Thứ Ba ngày 03 tháng 12 năm 2024

Công dân Việt vẫn được bảo đảm quyền về nước nếu muốn về

Ngày 21-3-2020, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 118/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Đó là  Thủ tướng quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, áp dụng từ 0h ngày 22-3-2020. Tất cả trường hợp mang giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân cũng tạm dừng nhập cảnh.

Trước đó, ngày 17-3, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 102/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 rằng: Tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày, bắt đầu từ 0g ngày 18-3-2020.

Các quyết định này chỉ áp dụng đối với những người quốc tịch nước ngoài. Riêng các trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt…, nhà chức trách Việt Nam vẫn thực hiện cấp thị thực nếu cần và các thủ tục kiểm tra, khai báo y tế bắt buộc, cách ly phù hợp khi nhập cảnh Việt Nam.

Người có giấy miễn thị thực (miễn visa) là những người quốc tịch nước ngoài gốc Việt (không có hay không còn giữ quốc tịch Việt Nam) từ ít năm trước đây được Việt Nam áp dụng chính sách ưu tiên với tinh thần “người gốc Việt vẫn là đồng bào Việt”. Đây cũng chính là những người đã có cuộc sống định cư ổn định ở nước ngoài với tư cách công dân nước sở tại, nên giờ trong thời ôn dịch, họ vẫn có thể ở nước mình sinh sống một cách an toàn như bao nhiêu công dân khác, và được nhà nước sở tại chăm sóc vì là công dân của nước đó. Không về nước lúc này vừa bảo đàm an toàn cho tất cả, vừa có thể giúp giảm nhẹ gánh nặng âu lo cho quê cha đất tổ mình.

Còn những người Việt ở nước ngoài (làm việc, hợp tác lao động, du học sinh,… thậm chí là những người đang hưởng quy chế thường trú nhân – thẻ xanh) vẫn là các công dân của Việt Nam (thể hiện ở chỗ họ vẫn có quốc tich Việt, vẫn phải dùng “sổ bìa xanh” – passport Việt Nam). Mà đã là công dân Việt thì họ có quyền trở về nước nhà của mình. Trong tình cảnh nguy cấp, họ càng được Tổ quốc mở rộng tay đón về nương tựa, lánh nạn. Với người dân, đó là tình nghĩa đồng bào. Với nhà nước, đó là trách nhiệm bảo hộ công dân.

Vì thế, một mặt (và nên là ưu tiên), nhà nước khuyến khích các người Việt đang sinh sống ở nước ngoài tuân thủ nguyên tắc phòng đại dịch chung của thế giới: ai đang ở đâu, cứ ở nguyên chỗ đó. Nếu có thể được, họ nên ở lại nơi mình sống bấy lâu nay và tuân thủ mọi quy định của chính quyền sở tại. Một mặt họ cần giữ liên lạc với sứ quán Việt Nam ở nước sở tại (phải chủ động chứ không ai biết mình ở đâu đâu). Bản thân các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đây là lúc cần thiết hơn bao giờ hết thực thi trách nhiệm bảo hộ công dân của mình, làm cầu nối giữa các công dân với nhà chức trách sở tại (để bảo vệ công dân mình), cũng như giữa các công dân với nước nhà. Và rồi, trong tình thế quá nguy hiểm khi ở nước sở tại hay có nguyện vọng muốn về nước (không cho về là giận, là khóc đó nghe), người Việt ở nước ngoài phải được nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền được về Tổ quốc mình. Chính phủ cũng đã thông báo với những người Việt ở nước ngoài muốn về nước cần liên lạc với sứ quán Việt Nam để sắp xếp – không loại trừ việc nhà nước sẽ tổ chức những chuyến bay “giải cứu”.

Công văn của Bộ Giao thông – Vận tải ngày 21-3-2020 chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, trong đó có nói tới việc đưa công dân Việt Nam về nước.

Vì lẽ đó, việc người Việt ở nước ngoài về nước theo hình thức tự về hay được đón về phải tuân thủ các quy định cách ly phòng dịch là lẽ đương nhiên. Nhà nước đang làm rất tốt việc tổ chức cách ly này (chỉ xin hiểu, đây không phải là đi nghỉ mát, an dưỡng để đòi hỏi phải có điều kiện sống tinh tươm). Với số lượng ít, nhà nước còn kham nổi bằng ngân sách; khi quá đông và kéo dài, cần phải xã hội hóa, kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng. Trong những ngày gần đây, ngày càng có thêm nhiều người hảo tâm và doanh nghiệp chung tay đóng góp ngày càng nhiều cho cuộc chiến phòng chống dịch bệnh. (Giá như được ôm hun tất cả họ!)

Theo TTXVN, dự kiến có 2.348 khách từ vùng dịch COVID-19 ở nước ngoài sẽ về sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) ngày 22-3-2020, trong đó có 2.146 khách là người Việt Nam. Hành khách tại sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Hoàng Anh/Vietnam+/Internet. Thanks)

Chỉ có điều, mọi người không nên lăn tăn chuyện “người Việt ở nước ngoài” – thậm chí khoác cho họ cái mark “Việt kiều” trớt quớt để cho họ ăn hành băm trộn xả ớt chanh me chuối chát. Đừng nhấn nhà, soi chiếu vào cái yếu tố “từ nước ngoài về” mà hoặc GATO, hoặc nghĩ họ có nhiều tiền hơn mình. Bất luận thế nào, họ là người Việt đồng bào mình, thậm chí đang trong tình cảnh khổ sở và nguy hiểm hơn mình. Và chính nhờ việc cách ly nghiêm ngặt mà chúng ta có thể ngăn chặn được cả mớ virus lọt qua cửa khẩu vào tung tăng “Add friend” trong cộng đồng. Có thể bạn nghĩ khác, còn tôi luôn biết quý trọng, biết ơn những người đã và đang chấp nhận cách ly phòng dịch. Thử nghĩ, bao nhiêu đó mà đổ vào cộng đồng thì…. à mà thôi. Theo báo cáo chi tiết của Bộ Y tế, ngày càng có thêm nhiều ca nhiễm được phát hiện trong số những người được cách ly ngay từ sau khi xuống sân bay.

Tôi ủng hộ việc có thêm tùy chọn cách ly có thu phí dành cho những người có nhu cầu và có điều kiện. Đây không phải là chuyện phân biệt đối xử, phân chia giai cấp gíao tầng chi ráo. Đó hoàn toàn là một thục tế, và là một khía cạnh của kinh tế thị trường – có cầu có cung. Làm được việc này, ta sẽ giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách (để dành tập trung lo cho những người không có điều kiện), đồng thời giúp được các doanh nghiệp lưu trú và người lao động của họ tiếp tục có công ăn việc làm. Tất nhiên, hình thức xã hội hóa cách ly có thu phí này cần phải quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt hơn cả các nơi cách ly tập trung. Những người được chấp nhận cách ly trả phí này cũng cần được sàng lọc kỹ lưỡng, chỉ dành cho những người ít có nguy cơ lây nhiễm nhất. Và sẽ tốt cho tất cả nếu chỉ nên chọn những khu lưu trú ở xa vùng tập trung dân cư. Cẩn tắc vô áy náy. Hơn nữa, người phải cách ly đâu có được tung tăng bát phố, shopping,… mà chỉ cần có nơi ở thoải mái hơn cho qua cái hạn 14 ngày “nghĩ dưỡng cưỡng buộc”.

Ấy là tôi nghĩ thế. À há.

PHẠM HỒNG PHƯỚC