, đi lễ nhà thờ ca 7g30 sáng về, tôi leo ngay lên YouTube mở coi nữ ca sĩ người Việt gốc Hoa Lương Bích Hữu trẻ trung vui tươi nhí nhảnh hát ca khúc Thần Tài Đến bằng cả ngôn ngữ Việt và Hoa (thực hiện năm 2012). Có nhiều người hát bài này, nhưng sáng tay tôi chọn Lương Bích Hữu vừa là ngẫu nhiên, vừa là do tính cẩn thận chu đáo. Bởi nghi thức cúng Thần Tài có xuất xứ là của người Hoa nên tôi e rằng Thần Tài cũng là người Hoa, ít nhất là người Việt gốc Hoa, nhờ ca sĩ Lương Bích Hữu cũng là người Việt gốc Hoa, hát khỏi cần phiên dịch cho đôi bên. À mà có thể gọi đây là một nghi thức cúng Thần Tài phiên bản công nghệ 4.0 không?
Trong khi đó ở bàn thờ Thần Tài dưới nhà, nghi thức cúng vía Thần Tài mùng 10 Tết đang được tiến hành với khói hương nghi ngút, đèn điện sáng choang. Có thể cúng mặn hay chay, và các lễ vật cúng cũng linh hoạt. Có cả những bài văn tế cúng Thần Tài nữa kia. Mà thời này không cần phải nhớ, phải đọc đâu, cứ mở smartphone vào mạng là có người đọc thay, bao bài bản, bao chuyên nghiệp.
Gia đình tôi cúng Thần Tài theo nguyên tắc bất di bất dịch, trước sau như một, năm nào cũng như năm nào, cốt ở lòng thành và niềm tin. Lễ vật là một con cá lóc nướng trui mua ở chợ thực phẩm An Đông – Chợ Lớn chỉ cách nhà vài trăm mét, một miếng thịt heo quay, 3 con tôm luộc và 3 quả trứng vịt luộc. Tôi có ké bằng 4 xấp USD tiền Hell Bank năm nay in cực đẹp (giá 2.500 VND/ xấp). Tôi vốn mê Sir Benjamin Franklin tới mức ám ảnh và coi cái người có ảnh chân dung in trên tờ giấy bạc 100 USD như Lifetime Idol của đời mình. Á vương Idol của lòng tôi chính là Thần Tài mà bữa nay mọi người cúng bái. Nên đừng trách vì sao tôi kết hợp hai ngài lại với nhau theo công nghệ Mixed Reality.
Sáng nay, nhiều ngôi chợ nghi ngút khói từ những lò nướng cá lóc phục vụ cho nghi thức cúng Thần Tài. Cá lóc nướng sẵn, đa dạng kích cỡ, mọi người có thể chọn mua về là cúng ngay. Tất nhiên giá cả hôm nay có cao hơn, phần chính vì một cái truyền thống đã hòa thành máu thịt của người buôn bán từ nhỏ tới lớn của xứ Việt là tranh thủ những dịp mà người mua có nhu cầu cao và bị triệt buộc mà… bán giá cao. Con cá lóc nướng trui sẵn mà gia đình tôi mua năm nay giá 100.000 đồng. Một con cua luộc bằng bàn tay được kêu giá tới 300.000 đồng.
Đồ cúng được các cửa hàng nhang đèn chuẩn bị sẵn thành từng package rất gọn và tiện cho người mua. Sáng nay tôi ghé tiệm nhang đèn bồ ruột trên đường Nguyễn Tri Phương (gần Ngã Sáu Chợ Lớn) thấy bán bộ đồ cúng như vậy với giá 40.000 đồng.
Mùng 10 tháng giêng âm lịch ngay sau Tết là lễ cúng vía Thần Tài quan trọng và lớn nhất trong năm. Rồi hàng tháng, tùy từng nhà, nhưng những ai có buôn bán làm ăn, đều có tập tục cúng Thần Tài vào ngày 10 âm lịch. Nhiều người cúng đồ ngọt.
Cúng Thần Tài là do niềm tin tâm linh, cầu mong cho mình và gia đình được ấm no, thịnh vượng, làm ăn phát tài phát lộc. Mà ông bà ta dạy rằng có “cúng có thiêng, có kiêng có lành”. Trải qua gần cả cuộc đời, một kẻ tổ tiên ở miền Bắc, chôn nhau cắt rún ở miền Trung, lớn lên ở miền Nam ương bướng và hay cãi như tôi mà nghe câu ông bà dạy này đã phải gật đầu “cấm cãi” đó nghen.
Cúng Thần Tài còn có ý nghĩa – ít nhất là theo tôi nghĩ – để kết thúc mùa Tết “hết mùng ra mền”. Từ ngày mai, 11 tháng giêng, không còn kèm theo cái đuôi tết nữa. Hôm nay, mùng 10 Tết, đón Thần Tài tới rồi, ta bắt đầu làm việc thôi. Mục đích cày sâu cuốc bẫm cực khổ cả năm cũng chỉ đơn giản thôi, theo tôi là để có tiền rủng rỉnh ăn Tết năm sau. Từ hôm nay tới Tết Kỷ Hợi 2019 chỉ còn 345 ngày nữa – một con số tiến và dễ nhớ.
Hỏi rằng có ngóng Tết không?
Là người ai lại chẳng mong Tết về…
“Thần Tài đến, Thần Tài đến, hãy giang tay đón mời…. Thần Tài đến, Thần Tài đến, ấm no cho muôn nhà….” Tiếng hát ngọt ngào và tươi trẻ của nàng Lương Bích Hữu trong bài Thần Tài Đến như một lời chúc phát tài phát lộc cho mọi người, trong đó có tôi. Vậy á!
PHẠM HỒNG PHƯỚC