Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Hikvision đã vá lỗ hổng bảo mật trên camera an ninh

Hikvision ngày 25-9-2021 ra thông cáo báo chí cho biết hãng đã chủ động khắc phục lỗ hổng bảo mật CVE-2021-36260 trước khi phát đi thông báo cập nhật phiên bản chương trình cơ sở (firmware) và chưa ghi nhận bất kỳ hành vi nào sử dụng lỗ hổng này với mục đích xấu.

Vào ngày 23-6-2021, Hikvision được một chuyên gia bảo mật có tên là Watchful IP liên hệ báo cáo một lỗ hổng tiềm ẩn bên trong camera Hikvision. Sau khi xác nhận lỗ hổng, Hikvision đã chủ động làm việc trực tiếp với chuyên gia để phát hành các bản vá lỗi và được xác nhận đã ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ của lỗ hổng này. Sau đó, vào ngày 18-9, Hikvision đăng tải thông báo về lỗ hổng bảo mật này và đưa ra bản cập nhật chương trình cơ sở (firmware) mới nhất, khuyến cáo khách hàng cập nhật cho thiết bị của mình nhằm bảo đảm an toàn ở mức tối đa. Hơn nữa cho đến nay, Hikvision chưa ghi nhận bất kỳ bằng chứng công khai nào hoặc bất kỳ hành vi nào sử dụng lỗ hổng bảo mật với mục đích xấu.

Hikvision cho biết, một số phương tiện truyền thông tại Việt Nam đã đưa thông tin về lỗ hổng bảo mật đó, nhưng không đề cập đến việc Hikvision đã chủ động cùng chuyên gia khắc phục lỗi, và đã hoàn thành phiên bản vá lỗi từ trước khi có thông báo chính thức.

Ông Công Tiến Lâm, Giám đốc Kỹ thuật Hikvision Việt Nam, chia sẻ: “Đây là lỗ hổng bảo mật được Hikvision chủ động khắc phục với một chuyên gia bảo mật người Anh. Mặc dù một số phương tiện truyền thông cho rằng đây là một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, tuy nhiên trên góc độ tổng quát thì đây là thách thức mà bất kỳ công ty công nghệ nào cũng có thể gặp phải. Hikvision cũng đã áp dụng các thông lệ chung trong ngành công nghiệp toàn cầu, và khẳng định rằng lỗ hổng này không phải cái gọi là “cửa sau” (backdoor). Và các sản phẩm của Hikvision cũng không có “cửa sau”.  

Để bảo đảm an ninh cho hệ thống camera giám sát, Hikvision khuyến nghị các cá nhân, tổ chức đang sử dụng sản phẩm Hikvision kiểm tra thiết bị của mình có nằm trong danh sách bị ảnh hưởng hay không và cập nhật phiên bản firmware mới nhất để hạn chế nguy cơ bị ảnh hưởng do lỗ hổng này. Hiện tại, phiên bản firmware mới nhất đã có trên trang chủ Hikvision và website của các nhà nhập khẩu chính thức tại Việt Nam.

Để download các phiên bản firmware mới nhất, người dùng có thể truy cập trang Web.

Trong TCBC, Hikvision khẳng định: Với tư cách là một nhà sản xuất các sản phẩm an ninh giám sát hàng đầu trên thế giới, Hikvision luôn tuân thủ nghiêm ngặt các điều luật, quy định hiện hành ở tất cả các quốc gia và khu vực nơi Hikvision đang hoạt động.

Hikvision cùng nhiều tập đoàn công nghệ khác như Cisco, Microsoft, Apple,… là thành viên của CVE (tiêu chuẩn công nghiệp cho định danh các lỗ hổng và phơi nhiễm phổ biến). Các công ty công nghệ này đã và đang cam kết tiếp tục làm việc với các bên thứ ba là nhà nghiên cứu bảo mật và tin-tặc-mũ-trắng (white hat hacker) để tìm, vá, tiết lộ và phát hành các bản cập nhật cho các sản phẩm một cách kịp thời, thể hiện nghiêm túc tư cách nhóm quản lý lỗ hổng bảo mật CVE.  

Hikvision cho biết hãng được thành lập năm 2001, có trụ sở chính tại Hangzhou (Hàng Châu, Trung Quốc), là công ty cổ phần với 58% vốn được góp từ các cổ đông trên thế giới, là một doanh nghiệp toàn cầu, hoạt động độc lập. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit đến năm 2020, Hikvision là hãng camera giám sát lớn nhất thế giới, chiếm 38% thị phần toàn cầu. Các sản phẩm của của hãng tập trung vào công nghệ AI, phục vụ việc xây dựng các thành phố thông minh.

Có mặt trên thị trường Việt Nam từ nhiều năm qua, Hikvision cung cấp đa dạng các dòng sản phẩm phục vụ việc giám sát bằng hình ảnh, có thể kể đến camera an ninh, camera giao thông, camera tầm nhiệt, đầu ghi lưu trữ, hệ thống báo động, chuông cửa có hình… Trong đó, thịnh hành nhất là các mẫu camera giám sát có mức giá trung bình. Không chỉ phổ biến trong các gia đình, những sản phẩm này còn được lắp đặt tại nhiều doanh nghiệp, công trình ở Việt Nam.

MEDIAONLINE

Nguồn do Hikvision cung cấp.