Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Trí tuệ nhân tạo AI và đô thị thông minh cho TP.HCM

Sự tiến triển cực nhanh của công nghệ và khoa học – kỹ thuật trên thế giới, đặc biệt giữa thời công nghiệp 4.0, đã buộc khái niệm thành phố thông minh (smart city) phải chuyển hóa nâng cấp thành thành phố thông tuệ (intelligent city), hay tạm gọi là đô thị thông minh 4.0. Và cốt lõi của “thông tuệ” đó chính là trí tuệ nhân tạo (AI).

Thành phố thông minh nguyên bản là thành phố kết nối, dựa trên nền tảng Internet và sau này có thêm hệ sinh thái Internet vạn vật (IoT). Thông minh (smart) ở đây được hiểu là biết và có thể kết nối với nhau và hầu như mọi lĩnh vực của cuộc sống một thành phố đều có thể xử lý trên không gian mạng Internet. Nó có đặc thù tự động hóa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3.

Do điều kiện khách quan và lịch sử, Việt Nam đã bỏ lỡ 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước, hoặc có áp dụng nhưng cục bộ và không toàn diện. Còn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hoàn toàn là thời cơ, nằm trong tầm tay của Việt Nam. Hơn nữa, xu thế thời đại cũng không cho phép Việt Nam đứng ngoài đoàn tàu chung toàn cầu nếu muốn phát triển và hội nhập quốc tế.

Với vị thế là một thành phố lớn nhất nước và là một đầu tàu thật sự về công nghệ, con người và hạ tầng có thể đáp ứng, TP.HCM đã nhanh chóng trở bộ, lập kế hoạch xây dựng thành phố thông minh thành đô thị 4.0. Tất nhiên, TP hiểu rõ vai trò của AI trong tiến trình này.

Và cuộc hội thảo khoa học quan trọng đầu tiên về ứng dựng AI cho TP.HCM đã được UBND TP.HCM tổ chức sáng 20-3-2019 với chủ đề “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019 – 2025”. Sự có mặt của cả ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, và ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP, cho thấy cả bộ máy chính trị và quản lý hành chính của TP đã nhất trí cao cùng nhau trong cuộc cách mạng AI này. Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: “Nhận thức rõ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội vàng để TP nhảy vọt tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Do đó, từ năm 2017, TP đã tích hợp một số lĩnh vực AI vào đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.” Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng nhìn trên tổng thể, việc ứng dụng AI vào sản xuất và đời sống TP còn khá chậm. TP đang ở vị trí phía sau về nghiên cứu, đào tạo so với các đô thị trên thế giới. TP thiếu chuyên gia, nhà khoa học cho đến nhà hoạch định chính sách về AI. Người đứng đầu chính quyền TP đánh giá rằng: “Môi trường kinh doanh chưa thực sự tốt; sự tiếp cận nguồn lực vào cơ hội của người dân chưa thật sự bình đẳng. Đặc biệt, sự gắn kết, tương tác tứ giác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính còn lỏng lẻo, là một trong những điểm nghẽn kìm hãm sự nghiên cứu và ứng dụng AI trên địa bàn TP.”

Điều gì làm cho một thành phố trở thành một thành phố thông minh? Hội đồng các thành phố thông minh (Smart Cities Council) – một tổ chức chuyên cổ súy cho việc xây dựng các thành phố thông minh trên toàn cầu, đã đưa ra 3 giá trị cốt lõi của thành phố thông minh: có thể sinh sống được (Livability), có thể làm việc được (Workability), và có thể bền vững (Sustainability). Ba giá trị đó có được trên nền tảng công nghệ cao, hay nói cách khác, chính công nghệ cao phải phục vụ để đạt được 3 mục tiêu đó.

Với việc ứng dụng được công nghệ AI vào hoạt động quản lý TP, TP có thể khai thác thế mạnh của các loại máy móc với AI để giúp thành phố hoạt động và phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng. Lợi thế hiện nay là trên thế giới, AI đang được tích hợp vào trong hầu như mọi lĩnh vực cuộc sống.

Tuy nhiên, để AI có thể phát huy tối đa sức mạnh, TP phải lo cả đầu ra lẫn đầu vào cho nó. Đầu vào chính là cơ sở hạ tầng mạng mạnh mẽ và thông suốt kết hợp với nguồn dữ liệu lớn (Big data). Về nguyên tắc, dữ liệu càng phong phú, AI càng có thêm nhiều cơ sở để phân tích và có thể đưa ra những đề nghị tối ưu hơn. Tất nhiên không thể có được Big data một khi các cơ sở dữ liệu vẫn còn phân tán và không đồng chuẩn, cũng như không thể kết nối với các cơ sở dữ liệu liên thành phố và toàn cầu. Sự thành công của ứng dụng AI trước hết nằm ở khả năng tập hợp và phân tích dữ liệu. Còn đầu ra của AI chính là các đối tượng mà đô thị thông minh phục vụ. Và mấu chốt vấn đề ở đây là TP muốn đô thị thông minh phục vụ cán bộ hay người dân?

Mô phỏng Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP.HCM. (Ảnh: Đình Lý)

Trước nay, dịch vụ hành chính công online được coi là một thành phần cốt lõi của thành phố thông minh. Bây giờ với cấp độ đô thị thông minh 4.0, dịch vụ hành chính công phải được ứng dụng công nghệ AI để giúp việc xử lý không chỉ online và còn thông minh.

Như phát biểu của Chủ tịch TP.HCM tại Hội thảo khoa học về ứng dụng AI ngày 20-3-2019, rõ ràng TP đã nhận ra những lực cản khiến cho quá trình xây dựng thành phố thông minh trước nay bị ì ạch và manh mún. Và nhận thức chung cần thiết là không phải ứng dụng AI để phá bỏ các lực cản đó mà là bắt buộc phải khắc phục các lực cản đó nếu muốn ứng dụng AI một cách hiệu quả.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

Bài đăng trên báo Người Lao Động ngày 21-3-2019 và trên báo Người Lao Động Online.