Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Hà Nội vài chấm by night


 

Phải chừng 3 năm tôi mới có dịp ra Hà Nội. Lần này may mắn là cả hai đêm 24 và 25-3-2013 ở Hà Nội, tôi đều được cậu em Nguyễn Việt Phú ở VTV2 chở bằng xe máy đi ngắm cảnh Hà Nội về đêm.

Đêm Hà Nội dạo này chỉ man mát, lang thang rất thích. Hai anh em lòng vòng khu phố cổ, ra khu Ba Đình, khu Hoàng Thành, rồi Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm,… Do chẳng đi được nhiều nơi và cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa là chính, tôi chớ hề dám có nhận xét gì. Nhưng nếu bị ví quá, tôi chỉ nói rằng: Hà Nội cổ điển (không phải cổ kính) và cũ kỹ. Hai cái phạm trù: mới và cũ, giàu và nghèo, hiện đại và dân dã, sang và hèn,… cùng tồn tại bên nhau, nhưng ở góc độ như đối chỏi với nhau. Tôi có cảm giác như Hà Nội đang trong tình trạng giằng co giữa hiện đại và truyền thống, giữa bay lên và bị kéo ghì lại. Có thể các bạn Hà Nội sẽ “ném đá” tôi nếu tôi nhận xét rằng: người Hà Nội có thể giàu hơn lên, có cuộc sống lộng lẫy hơn, nhưng cái cung cách sống vẫn còn là đà ở cách đây vài ba thập niên là ít. Và phải chăng những căng thẳng của cuộc mưu sinh khiến cho người Hà Nội dễ nổi nóng hơn? Tôi thiệt lòng hy vọng đó chỉ là những cảm nhận đầy phiến diện của một người “thoáng qua Hà Nội”.

Việt Phú khoe rằng từ 2 năm nay, buổi tối hàng ngày là bạn tung hê mọi sự đời để cùng vợ con ra vườn hoa Lý Thái Tổ gần hồ Hoàn Kiếm cho con chơi đùa, đặc biệt là trượt patin. Thỉnh thoảng hai cha con cùng trượt với nhau. Quả là một good idea. Nếp sinh hoạt mới này giúp gia đình có thêm thời gian vui vầy bên nhau, cân đối lại cuộc sống, xả đi những stress của một ngày bon chen cơm áo gạo tiền, nạp lại năng lượng để ngày hôm sau cày bừa tiếp.

Vườn hoa này hiện nay được gọi là vườn hoa Lý Thái Tổ do có một pho tượng Lý Thái Tổ lớn. Hồi thập niên 1980, nó được đổi tên là vườn hoa Indira Gandhi từ tên cũ vườn hoa Chí Linh. Pho tượng này được khánh thành tháng 10-2004 nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng thủ đô (10-10-1954/2004). Tượng cao 10,1 mét (riêng phần tượng cao 6,8 mét), được các nghệ nhân tỉnh Nam Định đúc liền khối bằng đồng nguyên chất, nặng 32 tấn (phần tượng nặng 12 tấn).

 

Vua Lý Thái Tổ (974 – 1028) là người khởi lập và tạo dựng nên thủ đô Thăng Long với chiếu chỉ dời đô năm 1010 từ Hoa Lư về thành Đại La rồi đổi tên thành này là Thăng Long. Pho tượng do nữ điêu khắc gia Vi Thị Hoa sáng tác mô tả vua Lý Thái Tổ vào thời điểm dời đô. Tuy nhiên, pho tượng này đã bị một số người phê bình rằng tượng vua Lý Thái Tổ mặc trang phục và đội chiếc mũ bình thiên giống như… Tần Thủy Hoàng của Trung Hoa. Lúc dời đô, vua Lý Thái Tổ mới 36 tuổi, nhưng pho tượng lại thể hiện khuôn mặt của một người ngoài 60! Tác giả Vi Thị Hoa biện minh rằng mình chỉ sáng tác theo tính ước lệ chớ hỗng có tài liệu và vật thể nào cho biết khuôn mặt và trang phục của vua Lý Thái Tổ hồi ấy ra sao. Ừ, “ước lệ” khuôn mặt Lý Công Uẩn thì sao cũng được, nhưng còn cái “ước lệ” cho vua Việt Nam mặc phẩm phục vua Trung Hoa thì hơi bị kỳ dị à nghen!

Bây giờ buổi tối, nhất là cuối tuần, khu vườn hoa Lý Thái Tổ này trở thành nơi sinh hoạt tập thể của già trẻ lớn bé người Hà Nội. Bọn nhóc và một số người lớn mê trượt patin trên khoảng sân rộng phía trước. Còn trên khán đài đặt tượng là khu vực của những nhóm bạn trẻ tới tụ tập để học nhảy hip-hop.

Ở một vườn hoa cách đó không xa là nơi khiêu vũ ngoài trời của những người khoái “nhảy nhót”. Đó cũng là một nét văn hóa đẹp. Mỗi lần tới Shanghai (Thượng Hải), buổi tối tôi thường thích tới trước những khách sạn hay nhà hàng lớn để coi những người dân, đặc biệt là những ông bà lớn tuổi, tụ họp cùng nhau khiêu vũ trên vỉa hè trong tiếng nhạc của ban nhạc nhà hàng – khách sạn. Thậm chí có những bà mặc sườn xám, những ông diện lễ phục áo đuôi tôm để khiêu vũ.

Việt Phú chở tôi ngang qua ngôi biệt thự cực kỳ “choáng ngợp” có tới 3 mặt tiền của nhân vật Bầu Kiên nằm ngay vị trí “vàng” bên Hồ Tây. Cuộc đời nhiễu nhương đã tạo ra đâu chỉ một nhân vật như Bầu Kiên! Thực tế nhãn tiền cho thấy những nhân vật “đột biến gien” và những ngôi nhà xây trên cát bao giờ cũng chỉ là… nhất thời!

Sẵn dịp, hai anh em ghé vào Phủ Tây Hồ nằm ở cuối khu biệt thự Tây Hồ. Tài liệu ghi: Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía đông của Hồ Tây. Hiện có hai cổng vào: cổng chính là một tam quan bằng gạch ngói giả cổ mới xây dựng sau này, cổng phụ là chiếc cổng xưa nằm ngày bên đền thờ. Phủ Tây Hồ thờ Bà chúa Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” của dân tộc Việt (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, và Liễu Hạnh). Tục truyền, Bà chúa Liễu Hạnh chính là công chúa Quỳnh Hoa, con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ chiếc ly ngọc quý. Đền thờ do Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan lập nên để tưởng nhớ người tri âm của mình là Tiên chúa Liễu Hạnh. Là một người đàn bà tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ, bà đã được dân gian thần thánh hóa tôn làm Thánh Mẫu (Thánh Mẹ). Hàng năm vào rằm tháng riêng âm lịch, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ Mẫu cầu xin điều lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây.

Đứng ở đền thờ Bà Liễu Hạnh nhìn ra Hồ Tây trong đêm, tôi chợt rùng mình vì cảm giác mang tính tâm linh, nhưng choáng ngợp vì cảnh quá hữu tình, thi vị.

Tiếp tục ngao du ven Hồ Tây, hai anh em đi vào khu cụm khách sạn Sheraton Hà Nội và InterContinental Hà Nội để thăm chùa cổ Kim Liên. Chùa nằm trên một doi đất bằng phẳng trong thôn Nghi Tàm của phường Quảng An (quận Tây Hồ), được đánh giá là một trong 10 di tích kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam. Chùa được khởi lập từ thời Lý (đầu thế kỷ 12) trên nền cung điện của Công chúa Từ Hoa, con gái vua Lý Thần Tông (1128-1138). Chiếc cổng tam quan bằng gỗ cổ. Chùa cổ kính và cũ kỹ tới mức tôi đã phải hỏi Việt Phú coi có các nhà sư trụ trì hay không. Bạn nói là chùa vẫn hoạt động bình thường như mọi ngôi chùa khác.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 27-3-2013)