Đi “bão”… quả là gây bão…
Đêm thứ Ba 11-12-2018 sau trận chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2018 trên sân Malaysia mà hai đội Việt Nam và chủ nhà hòa nhau 2-2, mãi tới nửa khuya về sáng mà tôi ở ngay trung tâm Quận 5 (TP.HCM) vẫn còn phải chịu khổ sở vì những đợt dân đi “bão” phóng qua với những tiếng rú ga, nẹt bô xe gắn máyvà những tiếng kèn vuvuzela từ xứ Châu Phi hoang dã đinh tai buốt óc.
Con trai tôi đi làm từ Quận 1 về khuya, giác hơn 11 giờ, cho biết đường đầy xe gắn máy đi “bão” và công an đứng đông dữ lắm.
Đội Việt Nam hòa tưởng giảm cường độ bão, nhưng thực tế thì ở Việt Nam, hễ đội Việt Nam có đá thì hầu như sau đó có “bão”, thắng thua hòa gì cũng đều có cớ để mà đi “bão”.
Mấy người rành 6 câu vọng cổ nói với tôi: thiệt ra hầu hết những người đi “bão” cuồng nhiệt nhứt, đi “bão” xuyên đêm bất kể giờ giấc là dân ăn theo thôi. Chớ những người hâm mộ bóng đá xịn không ai làm vậy, người ta vui buồn rõ ràng và có chừng mực.
Có người giải thích là bởi người Việt mình bây giờ hiếm có chuyện để mà vui nên hễ có gì gầy độ được là cứ vui, cứ quẫy tới bến.
Cho tới bữa nay thì tôi giác ngộ, không còn xâu chuỗi, dắt dây theo kiểu nói rằng người ta cần trở lại mặt đất, sống thực tế khi chung quanh mình còn biết bao nhiêu chuyện bức xúc để mà lo toan. Giờ đây, tôi ngộ ra rằng chuyện nào ra chuyện đó.
Nhưng tôi hiểu rõ rằng, những hành vi phản cảm nhân danh “cổ động” và “tự hào” sẽ có tác dụng ngược, khiến những người khác bất bình, giận cá chém thớt mà “trù ẻo” đội bóng á. “Thương nhau như thế bằng mười hại nhau”.
Thiệt ra, là người Việt, ai cũng cần phải vui mừng (khoan nói tới cái cụm từ “tự hào dân tộc” bấy lâu nay bị lạm dụng quá thể) khi người Việt đạt được thành tích nào đó ở trường quốc tế. Chẳng ai cấm người mê bóng đá vui khi đội bóng của nước mình thi đấu ngon lành. Nhưng cái gì cũng cần phải có chừng mực. Mà cái chừng mực này lại tùy thuộc vào mức độ hiểu biết và trình độ văn hóa. Vui nhưng đừng quá lố, đừng gây phiền phức và đặc biệt là gây hại cho người khác.
Con gái tôi kể có người bạn cho biết có một ông đau tim bị đột quị đã qua đời do xe cứu thương không thể chen nổi giữa biển xe người đi “bão”trên đường phố. Tôi chưa kiểm chứng được tin này, nhưng chuyện người bệnh chết trên xe cứu thương do bị kẹt xe đã có những lần xảy ra rồi.
Còn đây là chuyện báo đăng xảy ra hồi 2 giờ sáng 12-12-2018 trên Quốc lộ 13 đoạn qua phường Thuận Giao (TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương). Trên đường về nhà sau khi đi “bão” đêm mừng đội tuyển Việt Nam đá trận chung kết lượt đi AFF Cup, 2 cô gái trẻ chở nhau trên xe gắn máy đã không làm chủ được tay lái khi tránh container rẽ phải khiến 1 người chết, 1 người nguy kịch. Ảnh chụp chiếc băng cột đầu vải đỏ in dòng chữ “Việt Nam vô địch” màu vàng văng ra nơi hiện trường coi thiệt là nhói lòng.
Nhân tiện, tôi đọc trên báo thấy có hình ảnh và video được ai đó thực hiện ngay trên một chiếc máy bay hàng không A321 chở cổ động viên Việt qua Malaysia cổ vũ cho đội nhà. Khi máy bay đang ở độ cao bình phi khoảng 10.000 mét, các cổ động viên này đồng loạt đứng bật dậy cùng hát quốc ca cho người ta quay video.
Có mấy bạn giải thích rằng khi máy bay ở độ cao 10.000 mét, người ta có thể thoải mái làm gì cũng vẫn an toàn. Tôi hoang mang quá, vì lần nào đi máy bay, khi máy bay đã lên tới độ cao bình phi, đèn thắt dây an toàn đã tắt, tôi đều nghe tổ bay thông báo đại ý rằng: “Đèn báo thắt dây an toàn đã tắt. Nhưng nếu không có gì cần thiết, xin quý khách vui lòng ngồi yên tại chỗ và vẫn thắt dây an toàn, phòng khi máy bay đi vào vùng không khí xấu.” Hình như chẳng ai khuyến khích cái vụ hành khách rời ghế đứng lên hay đi lại nhiều, huống chi đây là cả tập thể đông rất đông hành khách cùng đứng lên một lượt. Bất luận bay ở độ cao nào, máy bay vẫn là đang bay giữa trời. Và yếu tố cân bằng tải là một trong những yêu cầu cốt lõi của an toàn bay. Ngay trong khâu sắp xếp ghế ngồi, nhân viên ở quầy check-in đã phải chủ động rải hành khách ra để cân bằng tải cho máy bay.
Vốn là người thiện lành bẩm sinh, tôi chẳng dám đánh giá đây có phải là thêm một kiểu hành vi quá lố của người ta hay không.
Tôi không rành về chuyện an toàn bay nên chẳng dám lạm bàn, dù có một số bạn quy hành vi này là “uy hiếp an toàn bay”. Nhưng với khả năng nhận thức của mình, tôi nghĩ rằng không nên cổ vũ cho hành động cả tập thể cùng đứng lên trên máy bay đang bay như vậy.
Mà tôi lảm nhảm vậy thôi để sau này khỏi ân hận vì “Việt minh làm thinh là đồng tình”. Ai nghe được thì tôi vui đó mà. Oh yeah!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh từ Internet. Thanks.