Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Nỗi lo cấp cứu và mua hàng online trong thời giãn cách xã hội

TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 1 tháng, cho tới 15-9-2021 với quyết tâm khống chế được làn sóng dịch thứ 4 này vào thời hạn đó – theo chỉ đạo của Thủ tướng. Một tháng giãn cách này sẽ chia thành 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn nửa tháng và sẽ có những biện pháp điều chỉnh phù hợp tình hình.

Quyết định kéo dài giãn cách này đã được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi thông báo sáng 15-8-2021 khi ông tham dự lễ phát động “Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19″ và ra mắt trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn do dịch COVID-19”. OK dù No Fine. Ông Mãi đã nói thì ta sẽ mãi chấp hành. Ai cũng biết đây là một quyết định cực kỳ khó khăn của giới lãnh đạo TP.

Chỉ mong 2 điều: ý thức chấp hành của người dân và năng lực điều hành của chính quyền. Dù sao TP.HCM cũng đã bắt đầu đợt giãn cách sâu rất dài từ ngày 31-5-2021 tới nay rồi, nên phải có kinh nghiệm và điều hành cũng như thực thi có bài bản và khoa học. Sợ nhứt vẫn là những quyết định theo cảm tính và của những ông quan chỉ đạo từ văn phòng máy lạnh. Những cách hành xử bất cập lúc này chỉ phá hỏng các nỗ lực chung của toàn TP.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM từ ngày 14-7-2021 tới ngày 14-8-2021 vẫn còn rất căng thẳng. (Ảnh từ báo TTO. Thanks.)

1. Xét từ tình hình thực tế hỗm rày, rất mong rằng giới lãnh đạo TP và các cơ quan chức năng luôn nhớ cho rằng TP hơn 10 triệu dân này không chỉ có các bệnh nhân COVID-19 mà còn có cả vô số các bệnh nhân của những căn bệnh “truyền thống”. Họ cần phải được chữa trị. Ban lãnh đạo TP phải đích thân ra tay chỉ đạo quyết liệt để các cơ sở y tế phải bằng mọi giá tiếp nhận các ca cấp cứu được chở tới. Không thể viện bất cứ lý do nào để từ chối mà cần phải năng động sáng tạo để có thể tiếp nhận các người bệnh tới cấp cứu một cách an toàn cho tất cả. Có một lẽ công bằng và thực tế, các cơ sở y tế đó được thành lập là với nhiệm vụ trị bệnh cho người dân. Chúng không phải là các bệnh viện chuyên trị COVID-19. Điều trịi và xử lý các ca có liên quan tới COVID-19 chỉ là nhiệm vụ nhất thời mà thôi. Thử hỏi nếu không được các cơ sở y tế tiếp nhận, các bệnh nhân phải cấp cứu sẽ được chữa trị ở đâu. Thực tế đã có những bệnh nhân phải chịu lìa đời vì bị bệnh viện từ chối tiếp nhận khi họ tới xin cấp cứu. Đó là những cái chết gián tiếp vì ả yêu ma Cô Vi Vũ Hán 19 tuổi.

Có vẻ các lệnh từ Sở Y tế đã không còn hiệu quả với các bệnh viện nên cần phải có lệnh quyết liệt, nghiêm minh từ các cấp lãnh đạo cao nhất của TP. Thậm chí có thể truy tố hình sự nếu để xảy ra tử vong do không tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân.

Ai cũng thấu hiểu sự quá tải và mệt mỏi, cộng với nỗi sợ không còn vô hình của các cơ sở y tế trong cơn đại dịch này. Nhưng họ đã chọn theo ngành y là để cứu người. Liệu có công bằng không khi đội ngũ nhân viên y tế đang xả thân mạo hiểm trực tiếp trên tuyến đầu chống dịch, trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 thì ở nhà có những đồng nghiệp của mình lại tìm mọi cách từ chối cấp cứu bệnh nhân? Hành vi đó phải gọi đích danh là “đâm sau lưng chiến sĩ”, làm xấu đi hình ảnh của các “thiên thần áo trắng”.

2. Trong tình hình phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và nâng cao, người dân được yêu cầu ở nhà và mua hàng hóa online. Nhưng hàng hóa dù có thể đặt mua trên mạng mà lại bị kẹt khâu vận chuyển thì có cũng như không. Kinh nghiệm từ TP Vũ Hán, ổ xuất phát dịch hồi đầu năm 2020 trong thời gian phong tỏa, nếu không có lực lượng shipper thì cuộc sống người dân đã khó khăn, khổ sở biết chừng nào.  Vì thế, TP.HCM phải tiếp tực nghĩ cách và yêu cầu các doanh nghiệp có liên qua hợp tác để có thể điều hành hoạt động giao chuyển hàng hóa một cách hiệu quả hơn và an toàn hơn. Thử hỏi, nếu không thể mua được hàng hóa online, đời sống của người dân sẽ khổ sở, bí bách, thiếu thốn ra sao? Trong khi nhà nước không thể mưa móc toàn dân thì nên mở cửa cho xã hội tự giải quyết, điều hòa cho nhau, miễn là trong sự kiểm soát chặt chẽ của các quy định khả thi.

P.H.P.