Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Giờ Trái đất – giờ tối thui


 

Tôi hoàn toàn ủng hộ tất cả tay chân mình có cho cái ý nghĩa và mục đích của sự kiện Giờ Trái đất (Earth Hour). Thiệt mà.

Khoảng 9 giờ tối nay, khi từ nhà cô giáo cũ (nơi cô vừa mời một số đồng nghiệp và học trò tới nhà đãi món bún bò Huế do chính tay cô bào chế) về, tôi thấy nhà tối thui. Tưởng có sự cố đứt cầu chì. Ai dè là do cậu nhỏ của tôi tắt đèn để hưởng ứng Giờ Trái đất.

Năm nay, Việt Nam hưởng ứng Giờ Trái đất bằng hành động tắt đèn 60 phút, từ 20g30 tới 21g30 ngày thứ Bảy 23-3-2013.

Hàng triệu ngôi nhà và văn phòng trên khắp thế giới tắt đèn trong Giờ Trái đất năm nay để hưởng ứng cuộc vận động nâng cao ý thức của công chúng về môi trường và tình trạng biến đối khí hậu toàn cầu. Tất nhiên sẽ chỉ có một phần Trái đất tắt điện cùng một lúc vì Giờ Trái đất bắt đầu từ 20g30 tùy theo giờ mỗi địa phương.

Năm ngoái có hơn 7.000 thành phố ở 152 nước và vùng lãnh thổ tham gia Giờ Trái đất. Năm nay, con số chắc chắn sẽ tăng hơn.

Đây là năm thứ bảy diễn ra sự kiện Giờ Trái đất. Ý tưởng Giờ Trái đất đã được Liên đoàn Cuộc sống Thiên nhiên Thế giới – World Wildlife Federation đưa ra ở Úc vào năm 2005 để đáp lại việc giới nghiên cứu công bố các dữ liệu khoa học cho thấy ảnh hưởng mang tính tàn phá của tình trạng biến đổi khi hậu. Tổ chức môi trường này đã kết hợp với hãng quảng cáo Leo Burnett để thực hiện ý tưởng này với sự kiện “tắt đèn” (lights-out) quy mô lớn gọi là “The Big Flick”.

Sự kiện Giờ Trái đất đầu tiên đã diễn ra tại Sydney (Úc) lúc 19g30ph ngày 31-3-2007. Khoảng 2,2 triệu người và 2.100 doanh nghiệp trong khắp thành phố đã tham gia. Thành công này đã đưa Giờ Trái đất thành một sự kiện toàn quốc của Úc. Nó cũng thu hút sự đồng tình của thế giới. Ngay trong năm sau (2008), Giờ Trái đất đã diễn ra tại 371 thành phố ở hơn 35 nước.

Những địa điểm, công trình nổi tiếng trên thế giới cũng tham gia Giờ Trái đất bằng cách tắt hết đèn chìm vào bóng tối. Như nhà hát “con sò” Sydney Opera House (Úc), các kim tự tháp Great Pyramid (Ai Cập), cao ốc Empire State Building (New York, Mỹ), Las Vegas Strip (Mỹ), Tháp Eiffel (Paris, Pháp), CN Tower (Toronto, Canada),… Một số trang web cũng có cách làm của mình. Như trang Google ở một số địa phương đã thay nền trắng bình thường bằng nền đen.

Tại sao Giờ Trái đất lại tổ chức vào cuối tháng 3 hàng năm? Đó là thời điểm Xuân phân (Spring equinox) và Thu phân (Autumn equinox) ở bắc và nam bán cầu. Lúc đó, thời khắc mặt trời lặn gần như giống nhau ở cả hai bán cầu. Các nhà tổ chức cho rằng điều này bảo đảm tạo được một hiệu quả thị giác lớn nhất cho một sự kiện “tắt đèn toàn cầu”.

Cũng xin nói thêm kẻo cụ Ngô Tất Tố lại giận, tuy cũng trời tối thui, nhưng “tắt đèn” trong Giờ Trái đất mang ý nghĩa tích cực chớ không phải đen như cuộc đời chị Dậu trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của cụ.

Sở dĩ người ta dùng hành động tắt đèn làm biểu tượng là bởi đèn vừa phát nóng, vừa tiêu thụ điện năng. Mà để tạo ra điện, người ta phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên (chủ yếu là nhiên liệu từ dầu khí) và quá trình sản xuất điện năng cũng thải vào khí quyển lượng khí gây hiệu ứng nhà kính không nhỏ – tác nhân chính làm nhiệt độ thế giới tăng cao dẫn tới biến đổi các mô thức khí hậu. Hậu quả nhãn tiền là thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều hơn và có sức tàn phá dữ dội hơn. Nhiệt độ bề mặt nóng lên làm tan chảy các lớp băng tưởng rằng là vĩnh cửu ở hai địa cực cũng như các sông băng và các chóp băng trên các rặng núi cao. Hậu quả là lũ lụt nhiều hơn, và mực nước biển dâng cao nhấn chìm nhiều vùng duyên hải, cũng như xóa sổ không ít hòn đảo.

Vì thế, việc người ta tắt điện rồi thắp đèn cầy lên lại là một hình thức trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Bởi đèn cầy tỏa ra nguồn nhiệt không nhỏ. Thậm chí có nơi còn tổ chức những sinh hoạt cộng đồng rầm rộ hay biểu diễn văn nghệ trong 60 phút Giờ Trái đất đó. Toàn là những thứ xài điện! Năm ngoái, có địa phương tổ chức trực tiếp truyền hình hoạt động trong Giờ Trái đất, có những ca sĩ trình diễn – chẳng khác xúi người ta tắt đèn nhưng vẫn bật tivi lên mà coi. Chơi kiểu này hỗng khéo lại tiết kiệm điện “con chuột”, lãng phí điện “con voi”.

Thật ra, ngay từ ban đầu, các nhà tổ chức Giờ Trái đất chỉ vận động người ta tắt bớt những nguồn sáng không cần thiết (non-essential lights) cũng như các thiết bị dùng điện không thật sự cần tới. Họ không ngờ là thiên hạ hăng hái tới mức tắt tất tần tật các ngọn đèn chiếu sáng, làm tất cả tối thui và mọi sinh hoạt, công việc bị ngưng lại.

Đó là lý do mà trước nay, tôi hưởng ứng Giờ Trái đất theo cách của mình: tắt bớt những bóng đèn và thiết bị điện không thiệt sự cần thiết trong 60 phút đó. Nếu không có việc gì gấp rút, tôi coi đó là 60 phút “nghỉ xả hơi”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 23-3-2013)

Giờ Trái đất tại Paris (Pháp).

Giờ Trái đất tại Abu Dhabi (UAE).

 

VIDEO CLIPS

Earth Hour 2013 official video.

Earth Hour: Switching Off the Lights Sends the Wrong Message