Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Chuyện lái xe khi có nồng độ cồn

Ngay từ những ngày cuối năm 2019 và bước sang năm mới 2020 tới nay, trên mạng xã hội tràn ngập những chia sẻ về một trong những luật định mới bắt đầu có hiệu lực thi hành trên toàn quốc từ ngày 1-1-2020. Đó là các mức xử phạt mới về các hành vi vi phạm an toàn giao thông được ban hành theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được ký ngay trong ngày 30-12-2019. Đây có thể coi là một cuộc tuyên chiến pháp lý nặng nề và khắt khe nhất trước nay chống những người lái xe trong tình trạng say rượu trong nỗ lực kéo giảm số lượng tai nạn giao thông, đặc biệt là có yếu tố rượu bia.

Cư dân mạng lập tức chia thành 3 phe như vốn dĩ như vậy đối với những chủ đề nóng, có liên quan hay ảnh hưởng rộng.

Một phe ủng hộ việc xử phạt nặng tệ nạn lái xe khi say xỉn. Phe ngược lại phản đối vì cho rằng quá cực đoan. Còn một phe có tính trung dung, tuy ủng hộ Nghị định 100 nhưng lại thận trọng muốn có những điều chỉnh cho khả thi và hợp tình hợp lý hơn.

Nhìn chung tất cả các mức phạt mới đều tăng mạnh, thậm chí tăng gấp mấy lần so với trước đó (theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP). Tất nhiên chúng gây kêu ca, tạo ra những tiếng rên rỉ trên mạng khi nhìn thấy những mức phạt đáng sợ (có lẽ biện pháp chế tài đánh vào ngay hầu bao sẽ góp phần khiến thiên hạ phải cân nhắc thiệt hơn).

Nhưng gây nhiều phản ứng nhất chính là cái quy định hễ phát hiện có nồng độ cồn trong người, bất luận mức nào, là người điều khiển phương tiện giao thông bị xử phạt. Lần này, ngay cả người chạy xe đạp cũng dính.

Chốt kiểm tra độ cồn người lái xe trên đường. (Ảnh: Internet. Thanks.)

Vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất chính là ngay từ Luật phòng chống tác hại của rượu bia do Quốc hội thông qua năm 2019 (khoản 6 điều 5) quy định:  nghiêm cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Không hiểu sao mà luật lại không đưa ra được một định lượng giới hạn cụ thể của nồng độ cồn có thể được chấp nhận. Định mức này không thể đưa ra một cách cảm tính mà phải dựa trên căn cứ và nghiên cứu khoa học và xã hội kỹ lưỡng. Thực tế, nồng độ cồn (thường ở mức rất thấp) vẫn có thể ở một người nào đó vì những nguyên nhân không phải là uống bia rượu (như ăn một số loại trái cây có thể lên men, hay ăn cơm rượu, hoặc món bò nấu rượu vang, tôm hấp bia). Những hệ lụy một cách vô duyên có thể xảy ra từ chỗ không có hạn mức nồng độ cồn như vậy. Vì thế, tuyệt đại đa số cư dân mạng, bất kể thuộc phe nào, cũng đều mong Quốc hội sớm sửa đổi lại điều khoản này với hạn mức nồng độ cồn cụ thể.

Nói chung, đa số người dân ủng hộ việc dùng luật trừng phạt nặng đối với các hành vi điều khiển xe cộ khi đang say rượu. Nhưng việc này chỉ thật sự có tác dụng nếu như luật được các người thừa hành công vụ thực thi một cách nghiêm minh và minh bạch.

Chuyện rượu bia và giao thông vốn là một vấn nạn lưu niên, và là một thứ bệnh quỷ cần có thuốc tiên. Việt Nam rõ ràng bước vào năm 2020 với sự tuyên chiến chống lại các vi phạm an toàn giao thông bởi những kẻ say rượu. Tình thế không cho phép chần chừ và nương tay nữa rồi. Không ai có lý trí và lương tâm lại có thể phủ nhận được thực tế yếu tố rượu bia chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong các tai nạn giao thông.

Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, cứ mỗi mùa lễ tết cũng là cao điểm của tai nạn giao thông, mà nguyên nhân chính luôn là do rượu bia gây ra. Mới sau 10 ngày đầu áp dụng Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tình hình tai nạn giao thông do bia rượu đã giảm hẳn. Trả lời báo chí ngày 9-1-2020, bác sĩ Vũ Xuân Hùng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết: “Nếu bình thường 1 ngày cấp cứu khoảng 100-120 bệnh nhân, trong đó khoảng 30% có liên quan tai nạn giao thông thì gần đây con số chỉ còn một nửa và liên quan đến rượu bia chỉ chiếm 10%.” Đặc biệt trong cả tuần qua, bệnh viện này không tiếp nhận bất kỳ bệnh nhân tai nạn giao thông nào do rượu bia gây ra.

Cho dù những ông vẫn khoái hễ gặp nhau là có chai bia, ly rượu càm ràm, quạu quọ, mọi gia đình đều ủng hộ việc thẳng tay xử cái vấn nạn lái xe sau khi uống rượu bia. Tính mạng người thân của họ được bảo đảm hơn trước. Và hy vọng, Tết Canh Tý này sẽ có được những chuyển biến tích cực trong việc kéo giảm tai nạn giao thông do bia rượu mùa cao điểm… nhậu.

PHẠM HỒNG PHƯỚC