Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Chỉ có thương hiệu là của Việt

Báo Tuổi Trẻ sáng nay mừng ngày Nhà báo Việt Nam 21.6 và check-in cuộc đổi mới lần thứ XX của mình băng một bài điều tra công phu chấn động có quan hệ tới một bộ phận ai đó và ảnh hưởng tới hàng triệu người dân nghèo chủ yếu sống ở vùng nông thôn.

Tôi chỉ có thể bình luận: Sao giờ mới bốc trần, nhưng muộn còn hơn không. Im lặng có thể là đồng lõa.

Thiệt ra, ngay từ ngày đầu, hiểu background của người ta và coi cách người ta mần ăn, tôi đã phải khều khều cô hàng xóm đang bị tăng động bởi giá rẻ và những chiến dịch truyền thông tốn kém. Ngay từ cái tên, nó làm tôi nhớ ngay tới một thương hiệu hàng điện tử Nhật Bổn từng nổi tiếng ở miền Nam trước 1975, sau đó có nhiều năm vẫn đình đám cho tới khi hầu như mất dạng khỏi Việt Nam cách đây kha khá năm. Chỉ thêm chữ A đầu, còn thì đọc lên y chang brand người ta.

Chính cái tên âm hưởng Nhựt Bổn đó hợp hôn với cái slogan “công nghệ Nhựt” càng làm người tiêu dùng tưng tưng giữa cái thị trường nhiễu nhương được định hướng dẫn dắt bởi cặp bài trùng “doanh nghiệp – truyền thông XX”.

Một vài năm trước đã có một nhà báo làm một loạt bài bốc mẽ, mà nhiều chi tiết đã được chứng minh trong bài điều tra bữa nay của nhóm phóng viên báo TT. Nhưng có những sức mạnh truyền thông “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” đã khỏa lấp tất cả.

Tôi từng lồ lộ trong một số bài trên mấy tờ báo bạn bè cái nguy cơ “xả rác điện tử ngoại trên đất Việt”. Nhưng vì nhiều lý do, chỉ có thể nói bâng quơ theo trend cô hàng xóm.

Trước nay, tôi luôn nỗ lực vận động các người anh chị em thiện lành phân biệt rõ “thương hiệu Việt” và “sản phẩm Việt”. Tôi đã hẹn thề với cô hàng xóm là tôi luôn ủng hộ sự ra đời của các thương hiệu Việt, họ có quyền cân nhắc hiệu quả kinh tế để lùng mua linh kiện từ bất cứ đâu về lắp ráp thành sản phẩm cuối cùng và phải chịu trách nhiệm, gắn thương hiệu mình với chất lượng sản phẩm đó. Nhưng mọi sự phải minh bạch với người tiêu dùng. Chiếc iPhone do Apple thiết kế và được lắp ráp ở China với hầu hết linh kiện (ngoại trừ CPU do Apple thiết kế và nhờ gia công) mua từ vô số hãng khác ở nhiều nước, mà vẫn là một sản phẩm của Mỹ kia mà. Ngay cả có in “Sản xuất tại Việt Nam” (Made in Vietnam) cũng đâu mặc nhiên là hàng của Việt Nam.

Và ở đây xin nói rõ, sản phẩm được lắp ráp bởi chính hãng (nhà máy riêng hay gia công ở nước khác) hoàn toàn khác với sản phẩm nhập nguyên con về thay nhãn mác và xuất xứ. Trong bài của báo TT có chi tiết sản phẩm được sản xuất hoàn chỉnh, có in thương hiệu và cả phiếu bảo hành, sách hướng dẫn tiếng Việt. OK, không sao cả. Nhiều thương hiệu quốc tế cũng làm vậy. Ở đây vấn đề là nhà nhập khẩu khai báo hải quan là linh kiện lắp ráp và về tới “nhà máy” ở Việt Nam được thay tráo nhãn mác xuất xứ thành hàng sản xuất tại Việt Nam.

Sáng nay, hàng triệu người Việt đang xài sản phẩm mang thương hiệu “lên báo Tuổi Trẻ” này ắt bị sốc. Lâu nay họ vẫn đinh ninh mình đang là người tiêu dùng thông minh mua được hàng Việt công nghệ đỉnh của Nhựt với giá Chợ Nhựt Tảo. Tiếc rằng Việt Nam có Hội Bảo vệ Người Tiêu dùng mà chỉ có cái tên thôi cũng đã từa lưa.

Tôi đang hóng một chiến dịch “giải cứu”. Mà muốn vậy thì phải “chống” lại báo TT. Cuộc chiến truyền thông ư? E rằng nó sẽ khác (thậm chí có khi có những cuộc “tự giải cứu”) khi các cơ quan chức năng vào cuộc.

Bài viết trên báo Tuổi Trẻ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC