Bản lãnh báo phụ nữ…
Báo Phụ Nữ TP.HCM sáng 29-5-2020 lại làm nóng cộng đồng mạng khi dành tới 5 trang (bao gồm trang nhất) để “nói lại cho rõ” về những “sai phạm” mà báo đã bị cơ quan quản lý chuyên môn quy kết liên quan tới loạt bài điều tra về một số dự án xây dựng của doanh nghiệp Sun Group đăng trên báo in và báo điện tử hồi tháng 10-2019. Loạt bài đó từng gây xôn xao công luận.
Ngày hôm trước, 28-5-2020, báo chí “rầm rộ” đưa tin báo Phụ nữ TP.HCM bị Cục Báo chí phạt hành chính 55 triệu đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo điện tử đã được cấp (tức đình bản) trong thời hạn 1 tháng. Đồng thời, Cục cũng buộc báo Phụ nữ TP.HCM phải cải chính, xin lỗi theo quy định.
Phải nói rằng phản ứng của báo Phụ Nữ TP.HCM sáng 29-5 là chưa có tiền lệ trong làng báo chí Việt Nam từ sau 1975. Nhiều người nhận xét đây là sự dũng cảm, là bản lĩnh. Tôi nghĩ thêm, đây là một hành động fair play, một sự minh bạch và sòng phẳng, có trách nhiệm với bạn đọc – những người muốn biết vì sao tờ báo mà mình yêu thích bị xử phạt? Và có một điều dễ hiểu và phải hiểu, nếu không tự tin vào mình, báo Phụ Nữ TP.HCM đã không một lần nữa dám “chơi tất tay” như thế này. Và cũng chính nhờ 5 trang báo in “nói lại cho rõ” này, mọi chuyện đúng sai giờ đây công chúng – người đọc có thể phân định. Và nhiều cơ quan, tổ chức sẽ lại phải “trả lời” cho thỏa đáng và công khai đáp trả công khai.
Chỉ mong đừng ai bị dị ứng với cách hành xử này của chị em báo Phụ Nữ TP,HCM. Hãy bình tâm đọc kỹ, họ rất chừng mực, cái nào sai lỗi thì vẫn nhận; cái nào thấy cần nói lại, nói thêm cho rõ thì làm rõ hơn. Hơn nữa, bị cáo trước khi bị tuyên án vẫn được quyền nói lời cuối cùng và sau khi có bản án vẫn được quyền kháng cáo kia mà.
Tất nhiên, công chúng chỉ có thể đọc được sự “nói lại cho rõ” của báo Phụ Nữ TP.HCM trên báo in, vì phiên bản online đã phải đình bản theo quyết định của cấp thẩm quyền. Mà nghe nói báo in Phụ Nữ TP.HCM sáng nay “cháy hàng”. Trong khi đó, bản chụp share nhau trên Facebook lại bị mờ do chất lượng kém. Người ta phải chờ coi có bản text hay không. (Bạn Phạm Thành Nhân của báo Phụ Nữ TP.HCM vừa cung cấp bản text https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10216770559877682&id=1273224640)
Tôi không có đủ thông tin vụ việc nên không có nhận xét gì (mà có lẽ cũng chả cần ông giáo ạ.) Tôi chỉ có 2 chi tiết:
1. Loạt bài điều tra và “nói lại cho rõ” này diễn ra khi báo Phụ Nữ TP.HCM vẫn thuộc chủ quản của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM. Theo quy hoạch báo chí, sắp tới đây, báo này sẽ chuyển chủ quản về Thành ủy TP.HCM.
2. Từ loạt bài điều tra này, báo Phụ Nữ TP.HCM vẫn chỉ lẻ loi, đơn độc. 500 anh em đồng nghiệp nam giới lặng lẽ ngồi nằm đứng ngó hậu duệ Bà Trưng – Bà Triệu múa phím, im re bất kể đồng nghiệp tóc dài của mình đúng hay sai!!!
Bất luận thế nào đi nữa, tôi vẫn ngưỡng mộ các đồng nghiệp báo Phụ Nữ TP.HCM – tờ báo đầu tiên của TP.HCM mà tôi viết bài cộng tác khi mới từ Long An chuyển về TP.HCM hồi đầu thập niên 1980.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
*** Nói lại cho rõ ***
BÁO PHỤ NỮ TP.HCM ĐÃ SAI PHẠM NHỮNG GÌ?
Theo quyết định xử phạt hành chính của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Báo Phụ Nữ TP.HCM đã “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng” trong loạt bài về bảo vệ môi trường: “Sun Group – “Ông trời” không từ trên cao”. Chúng tôi xin minh định với bạn đọc về kết quả của buổi làm việc giữa Báo Phụ Nữ TP.HCM với đoàn làm việc của Cục Báo chí (kết quả của buổi làm việc này là căn cứ để Cục Báo chí đưa ra quyết định nói trên).
1.
Về thông tin: đơn vị nghiên cứu quy hoạch là Tập đoàn Sun Group trong bài Âm mưu chiếm 726ha biển Vân Đồn, đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 25/10/2019.
Cục Báo chí nêu ý kiến: “Tuy UBND tỉnh Quảng Ninh đã từng giao cho Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn làm đơn vị nghiên cứu lập quy hoạch dự án bán đảo Cổng Chào, nhưng sau đó đã chuyển giao lại cho Ban Quản lý Khu kinh tế”, từ đó Cục Báo chí kết luận Báo Phụ Nữ TP.HCM thông tin sai sự thật.
Báo Phụ Nữ TP.HCM xin được nói rõ: Bài viết Âm mưu chiếm 726ha biển Vân Đồn trong loạt bài về môi trường nói trên, nội dung của bài báo này khác với những bài khác ở chỗ, đây là bài báo phân tích thiệt hại về kinh tế, thiệt hại về môi sinh tại biển Vân Đồn, nếu dự án này được thực hiện.
Cụ thể diễn tiến: Sau khi bài báo Âm mưu chiếm 726ha biển Vân Đồn được đăng tải, UBND tỉnh Quảng Ninh đã khiếu nại báo viết sai sự thật, vì “Dự án khu phức hợp thương mại Cổng Chào” được giao cho Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn chứ không phải giao cho Tập đoàn Sun Group.
Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trả lời: Tại Quyết định số 1776/QĐ-UBND về việc chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu phức hợp thương mại cao cấp bán đảo Cổng Chào, khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; đơn vị nghiên cứu quy hoạch là Tập đoàn Sun Group, địa điểm là xã Đông Xá, huyện Vân Đồn có nêu: “Căn cứ Thông báo số 1128-TB/TU ngày 21/9/2018 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về ý kiến kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Tập đoàn Sun Group ngày 12/9/2018; Thông báo số 385-KL/TU ngày 6/3/2019 của Tỉnh ủy về kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Tập đoàn Sun Group ngày 20/2/2019”.
Như vậy, việc UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 1776/QĐ-UBND về việc đơn vị được giao nghiên cứu, lập quy hoạch phân khu dự án trên là Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn dựa trên quy định pháp luật và các buổi làm việc với Tập đoàn Sun Group. Vì vậy, không thể nói Tập đoàn Sun Group và Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn là hai pháp nhân có mã số doanh nghiệp riêng biệt nên không có mối liên quan đến nhau trong dự án nói trên.
Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM trả lời, UBND tỉnh Quảng Ninh lại tiếp tục khiếu nại báo viết không đúng sự thật, rằng: việc giao Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn làm đơn vị nghiên cứu lập quy hoạch theo Quyết định số 1776/QĐ-UBND ngày 26/4/2019 được tỉnh thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn làm đơn vị nghiên cứu lập quy hoạch chứ không phải là chủ đầu tư dự án.
Báo Phụ Nữ TP.HCM tiếp tục trả lời: Bài báo chỉ giới thiệu tới bạn đọc về thông tin dự án khu phức hợp thương mại cao cấp bán đảo Cổng Chào, khu kinh tế Vân Đồn và đơn vị nghiên cứu lập quy hoạch là Tập đoàn Sun Group, thông qua sự chấp thuận của UBND tỉnh Quảng Ninh (theo Quyết định số 1776/QĐ-UBND ngày 26/4/2019), chứ không hề có sự phân tích hay nhận định nào đề cập việc UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn làm đơn vị nghiên cứu lập quy hoạch là đúng hay chưa đúng theo quy định pháp luật; cũng không có một nội dung nào thể hiện Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn là chủ đầu tư dự án theo như lập luận UBND tỉnh Quảng Ninh.
Sau công văn trả lời đó của Báo Phụ Nữ TP.HCM, nhiều tháng sau, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có “chứng cứ” mới để cho rằng Báo Phụ Nữ TP.HCM viết sai sự thật. Lần này, tỉnh không còn khẳng định việc giao cho Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn làm đơn vị nghiên cứu như khiếu nại trước. Ở “chứng cứ” này, tỉnh Quảng Ninh lại cho biết: “Việc lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu phức hợp thương mại cao cấp bán đảo Cổng Chào, khu kinh tế Vân Đồn đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Quyết định số 1776/QĐ-UBND ngày 26/4/2019, giao Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn làm đơn vị nghiên cứu lập quy hoạch. Nhưng Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn không còn là đơn vị thực hiện nghiên cứu, lập quy hoạch. Việc lập quy hoạch phân khu bán đảo Cổng Chào đã được UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế tại văn bản số 505I/UBND QH1 ngày 18/7/2019 của UBND tỉnh”.
Tuy nhiên, bài báo này không có chi tiết nào nói dự án đã được thực hiện và cũng không cho rằng việc tỉnh Quảng Ninh giao cho một công ty nào đó lập quy hoạch là sai quy định pháp luật. Bài báo không hề đề cập hay phân tích về thông tin mà tỉnh Quảng Ninh khiếu kiện. Toàn bộ bài báo có nội dung mang tính cảnh báo, dự báo hậu quả trong tương lai sẽ phải gánh chịu nếu “Dự án khu phức hợp thương mại cao cấp bán đảo Cổng Chào” được thực hiện.
Từ một nội dung có tính chất dự đoán nhằm lường trước những rủi ro, tác động xấu từ dự án đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên cũng như đời sống người dân để làm căn cứ cho chính quyền địa phương xem xét cân nhắc các hoạt động liên quan đến dự án; qua liên tiếp 3 công văn, UBND tỉnh Quảng Ninh lại xoáy sâu vào nội dung đơn vị nào lập quy hoạch (xin nhắc lại là Báo Phụ Nữ TP.HCM không đề cập vấn đề này, và dù đơn vị nào lập quy hoạch cũng không thay đổi bản chất nội dung có tính dự báo về hậu quả môi trường được đề cập trong bài báo) mà không hề có một phản hồi nào về nội dung chính bài báo đã nêu.
Tuy nhiên, về chi tiết (lưu ý: chi tiết này không hề làm thay đổi bản chất nội dung của bài báo) “Dự án khu phức hợp thương mại cao cấp bán đảo Cổng Chào” đã được giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế tại văn bản số 505I/UBND QH1 ngày 18/7/2019 của UBND tỉnh, Báo Phụ Nữ TP.HCM thừa nhận chưa cập nhật văn bản cuối cùng (nếu văn bản này có giá trị pháp lý) để thông tin được trọn vẹn. Một lần nữa xin lưu ý, chi tiết này không hề làm thay đổi nội dung bài báo để quy kết bài báo viết sai sự thật.
2.
Về thông tin kèm hình ảnh “Và nguy hiểm nhất là Sun Group đang bắt đầu triển khai thêm khu phức hợp thương mại cao cấp bán đảo Cổng Chào” của clip trong bài Dự án Tam Đảo II: Con voi chui qua hàng loạt lỗ kim đăng trên báo điện tử ngày 23/10/2019.
Ý kiến của Cục Báo chí: Hình ảnh sử dụng trong clip tại huyện Vân Đồn là hiện trạng Dự án đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông đã có đầy đủ các thủ tục pháp lý triển khai dự án. Khu vực bán đảo Cổng Chào không có bất cứ một hoạt động nào liên quan đến triển khai thi công. Báo Phụ Nữ TP.HCM dẫn một hình ảnh không có ranh giới hay mốc xác định rõ ràng về vị trí nhưng lại bình luận “và đây là hình ảnh thực tế chúng tôi có được ở bãi biển bán đảo Cổng Chào” và kết luận Báo Phụ Nữ TP.HCM đưa tin không có căn cứ.
Báo Phụ Nữ TP.HCM xin nói rõ: Clip mà Cục Báo chí nêu ra là một clip tổng hợp, không liên quan đến bài báo Dự án Tam Đảo II: Con voi chui qua hàng loạt lỗ kim đăng trên báo in và báo điện tử ngày 23/10/2019. Trong clip này, có 1 hình ảnh chưa được chú thích rõ, đồng thời lời bình và hình ảnh chưa khớp với nhau. Cụ thể, hình ảnh và lời bình trên clip thể hiện thực tế rằng, Tập đoàn Sun Group đang nghiên cứu và sẽ thực hiện dự án siêu đô thị, theo đó, nhiều héc-ta biển ở khu vực này sẽ bị san lấp, gây tác động xấu đến môi trường, cảnh quan. Những hòn đảo ngoài khơi sẽ nhập vào bờ để lấy mặt bằng làm siêu dự án đô thị sang.
Hình ảnh khu đô thị hạng sang trong clip chính là hình ảnh minh họa được tải xuống từ dự án thuộc khu vực dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng đô thị mới xã Đông Xá, Vân Đồn và Báo Phụ Nữ TP.HCM đã thiếu phần chú thích cho minh họa nói trên. Báo Phụ Nữ TP.HCM thừa nhận sơ xuất nói trên, nhưng chi tiết này không có nghĩa là báo đã nói sai sự thật trước các thực tế đã diễn ra.
3.
Về thông tin “Trong khoảng 50 hạng mục công trình xây dựng của dự án Tam Đảo II, hạng mục gây ám ảnh nhất chính là “trường đua xe tốc độ cao” trong bài Trường đua xe tốc độ cao trong lõi rừng Tam Đảo II đăng trên báo điện tử và báo in Phụ Nữ TP.HCM ngày 23/10/2019.
Ý kiến của Cục Báo chí: Theo văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc thì trong quyết định phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Tam Đảo giai đoạn 2010-2020, quyết định phê duyệt đề án cho thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Tam Đảo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Vĩnh Phúc không có hạng mục “trường đua xe tốc độ cao”; trong khi văn bản Báo Phụ Nữ TP.HCM cung cấp, ở phần Phụ lục 2, tại mục Khu vui chơi giải trí trong nhà có hạng mục “đua xe tốc độ”.
Báo Phụ Nữ TP.HCM xin nói rõ: Về “trường đua xe tốc độ cao”, Cục Báo chí viện dẫn văn bản của tỉnh Vĩnh Phúc và khẳng định rằng, không có hạng mục “trường đua xe tốc độ cao” trong dự án Tam Đảo II, mà chỉ có hạng mục “đua xe tốc độ”. Căn cứ sự khác nhau giữa hai cụm từ “đua xe tốc độ cao” và “đua xe tốc độ” để kết luận Báo Phụ Nữ TP.HCM thông tin sai sự thật.
Báo Phụ Nữ TP.HCM thừa nhận bài báo viết dư chữ “cao”. Tuy nhiên, bài báo viết “đua xe tốc độ cao”, so với thông tin nguyên bản của dự án là “đua xe tốc độ”, thì bản chất thông tin trong câu “đua xe tốc độ cao” và “đua xe tốc độ” có làm thay đổi nội dung không, cũng như có làm người đọc hiểu sai bản chất của hạng mục “đua xe tốc độ” của dự án Tam Đảo II không? Đặt câu hỏi trên vì Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nêu một câu hỏi ngay trong bài báo đó: “Chúng tôi không hiểu nổi, tại sao người ta có thể có ý định dành ra 1,5ha trên đỉnh núi Tam Đảo để xây một trường đua xe tốc độ cao?”.
4.
Về thông tin “Đến đây, có thể thấy rằng, dự án Tam Đảo II đã khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng” trong bài Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Tam Đảo II có nhiều chữ ký khống đăng trên báo in và báo điện tử ngày 21/10/2019; thông tin: dự án Tam Đảo II xây dựng khi đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chưa duyệt trong bài Dự án Tam Đảo II: Xây dựng khi ĐTM chưa duyệt, ủy viên hội đồng thẩm định nói “có vấn đề gì đâu”! đăng trên báo in ngày 25/10 và báo điện tử ngày 26/10/2019.
Ý kiến của Cục Báo chí: Dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75 mới chỉ thực hiện giấy phép xây dựng cho 1 hạng mục nhà ga đi cáp treo và không cấp phép xây dựng cho toàn bộ dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt ĐTM ngày 26/12/2016, giấy phép xây dựng được cấp ngày 23/12/2016 và khởi công vào ngày 27/12/2016, từ đó cho rằng dự án đã có giấy phép xây dựng và Báo Phụ Nữ TP.HCM đã sai.
Báo Phụ Nữ TP.HCM xin nói rõ: Nội dung bài báo viết “Dự án Tam Đảo II đã khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng” – tức là đề cập cái sai trong quy trình. Theo luật định, bất cứ dự án liên quan đến môi trường nào cũng CHỈ ĐƯỢC THI CÔNG sau khi trải qua các quy trình theo đúng trình tự sau: phải có báo cáo ĐTM mới được xem xét cấp giấy phép đầu tư, sau đó mới đi thuê đất, nộp thuế đất, nhận bàn giao mặt bằng rồi mới đến bước cấp giấy phép xây dựng. Thông thường, cần khoảng 30-45 ngày để hoàn thành mỗi bước như trên (là với điều kiện mọi thứ đều hanh thông).
Khi kết luận “Báo Phụ Nữ TP.HCM thông tin sai sự thật”, Cục Báo chỉ khẳng định rằng, “dự án Tam Đảo II đã có giấy phép mà Báo Phụ Nữ TP.HCM viết là chưa”. Thông tin này của Cục Báo chí (có hay không có giấy phép) không có tính phản biện so với thông tin chúng tôi đã nêu (việc có giấy phép và thi công đã đúng quy trình chưa?).
Cục Báo chí cũng viện dẫn một loạt văn bản: “ĐTM của Dự án Tam Đảo II được cấp vào ngày 26/12/2016, giấy phép xây dựng cho 1 hạng mục của dự án Tam Đảo II, được cấp ngày 23/12/2016, tiếp đến 27/12/2016 diễn ra lễ khởi công dự án Tam Đảo II…” để khẳng định Báo Phụ Nữ TP.HCM sai. Tuy nhiên, căn cứ vào 3 mốc thời gian của các văn bản nói trên, có thể thấy quy trình cấp phép và thi công của dự án này là sai luật. Ngày 23/12/2016, Tập đoàn Sun Group có giấy phép xây dựng và 3 ngày sau được cấp giấy phép ĐTM, tức là ở đây, giấy phép xây dựng có khi chưa có ĐTM. Đây là việc làm trái luật và có dấu hiệu tiêu cực của cơ quan chức năng. Chưa kể, vào thời điểm chúng tôi thực hiện loạt bài, khi trao đổi với Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, vị này cũng cho biết, không có giấy phép xây dựng.
5.
Về các thông tin phản ánh Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời tàn phá, hủy hoại môi trường thiên nhiên tại Bà Nà và tại Tam Đảo.
Ý kiến của Cục Báo chí:
* Đối với dự án tại Vĩnh Phúc:
Tại văn bản số 190/SKHĐT-KTĐN ngày 6/2/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc nêu: dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75, giai đoạn 1 chưa triển khai bất cứ hoạt động xây dựng, thi công nào ngoài hoạt động hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện đền bù di dời dân ra khỏi khu vực quy hoạch ga đi cáp treo; đến nay mới cơ bản hoàn thành để bàn giao cho Vườn Quốc gia Tam Đảo. Hiện nay, Vườn Quốc gia Tam Đảo chưa bàn giao ranh giới, diện tích khu vực cho thuê môi trường rừng, nhà đầu tư chưa có hoạt động đầu tư, triển khai thi công và tác động ảnh hưởng đến rừng của Vườn Quốc gia Tam Đảo.
Tại văn bản số 484/BTNMT-TĐKTTT ngày 3/2/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu: dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo quy mô 385,5ha. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2992/QĐBTNMT ngày 26/12/2016 về việc phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) chưa nhận được phản ánh của các cấp quản lý có thẩm quyền tại địa phương về những vi phạm của chủ đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong khi triển khai dự án.
* Đối với dự án tại Đà Nẵng:
Tại văn bản số 234/UBND-STTT ngày 13/1/2020, UBND TP.Đà Nẵng nêu: dự án Khu du lịch Bà Nà – Suối Mơ phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 465/QĐ-TTg ngày 17/6/2002 và Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013, theo đó toàn bộ ranh giới dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đất du lịch. Dự án cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm ngoài ranh giới rừng đặc dụng tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 và đã được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt nằm ngoài ranh giới quy hoạch 3 loại rừng tại Quyết định số 5924/QĐ-UBND ngày 27/8/2013.
Tại văn bản số 484/BTNMT-TĐKTTT ngày 3/2/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu: ngày 31/7/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án “Quần thể du lịch sinh thái Bà Nà – Suối Mơ” tại Quyết định số 1990/QĐ-BTNMT. Qua khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại thời điểm chủ đầu tư đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM của dự án, không thấy có các hoạt động tàn phá cảnh quan, đốn chặt cây xanh vi phạm các giấy phép được cấp thẩm quyền chấp thuận; không nhận được phản ánh từ các cơ quan quản lý của địa phương về các vi phạm của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Qua nghiên cứu hồ sơ, về cơ cấu đất, sử dụng đất rừng của dự án tuân thủ các văn bản giao đất, giao rừng của Chính phủ và của TP.Đà Nẵng.
Báo Phụ Nữ TP.HCM xin nói rõ:
* Đối với dự án tại tỉnh Vĩnh Phúc, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nêu ra vấn đề: “Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô là đơn vị đứng ra lập dự án Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75, được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo ĐTM vào ngày 26/12/2016. Và ngày hôm sau, 27/12/2016, Tập đoàn Sun Group làm lễ khởi công dự án. Thông tin, hình ảnh được đăng tải trên rất nhiều tờ báo (và Báo Phụ Nữ TP.HCM đã cung cấp cho đoàn làm việc). Như vậy, việc khởi công dự án đã được thực hiện khi Vườn Quốc gia Tam Đảo chưa bàn giao ranh giới, diện tích khu vực cho thuê môi trường rừng trên thực địa cho nhà đầu tư (theo văn bản 190 mà tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận) là sai pháp luật.
Còn trên thực tế, dự án Tam Đảo II đã triển khai nhiều hạng mục, chứ không phải chỉ 1 hạng mục đã có giấy phép như ý kiến của Cục Báo chí. Doanh nghiệp đã san lấp, phá rừng để triển khai xây dựng đường đi từ Tam Đảo I sang Tam Đảo II theo dự án. Dự án ga đi cáp treo có diện tích 2ha đã khởi công, triển khai san lấp mặt bằng. Tại thời điểm này (tháng 5/2020) dự án Tam Đảo II đang ngừng mọi hoạt động, nhưng những vết tích của nó vẫn còn để lại: con đường dẫn từ Tam Đảo I đến Tam Đảo II đang thực hiện, những tiếng nổ mìn nhiều tháng trời vẫn còn đó trong trí nhớ của hàng vạn người dân sống ở chân núi Tam Đảo.
Trước những bất thường cần được làm rõ như vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũng là đối tượng phản ánh những sai phạm của loạt bài) đã bác bỏ chỉ vì: “Tổng cục Môi trường chưa nhận được phản ánh của các cấp quản lý có thẩm quyền tại địa phương về những vi phạm của chủ đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong khi triển khai dự án”. Việc bộ “chưa nhận được phản ánh” có thể gọi là “chứng cứ” để khẳng định, cho rằng Báo Phụ Nữ TP.HCM viết sai sự thật hay không khi mà từ chính quyền địa phương đến cơ quan chức năng đến chủ đầu tư đều có những vấn đề cần được làm rõ để trả lời trước nhân dân?
* Đối với dự án tại Đà Nẵng, Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương cho phép phát triển du lịch trên đất rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa. Dự án cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm ngoài ranh giới rừng đặc dụng tại Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 và đã được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt nằm ngoài ranh giới quy hoạch 3 loại rừng tại Quyết định số 5924/QĐ-UBND ngày 27/8/2013. Sau đó, đã có sự điều chỉnh liên quan đến vấn đề “đất rừng đặc dụng” của TP.Đà Nẵng và Chính phủ.
Nhưng, nhìn vào mốc thời gian của các công văn có “động tác điều chỉnh” được dẫn ở trên, rõ ràng Tập đoàn Sun Group đã triển khai dự án trên đất rừng đặc dụng. Chính tập đoàn này khẳng định (với Cục Báo chí): dự án được khởi công năm 2007, tức trước đó 6-7 năm.
Về ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 484/BTNMT-TĐKTTT ngày 3/2/2020 về cơ cấu sử dụng đất, đất rừng của dự án. Theo hồ sơ, tổng diện tích nghiên cứu của dự án là 654,42ha đã được UBND TP.Đà Nẵng giao đất cho chủ đầu tư tại Quyết định số 2098/QĐ-UBND ngày 22/3/2012 và tổng thể mặt bằng được phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 9075/QĐ-UBND ngày 3/11/2018 của UBND TP.Đà Nẵng.
So sánh với bản đồ quy hoạch 3 loại rừng TP.Đà Nẵng giai đoạn 2011-2020, ban hành kèm theo Quyết định số 5924/QĐ-UBND ngày 27/8/2013 của UBND TP.Đà Nẵng; căn cứ văn bản số 311/4-KH ngày 26/10/2018 của Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa, xác định tất cả các hạng mục của dự án nằm ngoài Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa.
Theo báo cáo ĐTM và tờ trình số 315/TTr-UBND huyện Hòa Vang ngày 28/9/2018 thẩm định phương án điều chỉnh thu hồi rừng, giao rừng cho Công ty cổ phần Dịch vụ cáp treo Bà Nà quản lý trồng và phát triển rừng, chủ đầu tư sẽ thực hiện xây dựng các công trình trên tổng diện tích 239,07ha của 654,42ha được giao; còn lại diện tích 415,35ha là đất được chính quyền giao quản lý, trồng và phát triển rừng, không xây dựng công trình.
Trong 239,07ha đất để xây dựng công trình nêu trên, ngoài diện tích đất nông nghiệp là 23,21ha đã được giao cho chủ đầu tư theo Quyết định số 9075/QĐ-UBND ngày 3/11/2012 của UBND TP.Đà Nẵng, diện tích đất còn lại phục vụ xây dựng công trình được xác định khoảng 214,32ha, bao gồm: diện tích đất rừng trồng khoảng 204,96ha; diện tích đất rừng tự nhiên khoảng 9,36ha gồm toàn bộ là diện tích rừng tự nhiên phục hồi, đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương chuyển đổi tại văn bản số 509/TTg-NN ngày 4/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, giải quyết đối với đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, công trình.
Các văn bản, công văn nêu trên đều ra đời rất lâu sau khi Tập đoàn Sun Group khởi công dự án (năm 2007), thậm chí là đã đưa vào khai thác nhiều hạng mục trên đỉnh núi Bà Nà. Đây là dấu hiệu của sự “hợp thức hóa” cho hành vi sử dụng rừng đặc dụng làm khu du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn, bất động sản…
Về các thủ tục môi trường của dự án: theo báo cáo của chủ đầu tư, các hạng mục công trình đều có báo cáo ĐTM và giấy phép môi trường theo quy định, cụ thể tại các văn bản của UBND TP.Đà Nẵng: Quyết định số 4906/QĐ-UBND ngày 1/9/2017 của UBND TP.Đà Nẵng về việc phê duyệt báo cáo ĐTM; giấy phép xả nước thải số 1079/GP-UBND ngày 14/3/2018 của UBND TP.Đà Nẵng cấp phép xả thải từ khu nhà ở nhân viên (Sunhome 1); giấy phép xả nước thải số 1672/GP-UBND ngày 24/4/2018 của UBND TP.Đà Nẵng cấp phép xả thải từ khu nhà điều hành, dịch vụ du lịch và phụ trợ; giấy phép khai thác sử dụng nước mặt số 1187/GP-UBND ngày 4/3/2016 của UBND TP.Đà Nẵng ngày 31/7/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án “Quần thể du lịch sinh thái Bà Nà – Suối Mơ” tại Quyết định số 1990/QĐ-BTNMT.
Trong báo cáo ĐTM, các hoạt động xây dựng công trình theo quy hoạch điều chỉnh của dự án đã được đánh giá tác động và chủ đầu tư bắt buộc phải đề xuất các biện pháp giảm thiểu tương xứng.
Nhưng, căn cứ vào các văn bản nói trên cho thấy, công tác thực hiện, phê duyệt ĐTM đã đến sau khi dự án đã được tiến hành xây dựng và khai thác. Điều này là trái quy định pháp luật.
Về tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường: qua khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại thời điểm chủ đầu tư đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM của dự án, không thấy có các hoạt động tàn phá cảnh quan, đốn chặt cây xanh vi phạm các giấy phép được cấp có thẩm quyền chấp thuận; không nhận được phản ánh từ các cơ quan quản lý của địa phương về các vi phạm của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Qua nghiên cứu hồ sơ, về cơ cấu đất, sử dụng đất rừng của dự án tuân thủ các văn bản giao đất, giao rừng của Chính phủ và của TP.Đà Nẵng.
Vậy thì, kính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện công khai, minh bạch toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc “tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường” của dự án, bao gồm cả ĐTM của dự án này, cho nhân dân được biết.
Dưới đây là bằng chứng của Báo Phụ Nữ TP.HCM về dự án tại Đà Nẵng:
– Trong tất cả các “giải trình” của UBND TP.Đà Nẵng và Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu trên, chúng tôi không hề thấy các cơ quan này đề cập đến Quyết định số 3995/QĐ-UBND do ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng – ký ngày 19/7/2017, phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bana Hill Resort & Residences theo bản vẽ do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Ánh Dương thuộc Tập đoàn Sun Group lập.
Quyết định này đã từng được Báo Phụ Nữ TP.HCM công khai trong loạt bài về các dự án của Tập đoàn Sun Group cũng như các báo cáo gửi Cục Báo chí, thể hiện hàng trăm héc-ta rừng đặc dụng của TP.Đà Nẵng giao cho Sun Group làm khu nghỉ dưỡng, vui chơi, căn hộ, biệt thự, cáp treo… nhân danh phát triển du lịch.
Ngay ở phần nội dung điều chỉnh của Quyết định số 3995/QĐ-UBND ghi rõ: điều chỉnh lại ranh giới, tách diện tích rừng đặc dụng ra khỏi dự án.
Như vậy, sau 10 năm, kể từ khi được khởi công năm 2007, chính quyền TP.Đà Nẵng mới có quyết định tách rừng đặc dụng ra khỏi dự án, đồng nghĩa dự án đã không nằm ngoài ranh giới rừng đặc dụng.
Trong quyết định của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, ở phần quy mô điều chỉnh, ghi diện tích sử dụng đất trước điều chỉnh quy hoạch là 2.481.416m2 (tương đương hơn 248ha). Thế nhưng, khi chúng tôi đối chiếu lại quy hoạch chi tiết sử dụng đất ở từng hạng mục thì con số đã giao cho Sun Group lên đến 2.736.211m2 (hơn 273ha) dành cho các công trình: khu lễ hội bia; cầu dẫn nhà ga đi cáp kéo số 2; vườn hoa mở rộng; Cầu Vàng, Cầu Bạc, Cầu Đi bộ; quảng trường Christmas Plaza và khu vực công trình Lệ Nim (đã có chuyển quyền sử dụng đất với diện tích 9.389m2); nhà ga đi cáp kéo; nhà hàng; nhà VIP; nhà kính và các lô biệt thự Golden… bên cạnh những hạng mục “phát triển du lịch theo hướng đẳng cấp”: vùng Brittany, thị trấn Sarlat-la-Caneda, thị trấn Conques, Aveyron, Eze, Apremont-sur-allier, lâu đài Chenonceaux… thuộc Làng Pháp, rồi khu vui chơi Fantasy Park, Fec-Club, khu nghỉ mát Bà Nà Hill By Night gồm khách sạn, khu căn hộ, biệt thự cao cấp…
Những hạng mục bê tông hóa trên đầu ngọn cảnh quan thiên nhiên của Đà Nẵng như villa, biệt thự siêu cao cấp, căn hộ phương Đông… đều buộc phải đốn hạ cây xanh để thực hiện. Bên cạnh đó là những sai phạm: ai đủ quyền hạn để có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất ở? Cần lưu ý, theo các chuyên gia, Bà Nà có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, là một điểm cao chiến lược có thể quan sát toàn bộ Đà Nẵng, chắc chắn thuộc phạm vi an ninh quốc phòng.
Ngoài ra, điều đáng nói, đây không phải lần đầu dự án được điều chỉnh. Trước Quyết định 3995/QĐ-UBND nói trên, dự án Bana Hill Resort & Residences được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào ngày 10/10/2013. Sau đó, UBND thành phố đã liên tục ra các quyết định điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch lần lượt vào tháng 3 và tháng 10/2016.
Trải qua nhiều lần điều chỉnh, thay đổi như đã nêu, dự án có được thực hiện lại việc đánh giá tác động môi trường tương ứng theo luật định hay không; chưa kể, có những nội dung đáng lý ra phải được Thủ tướng hoặc Quốc hội thông qua liên quan đến rừng đặc dụng cần bảo tồn?
Ví dụ, hai tuyến cáp treo được điều chỉnh tăng diện tích theo quyết định do Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng – ông Huỳnh Đức Thơ ký, tuyến cáp số 4 (từ 2.128m2 lên 2.493m2) có chiều dài 5.132m, rộng 35m với diện tích của 23 trụ cáp là 1.315,76m2. Trong đó, có 18 trụ nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa, chiếm diện tích 1.160m2. Chưa kể, hành lang an toàn tuyến cáp cũng nằm trong khu bảo tồn với diện tích 149.232m2.
Tương tự, tuyến cáp số 6 (từ 820m2 được điều chỉnh lên 1.640m2) có chiều dài 5.625m, rộng 30m với diện tích 29 trụ cáp là 1.491m2. Có 22 trụ nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa chiếm 1.283m2. Hành lang an toàn tuyến cáp đương nhiên nằm trong khu bảo tồn với 140.899m2.
6.
Về các thông tin phản ánh Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời chặn lối đi lên Bà Nà và chặn lối vào rừng Tam Đảo II, gồm:
Thông tin “Con đường độc đạo dẫn lên Bà Nà bị các nhân viên Sun Group kiểm soát” trong bài Từ “nhượng địa” Bà Nà nhìn về Tam Đảo đăng trên báo điện tử ngày 29/9/2019;
Thông tin “Nhưng nếu đi con đường này, chúng tôi chắc chắn không thể vượt qua được những “hàng rào người”, những chốt gác lớp lang của nhân viên bảo vệ Tập đoàn Sun Group” trong bài Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo – Bài 2: Dấu chấm hỏi về “vòng tròn khép kín” ở Tam Đảo II đăng trên báo điện tử ngày 25/9/2019;
Thông tin “Rừng quốc gia Bà Nà – Núi Chúa của toàn dân đã bị biến thành sở hữu của tập đoàn này. Đường đi bộ lên núi đã bị chặn từ lâu, người dân chỉ có cách bỏ ra gần 1 triệu đồng để đi lên bằng cáp treo. Rừng quốc gia Tam Đảo II cũng chung số phận” trong bài Có những cuộc động thổ trong lòng núi nhưng không ai biết đăng trên báo điện tử ngày 27/9/2019 và trong bài Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng: “Có những cuộc động thổ trong lòng núi nhưng không ai biết” đăng trên báo in ngày 27/9/2019.
Cục Báo chí cho rằng: tại văn bản số 234/UBND-STTTT ngày 13/1/2020, UBND TP.Đà Nẵng nêu: UBND TP.Đà Nẵng đã giao việc quản lý tuyến đường bộ lên đỉnh Bà Nà cho Công ty Quản lý cầu đường (là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giao thông Vận tải) quản lý, không có chuyện tuyến đường thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư. Tại văn bản số 190/SKHĐT-KTĐN ngày 6/2/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc nêu: tuyến đường bộ từ chân núi lên đỉnh núi hiện do Vườn Quốc gia Tam Đảo quản lý, không có việc chặn các lối đi vào Vườn Quốc gia Tam Đảo; các hoạt động của các tổ chức, cá nhân tại khu bảo tồn Vườn Quốc gia Tam Đảo thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật, dưới sự quản lý, giám sát của Vườn Quốc gia Tam Đảo. Như vậy, căn cứ ý kiến các cơ quan chức năng cho thấy, các thông tin của Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời chặn lối đi lên Bà Nà và chặn lối vào rừng Tam Đảo II là không có căn cứ.
Báo Phụ Nữ TP.HCM xin nói rõ: Báo Phụ Nữ TP.HCM đã cung cấp toàn bộ chứng cứ về những vấn đề nêu trên cho Cục Báo chí ở những văn bản phản hồi để chứng minh những gì Báo Phụ Nữ TP.HCM viết là đúng và có cơ sở tại hai địa phương là TP.Đà Nẵng và tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, chỉ bằng phản hồi của hai tỉnh này, cho rằng báo nói không đúng, thì Cục Báo chí kết luận báo sai, dù hai địa phương này chính là đối tượng phản ánh sai phạm trong loạt bài của Báo Phụ Nữ TP.HCM.
7.
Về thông tin “Sun Group xứng đáng được gọi là “trời”, bởi được che chắn từ hạ giới có tên là im lặng của chính quyền từ trung ương đến địa phương” trong bài Sun Group – “Ông trời” không từ trên cao – Bài 1: Bê tông chọc trời mọc lên, hàng trăm héc-ta rừng Bà Nà gục xuống đăng trên báo in ngày 23/9/2019 và trong bài Sun Group – “ông trời” không từ trên cao đăng trên báo điện tử ngày 23/9/2019.
Cục Báo chí cho rằng: Báo Phụ Nữ TP.HCM viết sai vì các văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.Đà Nẵng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đều khẳng định chủ đầu tư chưa có vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai dự án.
Báo Phụ Nữ TP.HCM xin nói rõ: nếu những cơ quan này khẳng định chủ đầu tư không sai thì hàng loạt văn bản sai pháp luật từ những cơ quan này (mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã chứng minh) đều đúng?
Và điều trên chính là lý do mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã viết lời dẫn chung cho loạt bài với câu: “được che chắn từ hạ giới có tên là im lặng của chính quyền từ trung ương đến địa phương”. Báo Phụ Nữ TP.HCM thừa nhận và nghiêm túc rút kinh nghiệm khi từ ngữ trong câu luận bàn trên nghiêng về cảm thán mà vượt khỏi tính chất thông tin. Nhưng dựa vào những chứng cứ mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đưa ra (mà cho đến nay vẫn chưa được phản biện đúng trọng tâm từ các đơn vị, địa phương có liên quan) cũng không sai bản chất vấn đề.
Trong quá trình thực hiện bài viết, chúng tôi đã không nhận được sự hợp tác của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Mọi cánh cửa đều đóng trước bao nhiêu tiếng gõ kiên nhẫn của Báo Phụ Nữ TP.HCM. Vì nhận thấy điều bất thường trên nên chúng tôi đã dùng nhiều hình thức tiếp cận khác để tìm hiểu thông tin và công bố những sự thật đã được thu thập, chứng minh:
– Dự án tại Bà Nà, Đà Nẵng đã rõ những sai phạm.
– Dự án Tam Đảo II, tại văn bản số 190/SKHĐT-KTĐN ngày 6/2/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận: với dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75, Vườn Quốc gia Tam Đảo chưa bàn giao ranh giới, diện tích khu vực cho thuê môi trường rừng.
Như vậy, dù cơ sở pháp lý đầu tiên để thực hiện dự án chưa có, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý chủ trương thực hiện dự án này giai đoạn 1; UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chấp thuận cho Công ty TNHH Mặt trời Tam Đảo được thực hiện dự án giai đoạn 1; Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy phép xây dựng cho Công ty TNHH Mặt trời Tam Đảo được phép xây dựng hạng mục nhà ga đi cáp treo của dự án giai đoạn 1; Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho dự án; và dự án đã thực hiện san lấp một phần diện tích (2ha/15ha) để xây dựng nhà ga đi… đều đã vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Xây dựng năm 2014 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo điều tra của Báo Phụ Nữ TP.HCM, hơn 60 người dân thuộc huyện Tam Đảo và Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), sống xung quanh dự án, đã bị làm giả ý kiến, chữ ký khống trong bản ĐTM được ký vào ngày 26/12/2016. Sau khi báo đăng, người của dự án Tam Đảo II đã đi cùng cán bộ kiểm lâm đến tận nhà hơn 60 người dân để biếu số tiền 2 triệu đồng/nhà để xin lỗi và nhờ vả: “Khi có đoàn kiểm tra hỏi thì nói tốt về dự án Tam Đảo II và phủ nhận thông tin báo đăng”.