Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Thiệt là nhức cái đầu với chuyện luật hóa rượu bia

Trong tiến trình thông qua dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia, ngày 3-6-2019, Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 14 đã tiến hành lấy ý kiến của đại biểu trên hội trường về một số điều còn nhiều ý kiến khác nhau.

Kết quả, quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông (Khoản 8 Điều 5) đã không nhận được quá bán số phiếu đồng tình ở cả hai phương án. Phương án 1 “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn” dù được lấy ý kiến tới hai lần cũng chỉ có 236 đại biểu đồng ý (48,76%) ở lần một và sau đó giảm còn 214 đại biểu đồng ý (44,21%) ở lần biểu quyết thứ hai. Ngay cả phương án 2 “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông” cũng chỉ nhận được 240 phiếu đồng ý (49,59%). Có tới 206 đại biểu (chiếm 42,56%) phản đối quy định “uống rượu bia không được lái xe”.

Như vậy, do không có được số phiếu quá bán, quy định uống rượu bia không được lái xe đã không được QH đưa vào dự thảo luật mới. Và vấn đề uống rượu bia và lái xe bị treo lại lửng lơ con cá vàng, không cấm mà cũng không cho phép trong dự thảo luật mới này.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay có 33 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến rượu, bia, gồm 12 luật, 9 nghị định, nghị quyết của Chính phủ, 3 quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 9 quyết định, chỉ thị, thông tư của cấp bộ trưởng. Vậy mà vẫn không đủ sức để kiểm soát rượu bia.

Cụ thể là hành vi lái xe khi trong người có nồng độ cồn (tức trước đó có uống rượu bia) đã bị nghiêm cấm trong Luật Giao thông đường bộ 2008 và bị xử phạt theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ.

Luật Giao thông đường bộ 2008 (Luật số 23/2008/QH12 ngày 13-11-2008): Khoản 8, Điều 8, Chương 1 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.”

Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” quy định:

+ Điều 5, Mục 1, Chương 2: Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 7, Điểm a Khoản 8 Điều này. (Điểm b, Khoản 5, Điều 5).

– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Điểm b, Khoản 7, Điều 5).

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Điểm a, Khoản 8, Điều 5).

+ Điều 6, Mục 1, Chương 2: Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy.

– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe rên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Điểm b, Khoản 5, Điều 6).

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe  trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Điểm e, Khoản 6, Điều 6).

+ Điều 7, Mục 1, Chương 2: Xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng.

– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 6, Điểm a Khoản 7 Điều này. (Điểm d, Khoản 4, Điều 7).

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Điểm a, Khoản 6, Điều 7).

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Điểm a, Khoản 7, Điều 7).

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1 tháng hay 2 tháng.

Hình như có gì nhầm lẫn hay sai sai khi có hơn 40% ông bà đại biểu QH Khóa 14 bấm nút phản đối hành vi cấm điều khiển xe có động cơ khi trong người có nồng độ cồn mà Luật Giao thông do QH Khóa 12 thông qua năm 2008 và đang có giá trị thực thi.

PHẠM HỒNG PHƯỚC