Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Cập nhật thông tin về Biển Đông: 17-8-2019

Vào lúc 18g30 ngày 17-8-2019, Ryan Martinson @rdmartinson88, một trợ lý giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (China Maritime Studies Institute) thuộc trường Đại học Hải chiến Hoa Kỳ (U.S. Naval War College), đã có tweet trên tài khoản Twitter của mình cho biết tàu hải cảnh Haijing 35111 của Trung Quốc đã di chuyển trở lại với tốc độ 4kn. Ông cung cấp bản đồ ghi nhận lúc 18g10 ngày 17-8-2019 theo giờ VN (11:10 UTC) về vị trí của tàu này. Trong ảnh xuất hiện rất nhiều tàu nhỏ chung quanh tàu Haijing 35111, không rõ là tàu của Trung Quốc hay của lực lượng chấp pháp của Việt Nam đang kiên trì và dũng cảm có mặt trong khu vực đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trước đó, lúc 11g27 ngày 17-8-2019, tài khoản của South China Sea News tweet thông tin cho biết từ sáng sớm ngày 17-8, tàu hải cảnh Haijing 35111 đã neo đậu tại một rạn san hô không tên (Giáo sư Alexander Vuving xác định thực thể này là Bãi ngầm Mỹ Hải – Jubilee Bank) nằm ở tây bắc rạn san hô Ladd Reef (Đá Lát) của Việt Nam. Bãi ngầm Mỹ Hải này nằm trong vùng EEZ của Việt Nam.

Ngày 16-8-2019, chuyên gia Ryan Martinson đã công bố bản đồ cho thấy các hoạt động của tàu thăm dò địa chất Haiyang Dizhi 8 hay Hai Yang Di Zhi Ba Hao (Hải Dương Địa Chất 8) của Trung Quốc tại vùng biển đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam sau khi nó quay trở lại đây từ Bãi Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) – một căn cứ do Trung Quốc xây dựng trên một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa mà Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền. Ngày 7-8-2019, tàu Haiyang Dizhi 8 đã rút về căn cứ của Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập sau hơn một tháng hoạt động ở vùng Bãi cạn Tư Chính (Vanguard Bank) ngay trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam (từ ngày 3-7-2019).

Trả lời báo chí trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày thứ Năm 16-8-2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13-8-2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982”.

Ắt có người thắc mắc vì sao tàu Trung Quốc trở lại vùng EEZ của Việt nam từ ngày 13-8 mà tới 3 ngày sau, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng. Có lẽ phía Việt Nam đợi tới cuộc họp báo thường kỳ hàng tuần mới công bố với báo giới. Nhưng chắc chắn, ngay từ khi phát hiện vụ việc, phía Việt Nam đã có những phản ứng cần thiết theo đúng quy trình. Người phát ngôn Thu Hằng cho biết: “Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS và luật pháp quốc tế.”

Một lần nữa, tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng: “Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế.”

Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, phía Trung Quốc có thể đang ủ mưu:

1. Có mặt thường xuyên ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam (từ theo luật quốc tế là không phài vùng tranh chấp chủ quyền) để gây căng thẳng, bất an, lâu dần nếu Việt Nam không kiên quyết thì sẽ biến nơi đây thành vùng tranh chấp hay thậm chí chiếm đóng như một sự đã rồi. Trung Quốc có lợi thế về sức mạnh vũ trang. Hiện nay, Trung Quốc đã đưa tới vùng biển EEZ này những loại tàu hải cảnh lớn nhất và mạnh nhất của mình. Theo luật quốc tế, các tàu cảnh sát biển làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh chủ quyền bằng biện pháp dân sự chỉ được trang bị các loại súng pháo từ 23mm trở xuống – Việt Nam tuân thủ quy định này. Trong khi đó, từ giữa năm 2015, Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm tàu hải cảnh có trang bị pháo tới 76mm.

2. Khiêu khích để chọc giận cho Việt Nam thiếu kiềm chế mà nổ súng trước, mất đi cái thế “chính nghĩa”. Chớp cơ hội do mình gài độ đó, phía Trung Quốc sẽ “có hành động tự vệ” và rồi dùng vũ lực để chiếm đóng luôn. Nhiều người tin rằng Trung Quốc sẽ không dám nổ súng trước.

Xin lưu ý, đây là vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, nên mọi chuyện xảy ra sẽ chỉ là giữa 2 nước với nhau. Cái khó của Việt Nam hiện nay là làm sao để vẫn bảo vệ được chủ quyền mà không bị rơi vào các âm mưu của Bắc Kinh. Bình tĩnh, không manh động, khôn khéo nhưng kiên định là cần hơn bao giờ hết. Giải pháp có lẽ tốt nhất là một mặt kiên quyết khẳng định và bảo vệ chủ quyền, kết hợp với các biện pháp khôn ngoan, Việt Nam cần yêu cầu cộng đồng quốc tế gây sức ép để Trung Quốc không “bắt nạt” ở Biển Đông nữa. Dù sao, đây vẫn là một tuyến hàng hải quốc tế quan trọng và tấp nập hàng đầu thế giới, có tầm ảnh hưởng không chỉ Việt Nam hay Trung Quốc.    

Các chuyên gia phân tích rằng vị thế của Bãi Tư Chính cực kỳ quan trọng. Nó nằm ngay trong vùng chủ quyền của Việt Nam, gần duyên hải Việt Nam, sẽ tạo thành một bức tường thành trên biển chắn ngay vùng miền Tây Nam bộ của Việt Nam. Nếu có được Bãi Tư Chính, Trung Quốc sẽ hình thành được một vòng cung từ Cambodia – nơi lâu nay có nhiều tin đồn rằng Trung Quốc có căn cứ – kéo dài tới Đảo Hải Nam của Trung Quốc, bao vây trọn vẹn vùng duyên hải, toàn bộ phía biển của Việt Nam.

P.H.P.