Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Tiếc cho phiên chợ chiều 30 Tết

Tôi rất tiếc. Tiếc cho hoa. Tiếc cho người.


Thiệt ra đâu có nhiều người tệ hơn vợ thằng Đậu tới mức canh me người bán đổ bỏ hoa để xông vào tranh cướp về chưng Tết. Chưng Tết bằng thứ cướp được từ công sức người khác thì ai cũng biết khó có được một năm tốt lành. Cũng có những người lấy hoa về chỉ vì tiếc.

Cũng đừng chê trách những người chờ tới phút 89 hay đá bù giờ để mua hàng giá rẻ. Dù sao, đó vẫn là một trong những nguyên tắc mua bán. Người mua luôn có quyền quyết định toàn bộ việc mua hàng của mình sao cho có lợi nhứt.

Tôi cũng chẳng trách hành động thà đập bỏ còn hơn cho hay bán rẻ của người buôn bán. Hàng của họ thì họ có toàn quyền. Vấn đề nằm ở cách nghĩ của mỗi người. (Còn nếu là tôi, tôi sẽ ra về với sự an ủi dù sao hàng ế của mình cũng có ích, đem lại niềm vui – kể cả có thể hả hê – cho người khác. Đã ra thương trường là phải chấp nhận luật chơi của thị trường. Ngoài ra, tôi thiển nghĩ rằng việc tự tay hủy diệt thành quả của mình nó có cái gì đó lấn cấn về mặt tâm linh với những người làm nghề chuyên nghiệp. Trong một số niềm tin, cây cối và hoa luôn được coi là có cuộc sống, có linh hồn.)

Trong toàn bộ câu chuyện nỗi buồn chạy chợ chiều 30 Tết này, tôi vẫn xin bảo lưu ý kiến là tất cả nằm trong quy luật thuận mua vừa bán. Đừng vội trách một phía. Tôi nghĩ tình hình sẽ khác đi, sẽ fair play hơn, nếu như ngay từ đầu, người bán đừng có ý lợi dụng Tết mà hét giá, mà nói thách, mà đẩy giá bán lên. Giá như ngay từ đầu, họ vẫn bán hàng với giá bình thường mà mình đã có lời rồi. Bạn tôi từng mua 1 cặp chậu vạn thọ không đẹp lắm với giá 140.000 đồng. Có người mua với giá 200.000 đồng. Tôi không rõ đó có phải là giá bình thường không?

Cũng có một số bạn góp ý là cần phải thay đổi cách bán hoa dịp Tết. Nó vẫn ở thời 0.4 thay vì 4.0 khi chưa vận dụng được công nghệ, xu hướng thương mại điện tử, shipping – delivery,…

PHẠM HỒNG PHƯỚC