Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Khi người Thái nghe quốc ca

 + Photo: Cô nhân viên phục vụ người Thái chào kính khi nghe quốc ca phát từ đài truyền hình tối 27-10-2012.

Tối thứ Bảy 27-10-2012, tôi và nhóm media Việt Nam đang ngồi ăn cơm ở khu Food Center trên tầng 6 của siêu thị MBK (Bangkok) thì tới giờ phát hình buổi tối (19 giờ) của một kênh truyền hình Thái Lan. Chương trình được bắt đầu bằng bài quốc ca Thái được phát cả lời lẫn nhạc trên nền những slide hình ảnh và những cảnh video về cuộc sống của Thái Lan.

Khi tiếng quốc ca trỗi lên từ các chiếc TV, nhiều người Thái đã đứng dậy, nghiêm trang chào cờ. Những nhân viên phục vụ cũng bỏ dở công việc đang làm để chào cờ.

Bài quốc ca Thái có tiết tấu và giai điệu hùng tráng và sảng khoái. Nhưng nó rất ngắn, chỉ 8 câu, mà súc tích. Nó được gọi là “Phleng Chat Thai” (tiếng Thái có nghĩa là “quốc ca Thái”), được thông qua hồi tháng 12-1939. Nội dung của bài quốc ca nói rằng: “Thái Lan ôm trọn trong lòng mình tất cả những người dân mang dòng máu Thái. Lãnh thổ Thái Lan thuộc về người Thái. Nó đã trải qua rất lâu để gìn giữ chủ quyền của mình. Tất cả người Thái đều muốn thống nhất với nhau. Nhân dân Thái yêu hòa bình, nhưng không phải là những kẻ hèn nhát trong chiến tranh, cũng như không chấp nhận sự chuyên chế. Tất cả người Thái sẵn sàng đổ hết máu mình cho sự an toàn, tự do và tiến bộ của đất nước.”

Ở Thái Lan, quốc ca được cử mỗi ngày 2 lần vào lúc 8 giờ sáng (chào cờ) và 6 giờ chiều (hạ cờ). Đó là lúc cuộc sống trên toàn nước Thái dừng lại trong 1 phút để tôn trọng quốc ca. Khắp nước Thái tràn ngập tiếng quốc ca. Mọi đài truyền hình, đài phát thanh đều phát quốc ca hàng ngày. Quốc ca được phát trên các hệ thống loa trong các cơ quan nhà nước, trên các xe điện ngầm (MRT), xe điện trên cao (sky train – BTS), các trạm xe buýt, các công viên và các nơi công cộng. Các trường học cử quốc ca vào lúc 8 giờ sáng; tất cả học sinh phải tham dự và cùng hát quốc ca trong khi hai học sinh kéo quốc kỳ lên cột cờ của trường.

Mỗi người Thái đều được dạy từ nhỏ để biết cách hành xử mỗi khi nghe tiếng quốc ca, quốc thiều, họ phải ngừng các việc đang làm, đứng nghiêm chỉnh để tỏ lòng tôn kính quốc ca và đất nước mình. Và Thái Lan không phải chỉ kêu gọi người dân tự giác tôn trọng quốc ca. Luật Thái Lan quy định là người nào không chịu ngừng công việc lại để chào cờ có thể bị bắt và bị kết án tù. Mặc dù thực tế ngày nay cũng chẳng thấy ai áp dụng điều luật đó, nhưng điều này cho thấy sự nghiêm túc của người Thái đối với một biểu tượng thiêng liêng của dân tộc mình.

Hành khách đứng chào quốc ca lúc 6g chiều tại bến xe khách Moshit. (Ảnh: Internet)

Tôi chợt nhớ lại hồi xưa còn bé của mình ở miền Nam. Ngay từ năm học lớp Năm (tức lớp 1 bây giờ), học sinh đã được học rằng mỗi khi đi đâu mà nghe có tiếng quốc ca, quốc thiều thì phải lập tức đứng lại, bỏ mũ ra nếu đang đội, nghiêm trang chào kính. Khi đi ngoài đường thấy có xe tang đi qua thì phải dừng lại, giở mũ và cúi đầu chào người quá cố. Khi đi ngoài đường phải biết nhường nhịn nhau, ngay cả những người lái xe trên đường cũng không được giành đường của nhau mà phải tự giác tuân thủ luật giao thông. Khi ở nơi công cộng phải biết kính trọng người già, nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai hay có con nhỏ. Đó là những bài học vỡ lòng của người công dân mà chúng tôi được thầy cô dạy và tự giác thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ăn sâu vào tâm trí tôi suốt cuộc đời còn lại.

Tôi vẫn luôn xúc động mỗi khi nhìn thấy hình ảnh công dân nước ngoài đặt bàn tay phải lên ngực trái – chỗ trái tim – khi đứng chào cờ nước mình. Ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ dịp nào, họ cũng đều thể hiện lòng yêu nước và lòng tự hào đối với đất nước mình.

Phạm Hồng Phước

(Saigon 28-10-2012)

Mời bạn nghe bài quốc ca Thái Lan.

Còn đây là hình ảnh người dân Thái ở thị trấn Buriram đứng lại khi nghe có tiếng quốc ca.

Khi quốc ca trỗi lên tại một nhà ga xe lửa ở Thái Lan.

Dưới một trạm xe điện ngầm MRT.

Quốc ca ở chợ

Một ngôi chợ tấp nập ở tỉnh Chiang Mai trong sáng Chủ nhật vào lúc chào cờ.