Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Chung sống với siêu AI ChatGPT

Râm ran từ trước và ngay sau khi chính thức ra mắt vào ngày 30-11-2022, công cụ siêu trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT của startup công nghệ Mỹ OpenAI đã nhanh chóng tạo ra một trận bão công nghệ mang tính toàn cầu từ những ngày đầu năm 2023.

Ngày 23-1-2023, Microsoft đã công bố mở rộng quan hệ đối tác với OpenAI và thông báo khoản đầu tư mới diễn ra trong nhiều năm với ngân sách được cho là khoảng 10 tỷ USD. Trước đó, Microsoft cũng đã đầu tư vào OpenAI hồi năm 2019 và 2021. Và OpenAI, nhà phát triển và huấn luyện ChatGPT, còn có một trong những nhà sáng lập nổi tiếng là tỷ phú công nghệ Elon Musk, người được biết đến chuyên phát triển những dự án tương lai và tầm cỡ vũ trụ bao gồm SpaceX, Tesla và mới đây trở thành chủ nhân mới của Twitter.

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Chính Elon Musk đã phải đánh giá về ChatGPT là “đáng sợ” bởi sức mạnh trí tuệ “khủng khiếp” của nó. ChatGPT là một cỗ máy phản hồi thông minh gọi là chatbot, nhưng mạnh hơn tất cả các chatbot hiện có nhờ kho dữ liệu tri thức khổng lồ mà nó được “dạy” cho. Giáo sư Michael Wooldridge chuyên về AI tại Viện Alan Turing (Anh) cho rằng phải mất 1.000 đời người mới có thể đọc hết khối lượng kiến thức mà ChatGPT hiện có được. Trong khi đó, với công nghệ Máy học (Machine Learning), Học sâu (Deep Learning), Dữ liệu lớn (Big data),… cỗ máy ChatGPT sẽ không ngừng tự học, bổ sung thêm tri thức cho mình. 

Trước nay, người ta đã nhận thức được rằng nhân loại đang bước vào một kỷ nguyên của AI với ứng dụng AI ngày càng phủ rộng, len lỏi vào trong mọi ngõ ngách của xã hội tác động tới cuộc sống con người. Và có thể nói rằng, với công cụ AI mở như ChatGPT này, ngay từ năm 2023, thế giới đã có thể sử dụng AI trong cuộc sống thường ngày khi AI đến tận từng nhà và trong tay từng người.

Mặc dù hiện nay chỉ có một số ít nước là có thể đăng ký tài khoản OpenAI để sử dụng ChatGPT, nhưng ngày càng có thêm nhiều người ở Việt Nam đã có thể truy cập được siêu chatbot này (bằng cách sử dụng số điện thoại ở nước ngoài, dùng công nghệ VPN,…). Và vào thời điểm này, ChatGPT đã hiểu và thông thạo tiếng Việt, thậm chí đã có thể viết bài, làm thơ bằng tiếng Việt.

Nhà báo Anh Henry Williams đã đặt ChatGPT viết một bài về cổng thanh toán. Chỉ 30 giây sau, ông đã nhận được một bài viết với chất lượng nội dung đạt yêu cầu của ông, mà nếu ông viết được như vậy thì cũng phải mất hàng giờ. Sau khi kiểm chứng và chỉnh sửa lại cho hoàn thiện, nhà báo Henry Williams đã gửi bài báo tới tòa soạn và được xuất bản với mức nhuận bút 615 USD.

Một số giảng viên đại học ở nước ngoài cho biết đã nhận được những bài luận do sinh viên nhờ ChatGPT viết mà chất lượng thì “đáng khen ngợi”.

Điều đáng nói ở chỗ ChatGPT không phải chỉ là một ứng dụng công nghệ phục vụ trong lĩnh vực công nghệ, mà nó mang tính đại chúng cao. Với kho tri thức uyên bác và phong phú của mình, ChatGPT đã sẵn sàng phục vụ hầu như mọi lĩnh vực cuộc sống, như giáo dục, y tế,…

Tất nhiên, ChatGPT vẫn chỉ là một cỗ máy do con người phát triển và huấn luyện. Nó vẫn chưa thể hoàn hảo, và vẫn là một trí tuệ nhân tạo – một trí thông minh máy móc, đòi hỏi người dùng nó phải có năng lực để kiểm chứng và hiệu chỉnh những gì nó tạo ra.

Bất luận thế nào, các siêu AI như ChatGPT chính là những thành tựu của công nghệ tiên tiến hiện đại. Con người phải chấp nhận chung sống với chúng. Và ChatGPT là một công cụ công nghệ nên việc sử dụng nó tốt xấu ra sao vẫn tùy thuộc vào người dùng. Vì vậy, với sức mạnh đặc biệt của ChatGPT, người ta cần phải cụ thể hóa những luật lệ để có thể tận dụng tối đa những cái tích cực của nó phục vụ con người. Trong khi không thể, và cũng không nên, cố gắng ngăn cản hay xiềng xích các siêu AI như ChatGPT, người ta rất cần phải nhanh chóng trang bị cho mình năng lực kiểm soát chúng khỏi bị lạm dụng gây hại. Hãy tham khảo thế giới phản ứng ra sao!

Bản in trên báo Người Lao Động ngày 31-1-2023 và trên báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC