Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Ngày rằm đầu tiên của năm Mậu Tuất

 

Tờ lịch bloc mới gỡ ghi: thứ Sáu 2-3-2018, nhằm ngày 15 tháng giêng năm Mậu Tuất.

Vậy ra đây là ngày rằm tháng giêng, ngày rằm đầu tiên và cũng thuộc hàng lớn nhất trong năm âm lịch. Tầm quan trọng của ngày rằm tháng giêng đã được ông bà ta từ xa xưa truyền lại qua câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”.

Ở Việt Nam ta, theo truyền thống mang tính tâm linh, ngày rằm tháng giêng là thời điểm để các Phật tử lên chùa cúng sao giải hạn, ước nguyện điều lành. Tất nhiên đây là một hoạt động tín ngưỡng dân gian vì giáo lý nhà Phật không công nhận việc “cúng sao giải hạn”, cưỡng lại mệnh Trời. Cũng như mọi tôn giáo chân chính, Phật giáo coi trọng việc tu thân tích đức và chính “đức năng thắng số”, với ý nghĩa công đức cao dày sẽ đánh động lòng Trời Phật để Ngài “nghĩ lại” ban ơn cho chúng sanh nhờ.

Ngày rằm tháng giêng còn là điểm kết thúc những ngày hành hương, xuất hành đầu Xuân viếng 10 cảnh Phật theo tập quán của nhiều người theo đạo Phật. Và từ ngày mai, 16 tháng giêng, mọi hoạt động thế gian bắt đầu trở lại bình thường. Dĩ nhiên, thực tế không như vậy, khi theo thống kê của Cục Văn hóa Cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có tới 7.966 lễ hội được tổ chức quanh năm, trong đó có tới 88,36% là lễ hội dân gian, còn lễ hội tôn giáo chỉ chiếm có 6,28%; mà phần nhiều lễ hội tập trung vào mùa xuân. Hễ có lễ hội là có vui chơi, có chè chén. Vậy là hạnh phúc quanh năm, chẳng trách xứ Việt vẫn luôn được tổ chức quốc tế New Economics Foundation (NEF) đánh giá là một trong những quốc gia có chỉ số hạnh phúc HPI (Happy Planet Index) hàng đầu thế giới.

Trong 12 ngày rằm của năm, chỉ có 2 ngày rằm được tôn lên tới level tết. Đó là rằm tháng giêng còn gọi là Tết Nguyên tiêu hay Tết Thượng nguyên, và rằm tháng 8 còn gọi là Tết Trung thu hay tết nhi đồng.

Tết Nguyên tiêu và Tết Thượng nguyên là tên gọi theo điển tích của người Hoa. Gọi là tết thượng nguyên là do ngày xưa các nhà vua thường vời các quan trạng nguyên tới vườn Thượng uyển để thết tiệc rồi thưởng hoa, ngắm trăng tròn đầu tiên của năm mới mà làm thơ. Còn Tết Nguyên tiêu theo tiếng Hán có nghĩa là ngày rằm đầu tiên của năm. Theo tập tục, Tết Nguyên tiêu bắt đầu từ giữa đêm 14 tháng giêng đến giữa đêm 15 tháng giêng.

Trong ngày rằm tháng giêng, người ta thường cúng với hai lễ vật truyền thống và bánh trôi nước và xôi. Người Hoa thì có những lễ hội đèn lồng (hoa đăng).

Cuối cùng, tôi vừa trệu trạo ăn một viên bánh trôi nhân đậu xanh sau khi cúng kiến xong, vừa lẩm bẩm đầy tâm trạng: “Mới đây mà đã là 15 ngày sau Tết”. Thấy nhanh chưa! Thấy sợ không!

PHẠM HỒNG PHƯỚC