Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

39 đồng bào ở Anh: đường về quê cũng lắm gieo neo…

Có đau thương mấy, chấn động mấy rồi thì cũng phải tuân theo quy luật tự nhiên: sóng sau đè lấp sóng trước, trôi theo dòng đời. Sau một thời gian gây sốt nóng trên các thể loại truyền thông, vụ 39 công dân Việt Nam nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh bị tử nạn trong thùng xe container đông lạnh phát hiện ở Hạt Essex (Anh) sáng 23-10-2019 giờ đã chìm vào… dòng đời (không dám nói là “quên lãng”). Dù rằng cho tới tận hôm nay, Chủ nhật 17-11-2019, ba tuần sau thảm kịch, thi hài của các nạn nhân vẫn chưa thể về với quê hương.

Chuyên mục về vụ việc “Lorry container investigation” trên website của Cảnh sát Hạt Essex tạm dừng ở ngày 8-11-2019 sau khi công bố danh tánh 39 nạn nhân.

Báo chí Anh cũng chỉ đưa tin tức diễn ra vào ngày thứ Hai 11-11-2019 khi nghi can người Northern Ireland (Bắc Ailen) 22 tuổi Eamon Harrison, tài xế xe tải, bị đưa ra tòa án ở Dublin (North Ireland) với tội danh có liên can tới cái chết của 39 nạn nhân theo lệnh bắt giam Châu Âu (European Arrest Warrant). Nhà chức trách Anh yêu cầu dẫn độ Eamon sang nước này để xem xét truy tố về 36 tội danh ngộ sát, 1 tội danh âm mưu buôn lậu người và 1 tội danh âm mưu trợ giúp nhập cảnh bất hợp pháp. Hắn ngồi câm như hến trong phiên tòa diễn ra chưa tới 5 phút, để mặc cho luật sư làm việc với quan tòa. Hắn sẽ phải ra hầu tòa trở lại vào ngày 21-11-2019.

Trong khi đó, ở Anh, kẻ cuối cùng lái chiếc xe tải container định mệnh là Maurice (Mo) Robinson, 25 tuổi,cũng đã bị đưa ra tòa án với các tội danh tương tự Eamon Harrison, cộng thêm tội danh rửa tiền.

Cảnh sát cũng đã bắt giữ đôi vợ chồng 38 tuổi Thomes Maher và Joanna Maher ở Warrington là chủ nhân cuối cùng của chiếc container kia với tội danh tình nghi buôn người và ngộ sát 39 nạn nhân. Họ khai mình đã bán container đó từ lâu. Hai vợ chồng này đã được tòa cho đóng tiền bảo lãnh tại ngoại hầu tra tới tháng 12-2019. Một người đàn ông Northern Ireland 48 tuổi đã bị bắt giữ tại sân bay Stansted với tội danh tương tự hai vợ chồng Maher.

Cảnh sát Anh đang truy nã hai anh em ruột Ronan Hughes, 40 tuổi, và Christopher, 34 tuổi, sống ở Armagh (Northern Ireland) tình nghi phạm tội buôn người và ngộ sát.

Còn ở Việt Nam, công an cho biết ngày 3-11-2019 đã bắt giữ tổng cộng 8 người vì tình nghi dính líu đường dây đưa người ra nước ngoài để nhập cảnh lậu.

Thánh lễ cầu nguyện cho 39 nạn nhân được cử hành ngày 2-11-2019 tại nhà thờ The Holy Name and Our Lady of the Sacred Heart Church, phía Đông London, Anh. (Internet. Thanks.)

Đại sứ quán Việt Nam tại London trong thông cáo ngày 7-11-2019 cho biết: Đại sứ quán sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phái đoàn liên cơ quan của Chính phủ Việt Nam đang ở Anh, các cơ quan liên quan của Việt Nam và Vương quốc Anh để bảo vệ lãnh sự và hỗ trợ cho các gia đình để đưa người thân của họ về nhà trong thời gian sớm nhất.

Trưa 8-11-2019, Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương có nạn nhân tử vong trong container tại Anh nhằm bàn các biện pháp bảo hộ công dân theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, Anh và luật pháp quốc tế.

Theo nhiều nguồn tin, sở dĩ cho tới nay, 39 nạn nhân (gồm 8 nữ và 31 nam có hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế) vẫn chưa thể hồi hương chủ yếu là chưa thống nhất được cách thức tiến hành và chi phí hồi hương. Theo luật định, Nhà nước không có khoản chi trả cho việc này mà chỉ hỗ trợ về thủ tục cho gia đình người quá cố qua đời ở nước ngoài. Chính phủ Anh cũng không có trách nhiệm bồi hoàn cho những trường hợp như thế này. Ai cũng hiểu, có những việc nếu không làm theo luật định và tập quán trước nay mà tạo tiền lệ sẽ gây ra những hệ lụy lâu dài sau này. (Riêng tôi thiển nghĩ, nếu có “xé rào” trong trường hợp này chắc cũng được nhiều người đồng tình. Lẻ tẻ vài ba dăm bảy người như lâu nay thì chẳng nói làm gì, ở đây tới 39 người trong một vụ việc bi thảm chấn động cả thế giới mà người ta đang nhìn xem ta xử lý ra sao.)

Tất nhiên, ai cũng hiểu được tâm tư và nguyện vọng chính đáng của người thân các nạn nhân được nhận thi hài để có thể nhìn mặt người thân lần cuối và đích thân lo hậu sự. Thế nhưng, ngoài chuyện phức tạp hơn về thủ tục, chi phí hồi hương thi hài tốn kém gấp hơn chục lần so với hồi hương tro cốt.

Như vậy, phải nói là việc hồi hương 39 đồng bào tử nạn ở Anh hiện rất vướng. Phải chăng giải pháp là cần sự tham gia của các tổ chức nhân đạo và thuyết phục được gia đình nạn nhân chấp nhận phương thức khả thi nhất. Và vấn đề mấu chốt là cơ quan, tổ chức nào đứng ra đứng mũi chịu sào để tránh những rối ren, tiêu cực do lợi dụng và bất cập?

Bất luận thế nào, ngày nào mà 39 đồng bào còn phải nằm trong hộc lạnh ở xứ người, ngày đó lòng chúng ta vẫn còn xao động.

PHẠM HỒNG PHƯỚC