Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Lại chuyện cái khẩu trang

Lại phải thú thiệt, tôi chớ hiểu nổi, cho tới tận hôm nay, khi dịch COVID-19 đã lan ra toàn cầu, thậm chí phá toang, làm vỡ trận không ít quốc gia phát triển (165 nước và vùng lãnh thổ đã có người nhiễm virus) với gần 200.000 người nhiễm và gần 8.000 người chết (chiếm 4% so với tổng nhiễm) mà vẫn có những người tiếp tục cổ súy cho người khác không đeo khẩu trang.

Thậm chí người ta bất chấp cả việc Thủ tướng chỉ đạo từ ngày 16-3, khi đến nơi công cộng tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe… phải đeo khẩu trang.

Đành rằng, xét về nguyên tắc và theo lý lẽ y học, khẩu trang chủ yếu chỉ có tác dụng giúp ngăn ngừa các dịch hô hấp của người đeo phát tán ra chung quanh, và WHO hay CDC Mỹ cũng chỉ khuyến cáo người ta đeo khẩu trang khi cảm thấy mình bị bệnh hay phải tiếp xúc với người đang bệnh. Nhưng trong thời ôn dịch, các nhận thức cũ và bình thường phải thay đổi, đặc biệt là với cái loài nghiệt chủng novel coronavirus bùng phát từ Wuhan (Trung Quốc) thiệt là ranh ma và khác thường này (cho tới nay, các nhà nghiên cứu hàng đầu cũng phải thừa nhận người ta hiểu quá ít về chủng virus mới này – nhất là nó liên tục biến hóa, phát sinh dạng khác). Ngay cả ở Mỹ, nhận thức ban đầu của người Mỹ, kể cả các quan chức y tế, và thậm chí từ Tổng thống Donald Trump rằng novel coronavirus cũng chỉ như cúm mùa (seasonal flu) thường niên giờ cũng đã phải thay đổi. Bệnh do novel coronavirus là bệnh viêm đường hô hấp cấp thể nặng chứ không phải một dạng cúm mùa.

Cách đây không lâu, CDC Mỹ đã cập nhật khuyến cáo về khẩu trang của mình rằng: trong môi trường hẹp, khi người bệnh không mang khẩu trang thì chúng ta phải mang khẩu trang.

Một nhân viên sân bay ở Bali (Indonesia) trang bị bảo hộ chống dịch đủ bộ. Information officer wearing protective mask, gloves and goggle, as prevention of novel coronavirus epidemic, at international arrival gate of Bali Ngurah Rai International Airport in Kuta, Bali, Indonesia on February 4 2020. Indonesia has confirmed to halt any flight from and to Chinese mainland from February 5th until further notification due to prevent the spread of novel coronavirus into Indonesia. WHO has announced the the novel coronavirus is an international public emergency. (Photo by Johanes Christo/NurPhoto via Getty Images)

Những người cổ súy không đeo khẩu trang chỉ có lý ở chỗ: ở trong nhà mình thì không cần mang khẩu trang. Nhưng nó lại không đúng ở chi tiết: phải mang khẩu trang khi trong nhà có người phải cách ly tại chỗ hay khi tiếp xúc với khách tới chơi.

Những người cổ súy không đeo khẩu trang nói rằng chỉ cần đeo khẩu trang khi vào trong môi trường có người bệnh. Vậy thì trong bối cảnh virus đã ở cấp độ lây lan trong cộng đồng, nó chạy rông ngoài đường, làm sao ta biết ai có mang mầm bệnh mà “kính nhi viễn chi” (đứng xa mà ngó)? Họ có thể lập luận: khi chạy xe ngoài đường có gió, thông thoáng không sợ. Họ không sợ, nhưng tôi hãi. Liệu có nguy hiểm không khi dừng đèn đỏ ở giao lộ có nhiều người hay đang chạy xe mà có ai chạy ngang qua ho, khạc, hỉ mũi, hắt hơi, nói chuyện bắn tung tóe? Vậy nên phải mang khẩu trang khi ra khỏi nhà cho an toàn. Mới đây, trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ, một người Mỹ chọn ở lại Việt Nam cho qua mùa dịch bệnh chia sẻ rằng: Anh chọn đeo khẩu trang, vì chỉ cần 50% an toàn là quá tốt rồi.

Cũng có người dẫn chứng rằng những nước X, Y, Z,… người ta mang khẩu trang đầy đường mà vẫn có nhiều ca nhiễm. Vậy thì sao không hỏi ngược lại, nếu không mang khẩu trang như vậy, tình hình lây nhiễm sẽ còn khủng khiếp chừng nào?

Lẽ ra, mọi người – đặc biệt là những người có ảnh hưởng với công chúng – nên chọn hướng truyền thông về khẩu trang một cách hợp tình hợp lý hơn. Thay vì giờ này còn xới lên, tranh cãi nên hay không nên mang khẩu trang, họ hãy tập trung tìm cách giúp mọi người biết đeo khẩu trang sao cho hợp lý và đúng cách.

Nhân tiện, đã tới thời điểm – dù là trễ – nhà nước phải tạm quản lý việc sản xuất và phân phối khẩu trang – đưa nó vào diện chịu sự điều hành của nhà nước. Thời ôn dịch phải hành xử như thời chiến tranh. Làm sao để nhà sản xuất khẩu trang có thể sản xuất nhiều và tiêu thụ được – có lợi nhuận, dù trong lúc này chấp nhận lợi suất ít đi – và người dân có thể mua khẩu trang dễ dàng hơn với giá hợp lý hơn. Liệu có bất cập và kỳ cục không khi tới lúc này mà chuyện khẩu trang vẫn căng trên thị trường Việt Nam và vẫn là mặt hàng đem lại lợi nhuận khủng cho một thiểu số người không phải có đầu óc nhạy bén kinh doanh mà là đầu óc con buôn trục lợi ngay trên sức khỏe và sinh mạng đồng bào mình? Thậm chí nếu làm tốt, với năng lực sản xuất của mình, Việt Nam còn có thể xuất khẩu khẩu trang. Đó chính là thời cơ trong nguy cơ.

Xin mời xem video:

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.