R.I.P. Sir John McCain
Trái tim của một người Mỹ vĩ đại đặc biệt trong tim nhiều người Việt Nam John Mc Cain đã ngừng đập ngày 25-8-2018 (rằm tháng 7 năm Mậu Tuất) tại Cornville (bang Arizona, Mỹ) – nơi gia đình ông ở và ông là Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa tại bang này. Chỉ 4 ngày nữa là ông đã kịp mừng sinh nhật thứ 82 của mình (ông sinh ngày 29-8-1936 tại Căn cứ Không quân Hải quân Mỹ Coco ở Khu vực Kênh đào Panama, nơi đóng quân của cha là John S. McCain Jr., người sau này là một đô đốc Hải quân Hoa Kỳ – lúc đó, Kênh đào Panama còn thuộc quyền kiểm soát của Mỹ).
Tháng 7-2017, sau khi tiến hành giải phẫu lấy một cục máu trong não ông McCain, các bác sĩ phát hiện ông bị ung thư não (brain cancer). Từ đó, ông bắt đầu một cuộc chiến đấu cuối cùng với bệnh hiểm này.
Với người Mỹ, ông McCain là một nhà chính trị xuất chúng. Ông đã có tới 6 nhiệm kỳ ở Thượng nghị viện Liên bang (từ tháng 1-1987 cho tới khi qua đời). Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 56 hồi năm 2008, ông McCain đã được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng cử viên đối đầu với ông Barack Obama của đảng Dân chủ và giành được 45,7% số phiếu cử tri phổ thông.
Với người Việt Nam, ông McCain là một người bạn lớn. Trước 1975, người ta thích nhắc tới “Người Mỹ Thầm Lặng” (The Quiet American), tiểu thuyết của nhà văn Anh Graham Greene nói về cuộc Chiến tranh Đông Dương của thực dân Pháp. Sau 1975, nếu nói tới người Mỹ, người ta khó thể không nhắc tới John McCain, một “Người Mỹ Năng Nổ” hay một “Người Mỹ Đáng Kính”. Ông chính là một điển hình thật sự của tư tưởng buông bỏ “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Ông từng là một tù binh chiến tranh (POW) trong Chiến tranh Việt Nam. Ngày 26-10-1967, trong phi vụ thứ 23 của mình trên miền Bắc Việt Nam, ông lái chiếc A-4E Skyhawk và bị tên lửa bắn rơi tại Hà Nội. Ông nhảy dù xuống Hồ Trúc Bạch, bị bắt sống và trải qua 5 năm rưỡi trong nhà tù Hỏa Lò (có biệt danh Hanoi Hilton) cho tới khi được thả ra vào ngày 14-3-1973.
Và thay vì cay cú hận thù, ông McCain đã dành cả phần đời về sau của mình để… yêu Việt Nam. Hầu như những cột mốc lớn trong mối quan hệ song phương Hoa Kỳ – Việt Nam đang ngày càng tốt hơn đều khi ít, lúc nhiều có bóng dáng, ảnh hưởng và tác động của ông. Các gia đình người Mỹ mang ơn ông vì đã góp phần lớn trong sứ mạng nhân đạo hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ hy sinh ở Việt Nam. Các gia đình Việt Nam di dân sang Mỹ chính thức theo diện HO (Humanitarian Operation, dành cho các quân nhân, viên chức Việt Nam Cộng Hòa từng trải qua một thời gian dài trong trại cải tạo sau 1975) mang ơn ông vì ông là một trong các vị cứu tinh của họ. Ông đã tác động rất lớn đối với Quốc hội, chính quyền và cả xã hội Mỹ trong những nỗ lực phát triển mối quan hệ Mỹ – Việt.
Chắc chắn có những người coi “hành động vì Việt Nam” của ông McCain là một sự sám hối và chuộc lỗi. Tôi có lẽ bị coi là trật chìa khi không thích cách suy nghĩ đầy áp đặt và suy bụng ta ra bụng người như vậy. Văn hóa Mỹ khác văn hóa Việt. Tôi thiển nghĩ, những người lính Mỹ nói chung và ông McCain nói riêng chẳng mắc nợ gì Việt Nam. Họ chỉ có tội với người dân Việt nếu như họ có những hành động vô nhân đạo, phi nhân tính với người Việt- cái này mang tính bản chất cá nhân. Còn thì khi nhà cầm quyền nước mình đã đẩy đất nước vào một cuộc chiến tranh với một nước nào đó, họ với tư cách một công dân phải phụng sự Tổ quốc mình, và với tư cách một người lính, họ phải tuân theo mệnh lệnh Tổ quốc, cụ thể là tuân thủ quân lệnh của thượng cấp.
Nếu nghĩ từ giác độ như vậy, chúng ta càng thấy ông McCain đáng yêu quý và kính trọng như thế nào với tình yêu Việt Nam đặc biệt của ông.
Vĩnh biệt ông John McCain. R.I.P. an nghỉ nhé Sir John McCain. Nguyên xin Thiên chúa sớm đón ông về nước Ngài. Chúng tôi luôn nhớ về ông, John McCain – một người Mỹ yêu người Việt.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh từ Internet. Thanks.